Tác dụng của glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp? Mỗi ngày uống bao nhiêu glucosamine là đủ?

Khánh Hằng - Ngày 15/10/2020 17:00 PM (GMT+7)

Glucosamine thường được sử dụng để điều trị các bệnh về xương, khớp và sụn. Vậy bạn đã biết rõ về tác dụng của glucosamine cũng như liều dùng mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất chưa?

Glucosamine là một phân tử xuất hiện tự nhiên trong cơ thể bạn, nhưng nó cũng là một chất bổ sung phổ biến trong chế độ ăn uống. Glucosamine thường được sử dụng trong việc  điều trị các triệu chứng của rối loạn xương và khớp và một số bệnh viêm nhiễm khác.

Glucosamine là gì?

Glucosamine là một hợp chất tự nhiên được phân loại về mặt hóa học là đường amin. Nó đóng vai trò như một khối xây dựng cho nhiều loại phân tử chức năng trong cơ thể nhưng chủ yếu được công nhận để phát triển và duy trì sụn trong khớp.

Glucosamine thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp. Nó có thể được sử dụng dưới dạng đường uống hoặc bôi tại chỗ dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ.

Tác dụng của glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp? Mỗi ngày uống bao nhiêu glucosamine là đủ? - 1

Glucosamine trong thực phẩm bổ sung thường được chiết xuất từ động vật có vỏ, xương động vật và nấm. Có nhiều dạng khác nhau của glucosamine bao gồm glucosamine sulfate, glucosamine hydrochloride và N-acetyl glucosamine.

Tác dụng của glucosamine 

1. Giảm viêm

Glucosamine thường được sử dụng bổ sung để điều trị các triệu chứng của các tình trạng viêm khác nhau. Một nghiên cứu đã chứng minh tác động chống viêm đáng kể khi glucosamine được áp dụng cho các tế bào tham gia vào quá trình hình thành xương.

Phần lớn các nghiên cứu về glucosamine liên quan đến việc bổ sung đồng thời chondroitin - một hợp chất tương tự như glucosamine, cũng tham gia vào quá trình sản xuất và duy trì sụn khỏe mạnh.

Do đó, việc sử dụng glucosamine có thể giúp giảm đau cho những người bị viêm xương khớp đầu gối, hông hoặc cột sống.

2. Hỗ trợ khớp khỏe mạnh

Glucosamine tồn tại tự nhiên trong cơ thể bạn. Một trong những vai trò chính của nó là hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của các mô giữa các khớp.

Tác dụng của glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp? Mỗi ngày uống bao nhiêu glucosamine là đủ? - 2

Sụn khớp là một loại mô trắng mịn bao phủ các đầu xương nơi chúng gặp nhau để tạo thành khớp. Loại mô này - cùng với chất lỏng bôi trơn được gọi là chất lỏng hoạt dịch - cho phép xương di chuyển tự do qua nhau, giảm thiểu ma sát và cho phép chuyển động không đau tại các khớp của bạn.

Glucosamine giúp hình thành một số hợp chất hóa học liên quan đến việc tạo ra sụn khớp và chất lỏng hoạt dịch. Nhờ đó, glucosamine có thể bảo vệ khớp của bạn bằng cách ngăn ngừa sự phân hủy của sụn..

Một nghiên cứu nhỏ ở những người thường xuyên đi xe đạp cho thấy, việc bổ sung 3 gam glucosamine mỗi ngày làm giảm sự suy thoái collagen ở đầu gối xuống 27% so với chỉ 8% ở nhóm dùng giả dược.

3. Điều trị rối loạn xương khớp

Thuốc bổ sung glucosamine thường được dùng để điều trị các tình trạng xương và khớp khác nhau. Nó có khả năng điều trị các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh liên quan đến viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và loãng xương.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc bổ sung glucosamine hàng ngày có thể mang lại hiệu quả lâu dài cho bệnh viêm xương khớp bằng cách giảm đáng kể cơn đau, duy trì không gian khớp và làm chậm tổng thể sự tiến triển của bệnh.

4. Một số tác dụng khác 

- Viêm bàng quang kẽ: Glucosamine được biết đến rộng rãi như một phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ, một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt hợp chất glycosaminoglycan. Do glucosamine là tiền chất của hợp chất này nên nó có thể giúp quản lý vi mạch.

Tác dụng của glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp? Mỗi ngày uống bao nhiêu glucosamine là đủ? - 3

- Bệnh viêm đường ruột: Giống như viêm bàng quang kẽ, bệnh viêm ruột có liên quan đến sự thiếu hụt glycosaminoglycan. Do đó, việc bổ sung glucosamine cũng có tác dụng điều trị bệnh viêm đường ruột.

- Bệnh đa xơ cứng

- Bệnh tăng nhãn áp

- Viêm khớp thái dương hàm

Cách sử dụng glucosamine

Chất bổ sung glucosamine được làm từ các nguồn tự nhiên, chẳng hạn như vỏ động vật có vỏ hoặc nấm hoặc được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Liều glucosamine thường là 1.500 mg mỗi ngày. Bạn có thể dùng một lần hoặc nhiều liều lượng nhỏ hơn trong ngày. Glucosamin cần dùng liên tục từ 2-3 tháng, điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng hoặc ngắn hơn tùy tình trạng bệnh.

Chất bổ sung glucosamine có sẵn ở hai dạng: Glucosamine sulfate và Glucosamine hydrochloride. Nó cũng có thể được kết hợp với chondroitin sulfate. Để sử dụng hiệu quả, bạn cần tuân thủ theo liều dùng và thời gian quy định của bác sĩ.

Tác dụng phụ của glucosamine

Tác dụng của glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp? Mỗi ngày uống bao nhiêu glucosamine là đủ? - 4

Chất bổ sung glucosamine an toàn cho hầu hết mọi người nhưng đôi khi nó vẫn xảy ra một số rủi ro và tác dụng phụ. Các phản ứng phụ có thể xảy ra bao gồm:

- Buồn nôn và ói mửa

- Tiêu chảy

- Ợ nóng

- Đau bụng

- Phát ban

Không nên dùng glucosamine nếu đang mang thai hoặc cho con bú do thiếu bằng chứng chứng minh tính an toàn của nó.

Glucosamine có thể làm tồi tệ hơn việc kiểm soát lượng đường trong máu đối với những người mắc bệnh tiểu đường, mặc dù nguy cơ này tương đối thấp. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang dùng thuốc tiểu đường, hãy cân nhắc và nói chuyện với bác sĩ khi sử dụng chất bổ sung glucosamine.

Glucosamine có thể ảnh hưởng tới một số loại thuốc như thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu, thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu statin...

Glucosamin có thể làm tăng hấp thu tetracyclin ở dạ dày - ruột, có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu statin... nên tránh dùng glucosamin cùng lúc với các loại thuốc này.

Nguồn tham khảo:

Does Glucosamine Work? Benefits, Dosage and Side Effects - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 26/9/2018.

Tác dụng của dưa chuột? Ăn nhiều dưa chuột có hại gì không?
Dưa chuột là loại thực phẩm khá quen thuộc trong các bữa ăn gia đình. Nó chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Vậy bạn đã biết rõ về những tác dụng...
Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe