Món lẩu nào cũng hấp dẫn, ngon miệng thích hợp với bữa tiệc Tất niên quây quần bên cả gia đình.
1. LẨU GÀ ÁC THUỐC BẮC
Nguyên liệu:
- 1con gà ác 1,2kg - 0.5ký xương gà - 100g tim gà - 100g mề gà- 3miếng đậu hũ trắng - 2.5 lít nước dừa - 1gói gia vị thuốc Bắc hầm gà - 50g táo tàu - 50g hạt sen tươi - 1 trái bắp Mỹ - 3 củ hành tím - 1 bịch nấm kim châm nâu - 1 bịch nấm hương tươi - 1 bịch nấm kim châm.
- Rau ăn kèm: ngải cứu, xà lách xoong...
- Mì sợi
- Gia vị
Cách làm:
- Nấu nước dùng lẩu: Phần xương gà ngâm nước muối loãng, rửa sạch. Chặt đôi, cho vào nồi, thêm gói thuốc bắc, táo tàu, hạt sen, bắp Mỹ cắt khoanh, 3 củ hành tím, 2.5 lít nước dừa, 1/2 muỗng cà phê muối, đun sôi. Hạ bớt lửa, vớt bọt thường xuyên, ninh tầm 1h cho ra nước ngọt. Vớt bỏ xương gà, nêm 1 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh đường.
- Gà ác làm sạch, chà với hỗn hợp muối - rượu- gừng giã nhuyễn, để tầm 5 phút nhằm khử mùi. Sau đó rửa sạch để ráo, chặt miếng vừa ăn cho ra đĩa.
- Mề, tim gà chà muối, rửa sạch, thái mỏng cho ra đĩa.
- Các loại nấm đem cắt chân, ngâm nước muối loãng, rửa sạch để ráo.
- Rau ăn kèm rửa sạch để ráo.
- Đậu hũ trắng cắt miếng vừa ăn.
- Khi ăn, cho lẩu ra nồi, gà nếu dai mọi người có thể cho vào nồi ninh trước tầm 15 phút sau đó cho nấm, đậu hũ, rau vào, ăn kèm mì sợi.
2. LẨU BÒ KIM CHI
Nguyên liệu:
- Kim chi.
- Tôm tươi.
- Thịt bò (bắp hoặc thăn).
- Rau ăn kèm: Bầu bào sợi, rau cần nước, cà rốt, mồng tơi
- Dứa, cà chua.
Cách làm lẩu bò kim chi:
Bước 1: Làm nước dùng
- Tôm lột vỏ và đầu. Đem rửa sạch đầu tôm rồi đem luộc lấy nước. Sau đó vớt vỏ đầu tôm ra. Nhờ phần gạch tôm này màu nước lẩu rất đẹp.
- Thịt tôm xay nhuyễn.
- Dứa gọt vỏ, cắt khoanh tròn. Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
- Phi thơm củ hành lá đập dập. Rồi đổ tôm xay vào phi, sau đó đổ nước luộc đầu tôm và thêm ít nước lọc vào lượng nhà đủ dùng. Nước sôi thì cho dứa, cà chua vào.
- Sau đó đổ nước kim chi vào, khoảng 1 muỗng canh. Nêm nếm gia vị vừa ăn. Nước lẩu chỉ đơn giản như vậy nhưng rất ngon và ngọt.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
Thịt bò rửa sạch, thấm khô sau đó thái miếng vừa ăn. Ướp thịt bò với ít tiêu và hạt nêm (nếu thích).
Các loại rau ăn kèm rửa sạch rồi cắt khúc. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, nạo sợi. Kim chi cắt miếng vừa ăn. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, nạo sợi.
Thưởng thức
Cho nước dùng ra nồi lẩu, bày nguyên liệu xung quanh rồi thưởng thức. Món lẩu bò kim chi có vị ngọt từ tôm, chua chua cay cay của kim chi, của dứa, cà chua, rất ngon và đẹp mắt.
3. LẨU BÒ NHÚNG MẺ
Nguyên liệu (4 người ăn):
- Bắp bò (lõi rùa, bắp hoa): 1kg - 1,2kg. Có thể nhúng thêm nạm nếu ai thích hơi mỡ, (hoặc thêm thêm tuỷ bò càng ngon).
- Rau nhúng: lá lốt, tía tô, hoa chuối, cải cay (cải chân tức là cải còn non).
- Khế, đậu, bún, cà chua, hành tây, hành tím, tỏi, ớt, chanh, sả, dứa ai thích chuối xanh cho cũng ngon.
- Gia vị: mẻ, hạt nêm, đường, mì chính, bột canh, mắm nêm.
Cách nấu lẩu bắp bò nhúng mẻ:
Bước 1: Cách nấu nước lẩu
- Hoà tan 1 muôi canh mẻ với 200ml nước, lọc lấy nước bỏ cái mẻ đi.
- Phi thơm tỏi, sả, hành khô băm rồi cho nước mẻ vào đun, nêm nếm gia vị nêu trên cho vừa (mì chính để sau cùng).
Lưu ý: phải dùng mẻ thật ngon thật ngấu, tủy khẩu vị thích nhiều hay ít chua để điều chỉnh.
- Có thể dùng nước quả lê, quả táo xay lọc làm nước dùng, nhưng nhúng bò vào đã ngọt rồi có thể không cần cho thêm, chỉ cần đun nước mẻ là được. Nói chung tùy khẩu vị.
- Lá lốt, tía to thái nhỏ.
- Nước mẻ sôi thì thả, hành tây, cà chua, khế.
Bước 2: Cách làm mắm nêm để chấm
- Tỏi, sả, hành khô xay nhỏ.
- Dứa 1 quả xay nhuyễn với chút nước.
- Phi thơm sả, hành, tỏi lên cho mắm nêm vào (4 thìa ăn cơm).
- Mắm sôi kĩ, cho dứa xay vào đun tiếp, nêm nếm cho vừa, lúc ăn thêm nước cốt chanh và ớt.
Bước 3:
- Cho nồi nước dùng ra nồi lẩu, thả đậu vào.
- Thả tía tô, lá lốt vào cho thơm nước rồi nhúng bắp bò. Bắp bò ăn chín tới mới giòn ngọt tránh để chín kĩ quá.
Có thể cuốn bằng bánh tráng với đầy đủ bún dứa rau thơm rồi chấm mắm nêm cũng ngon.
4. LẨU ẾCH HÚNG CHÓ
Nguyên liệu:
- 3kg ếch đồng.
- 1.500ml nước dừa (có thể dùng 500ml nước dừa + nước hầm xương, nhưng dùng tất cả bằng nước dừa vị thanh hơn).
- 1kg rau húng chó.
- 2 quả bầu bào sợi.
- Nấm hương.
- Đậu phụ 2 bìa (rán vàng).
- Khoai lang 2 củ.
- 2 nhánh sả đập dập + 2 quả cà chua bổ múi cau.
Phần gia vị: - 12 quả quất ( vắt lấy nước) - 2 quả ớt - 1 thìa phở bột canh + 1 thìa phở đường - 5 củ hành tím.
Cách làm lẩu ếch rau húng chó:
Bước 1: Sơ chế
- Ếch làm sạch, bỏ da, rút bỏ gân, cắt làm 4.
- Rau húng quế ngắt lá rửa sạch để ráo.
- Bầu rửa sạch, bào sợi.
- Khoai lang gọt vỏ, bổ miếng vừa ăn, sau đó đem chiên chín vàng.
- Đậu phụ rán vàng.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Cho dầu ăn vào nồi + sả + cà chua vào đảo sơ qua rồi cho 1.500ml nước dừa đun sôi, sau khi sôi cho phần gia vị ở trên vào rồi nêm nếm gia vị thấy vị ngọt thanh chua chua là đạt.
- Khi nào ăn thì cho nấm hương + 1 củ hành tây (không cho sớm tránh bị nồng).
- Tạo chua bằng vị quất ngon thanh thanh mà thơm vô cùng.
5. LẨU CÁ CHÉP MĂNG CHUA
Nguyên liệu:
- 1 con cá chép 2kg.
- 1 lít nước dừa - 1kg bún - 6quả cà chua - 1 quả khóm (dứa) - 300g măng chua - 1 bịch nấm kim châm - 3 cây sả - Ớt - Ngò.
- Rau ăn kèm: Rau muống, bắp chuối, rau cần đước (nước), bông súng.
- 2 muỗng canh tỏi băm - 1 muỗng canh sả băm - 1 muỗng canh hành tím băm - 4 muỗng canh nước sốt lẩu Thái
- Gia vị.
Cách làm:
Cá làm sạch, chà muối hột cho sạch nhớt, rửa sạch để ráo. Phần đầu cắt ra chẻ đôi, lọc phi lê phần thân, thái mỏng, xếp ra đĩa. Phần xương cá để riêng lát cho vào nồi nước dùng.
Ép 4 quả cà chua và 1/2 quả dứa, thu được 500ml nước. 2 quả cà chua bổ múi cau, 1/2 quả khóm thái khoanh tròn.
- Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muông canh hành tím băm, 3 trái ớt đập dập, sau đó vớt ra bát.
- Cho sả cắt khúc đập dập vài xào sơ, thêm 1 lít nước dừa, 500ml nước ép, 1 lít nước lọc, xương cá. Đun sôi hạ bớt lửa, ninh tầm 30 phút, vớt bỏ xương. Cho cà chua và dứa vào, nêm 4 muỗng canh nước lẩu Thái, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muông canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường. Nêm nếm lại vừa khẩu vị là được.
- Măng chua rửa sạch, chẻ làm 4. Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh tỏi băm. Cho măng vào xào, nêm 1/2 muỗng canh hạt nêm, xào tầm 5 phút tắt bếp, cho măng ra đĩa.
- Các loại rau sơ chế, rửa sạch để ráo, cắt khúc vừa ăn bày ra đĩa.
- Cho nước lẩu ra nồi, cá ăn tới đâu mình nhúng vào nồi tới đó để giữ được độ tươi ngon, dùng kèm măng chua, rau, bún, nước mắm mặn thêm ớt xắt.
6. LẨU RIÊU CUA
Nguyên liệu:
- Mọc tự viên.
- Bắp bò, sụn non heo.
- Tim lợn, xương ông, đậu phụ, váng đậu, bột nghệ, giấm bỗng, hành khô, cà chua.
- Cua xay sẵn.
- Các loại rau ăn lẩu riêu: Hoa chuối, cải cúc, nấm, bầu bào, hoặc bạn có thể làm thêm các loại xà lách, tía tô, rau mùi cắt nhỏ để thả vào lẩu. Mướp và rau dền cơm ăn lẩu riêu cũng rất ngon, nói chung tùy sở thích.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bắp bò, sụn non heo đem rửa sạch rồi thái vừa ăn, riêng thịt bò thì ướp chút gừng.
- Tim lợn thái mỏng.
- Xương ống lợn ninh lấy nước.
- Đậu phụ lượng vừa ăn, đem rán vàng.
- Váng đậu cắt miếng rửa sạch, chiên giòn.
- Các loại rau ăn lẩu rửa sạch.
Bước 2: Nấu nước lẩu
- Cua xay đem lọc lấy nước. Sau đó thêm chút muối vào nước cua, khoắng đều. Cho lên bếp đun lửa vừa, đến khi thịt cua bắt đầu kết lại thì cho bé lửa lại. Thịt nổi hết lên mặt nước thì vớt ra bát riêng. Làm như vậy thịt cua sẽ đóng tảng, không vỡ vụn.
- Nước nấu cua vừa rồi để làm nước dùng luôn.
- Gạch cua thì phi hành khô thơm rồi xào cùng chút nước mắm rồi cho lẫn vào thịt cua.
- Đổ nước xương đã ninh vào nồi nước cua, nêm gia vị, thêm bỗng rượu, cà chua, bột nghệ vào, nêm nếm cho vừa miệng rồi đun sôi.
Cho nước dùng lẩu ra nồi lẩu, đun sôi rồi nhúng các nguyên liệu vào để thưởng thức thôi. Nước lẩu chua thanh, lên màu đẹp, vô cùng hấp dẫn.
7. LẨU CÁ THÁC LÁC - KHỔ QUA
Nguyên liệu:
- 500g cá thác lác nạo sẵn - 500g xương ống - 1 củ cải trắng - 1/2 củ cải đỏ - 5 trái ớt sừng - 4 củ hành tím
- Hành lá - 1kg bún
- Rau ăn kèm: khổ qua, bông bí, tần ô (cải cúc), nấm kim châm, nấm rơm...
- Gia vị
Cách làm:
- Xương ngâm muối pha loãng, rửa sạch, chần sơ qua nước sôi lấy ra rửa lại lần nữa cho sạch. Cho khoảng 2 lít nước vào hầm, thêm xíu muối, 2 củ hành tím đập dập, ít rễ ngò rí, củ cải trắng thái khoanh.
- Đun sôi, thường xuyên vớt bọt cho nước dùng trong, hầm tầm 20 phút thì nêm 1/2 muỗng cang nước mắm, 1.5 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muỗng canh bột ngọt.
- Cá thác lác nạo sẵn cho ra tô, nêm 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 2 củ hành củ băm, hành lá cắt nhỏ. Quết đều tầm 15 phút, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh để cá dai ngon hơn.
- Ớt sừng đỏ cắt dọc phần thân, bỏ hạt, nhồi chả cá vào ớt.
- Khổ qua bào mỏng, chừa lại 1-2 trái cắt khoanh tầm 0.5cm nhồi cá vào giữa.
- Phần chả cá còn lại cho ra đĩa phẳng, dàn đều. Thêm ớt khoanh trang trí.
- Nấm và các loại rau sơ chế rửa sạch bày ra đĩa.
- Khi ăn cho nước dùng ra nồi, thêm 1/2 củ cả rốt tỉa hoa, đầu hành lá, cho chả cá rồi lần lượt các loại rau vào. Ăn kèm bún và nước mắm mặn thêm ớt xắt nhỏ.
8. LẨU GÀ ỚT HIỂM MIỀN TÂY
Nguyên liệu:
- Khoảng từ 1,2kg - 1,5kg thịt gà ta
- Ớt hiểm xanh: tùy theo sở thích ăn cay, thông thường bạn có thể cho 100g, nhưng nếu không ăn được cay có thể dùng ít ớt hơn.
- 1 quả dừa tươi
- Rau húng quế để nhúng lẩu: 300g
- 500g-1kg bún, tùy số lượng người ăn
- 5-6 củ hành tím khô
- Vài nhánh sả
- Vài quả chanh
- Muối, đường vừa đủ.
- Rau nhúng lẩu thêm: Nếu thích bạn có thể cho thêm rau cải cúc, nấm... tuy nhiên dùng húng quế vẫn đúng vị nhất.
Cách nấu lẩu gà ớt hiểm ngon:
Bước 1: Sơ chế thịt gà
Trước tiên bạn nên chọn thịt gà ta ngon, nếu là gà tơ càng tốt, thịt ngọt và mềm vừa phải như vậy nhúng lẩu sẽ rất ngon. Không nên chọn gà non quá thịt nhanh nát, thậm chí tanh. Cũng nên không chọn gà già vì như vậy thịt dai, khô, kém ngọt, xương cứng.
Thịt gà bạn có thể nhờ người bán hàng làm lông rồi mổ luôn sau đó mang về nhà sơ chế lại. Dùng muối chà xát khắp mình gà để khử khuẩn sau đó rửa lại thật sạch dưới vòi nước và để ráo.
Sau khi thịt gà đã ráo nước, dùng dao sắc chặt thịt gà thành những miếng vừa ăn. Không nên chặt miếng to quá làm gà lâu chín. Cũng không nên chặt miếng bé quá thịt sẽ vụn, quắt lại trong quá trình cho vào nồi lẩu để ninh. Xếp thịt gà lên đĩa rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Thịt gà vốn để cho vào nước lẩu nên không cần phải tẩm ướp gia vị để cảm nhận được vị thơm ngon nguyên bản của gà. Cho đĩa thịt gà vào ngăn mát tủ lạnh, chờ nấu nước dùng và sơ chế các nguyên liệu khác xong thì mang ra thưởng thức.
Riêng phần chân, cổ và xương sống thịt gà nên để riêng để lát sau ninh lấy nước dùng cho nước dùng thơm và ngọt vị gà hơn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Hành khô bóc bỏ, đem rửa sạch bụi bẩn. Củ nào to thì bạn có thể bổ đôi cho thơm, củ nhỏ có thể để nguyên, không băm nhỏ.
Những quả ớt hiểm xanh nên dùng kéo cắt bỏ cuống rồi rửa sạch.
Củ sả bóc bỏ phần vỏ già bên ngoài rồi rửa sạch, cắt khúc và đập dập.
Chanh vắt lấy nước, bỏ hạt.
Rau húng quế nhặt bỏ những lá già, hỏng rồi đem ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Cuối cùng cho rau ra rổ để ráo, chờ để nhúng lẩu.
Những loại rau, nấm ăn kèm khác cũng đem rửa sạch, để ráo.
Dừa tươi bổ lấy nước.
Bước 3: Nấu nước lẩu gà ớt hiểm
Chuẩn bị một chiếc nồi để nấu lẩu. Lúc này bạn cho một lượng nước vừa phải vào nồi, có thể là một tô lớn. Đun sôi nồi nước. Khi nước sôi, cho sả dập dập, hành khô cùng nước dừa tươi vừa bổ vào nồi. Để nồi nước lẩu gà ớt hiểm ngon, cho ngay phần xương cổ, lưng, chân gà vào ninh cùng. Nên đun khoảng 20-25 phút cho xương mềm, thôi chất ngọt ra nước. Khi xương gà bắt đầu mềm, thì tắt bếp. Nêm nếm muối cho vừa miệng và cho 1/2 chỗ nước cốt chanh vừa vắt vào. Bạn có thể nếm lại xem độ chua vừa chua.
Lưu ý, việc cho nước chanh vào nước lẩu gà ớt hiểm khiến nước lẩu thơm hơn, mùi vị có sự tươi mới đặc biệt.
Xong xuôi, cho nước dùng ra nồi lẩu để chuẩn bị ăn.
Bước 4: Làm nước chấm thịt gà
Tuy lẩu gà được nhúng với nước lẩu đã vừa miệng nhưng vẫn nên làm nước chấm riêng để tăng độ hấp dẫn cho món ăn. Trong khi hầm xương gà bạn nên tranh thủ làm nước chấm để tiết kiệm thời gian.
Cho 1 thìa muối hạt, 5 quả ớt hiểm xanh vào cối gã dập ra rồi cho ra bát. Lúc này hãy cho thêm vào bát 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh rồi khuấy cho tan đường và muối. Nước chấm hay thực chất là muối chấm rất đơn giản nhưng lại tăng hương vị cho gà lên rất nhiều lần.
Thành phẩm và thưởng thức
Cho nước dùng ra nồi lẩu. Lưu ý, bạn không nên cho nước dùng đầy quá vì còn cho gà vào và nhúng các loại rau vào. Nếu cho nước quá đầy nồi lẩu sôi sẽ bị tràn.
Bật bếp đun sôi lại nước lẩu, nước lẩu sôi, thả ớt hiểm vào. Có điều đặc biệt, khi cho ớt vào lẩu không cắt nhỏ nó mà để nguyên quả. Vì làm như vậy nước lẩu sẽ chỉ có vị cay nhẹ, không quá cay cũng không quá nồng để nhiều người có thể ăn được.
Nếu ai đó muốn ăn cay hơn thì chỉ nên cắt 1-2 quả ra thôi. Lúc này thả thịt gà vào nồi lẩu. Khi thịt gà chín, nước sôi lại thì nhúng rau húng quế cùng các loại rau, nấm khác mà bạn thích để thưởng thức.
Ăn lẩu gà ớt hiểm cùng với bún rất hợp.
Nước lẩu gà thơm ngon, không quá cay hay quá nồng quyện với nước dừa tươi ngọt thanh vô cùng hấp dẫn. Thịt gà mềm thơm, chín tới, hơi cay cay rất ngon.
9. LẨU CHÁO LÒNG
Nguyên liệu:
- Lòng non: 300gr
- Sụn 100gr
- Thịt mũi, má heo: 200gr
- Rau húng chó, răm, hành khô, hành lá, tía tô (ai thích lạc có thể thêm vào)
- Tiết heo
- Hạt tiêu, mì chính
- 1 chai cô ca cắt phần đầu làm phễu nhồi
Cách làm:
Phần lòng dồi:
- Lòng heo để đảm bảo vệ sinh nên lộn bên trong ra rồi nhào với bột mỳ để khử mùi tanh và các dịch. Sau đó rửa sạch và vắt 2 quả chanh vào rửa lại cho sạch là xong.
- Các loại hành lá, răm, húng chó rửa sạch thái nhỏ. Thịt tai, mũi chần qua, thái hạt lựu.
- Sụn xay hoặc băm rồi đem trộn cùng hỗn hợp thịt mũi, má thái hạt lựu.
- Cuối cùng trộn hỗn hợp rau với thịt ướp, thêm mì chính và 1 chút tiêu (không cho gia vị mắm muối do tiết heo đã mặn)
- Tiếp theo, cắt lòng non từng đoạn, buộc 1 đầu. (Nên làm hỗn hợp nhân từng ít một tránh đông ở ngoài, để nhân đông ở trong lòng sẽ ngon hơn).
- Sau khi chuẩn bị xong bắt đầu trộn hỗn hợp nhồi lòng. Cứ 2 bát con tiết canh, một bát nước và một bát hỗn hợp thịt và rau (nếu mọi người thích nhiều tiết hơn sẽ tăng thêm tiết nhưng tỷ lệ là 1 tiết :1/2 nước). Sau đó nhồi vào lòng. Lưu ý, khi dồn để tránh không khí bên trong lòng. Sau khi nhồi xong, buộc chặt đầu còn lại, cứ thế làm đến hết là hoàn thành.
- Luộc dồi: Đun sôi một nồi nước, sau đó thả dồi vào, vặn nhỏ lửa, mở vung đun đến khi tiết bên trong chuyển màu đen thậm gần chín thì lấy xiên nhọn chọc để thoát hơi và nước ra ngoài, đun 1 lúc rồi ngâm dồi là chín.
Cách làm phần cháo
- Sau khi luộc lòng dồi xong phần nước luộc sẽ để dung để nấu cháo. Nấu cháo theo tỷ lệ nước gấp 5 lần gạo (nấu cháo hơi loãng để còn nhúng đồ).
- Có thể nấu bằng nồi cơm điện để cháo đỡ bị khê, còn nếu nấu bếp gas hoặc bếp điện phải dùng xoong đế dày tránh cháo bị khê hoặc bén nồi. Trong nồi cháo không cần cho bất kỳ gia vị gì vì khi luộc lòng nước tiết chảy ra mặn rồi.
Ăn lẩu:
- Trong lúc ninh cháo thì tranh thái lòng dồi, gan, tim, dải, lòng non sắp sẵn vào đĩa.
- Hành khô bóc rửa sạch phi thơm.
- Tía tô các, hành lá thái nhỏ sắp đĩa riêng, phần đầu của hành lá để sống sắp đĩa riêng.
- Bước cuối cùng chuẩn bị nồi ăn lẩu, bỏ 1 cái thìa inox vào nồi xong rồi mới đổ cháo lên làm như vậy để tránh cháo bị bén và khê.
- Tiếp theo đổ lòng dồi, tim, gan… mỗi thứ một vào. Tiếp theo cho hành phi, tía tô vào nồi lẩu ăn như một nồi lẩu bình thường. Bạn có thể nhúng kèm các loại rau mà mình thích.
10. LẨU CÁ KHOAI
Nguyên liệu:
- Cá khoai: 1kg.
- Mực tươi: 500g (hoặc loại hải sản nào mà bạn thích)
- Xương ống heo: 500g.
- Cà chua: 200g.
- 100g hành lá.
- 100g thì là.
- Rau nhúng lẩu: 2 hộp rau mầm
- Hành củ, me chua, nước mắm, ớt, bột nêm, muối, dầu ăn.
Thực hiện:
Bước 1: Xương ống heo chặt miếng, rửa sạch, cho vào nồi nước có pha chút muối đun sôi khoảng 2 phút. Sau đó đổ phần nước luộc xương đi, rửa lại xương trong nước lạnh cho thật sạch cho xương hết chất bẩn và mùi hôi. Tiếp theo, cho xương đã rửa sạch vào nồi hầm nhừ lấy nước dùng nấu lẩu.
Cá khoai làm sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút để khi nấu cá không bị nát. Sau đó vớt cá ra rổ cho ráo, dùng dao cắt cá làm đôi và xếp ra đĩa.
Mực tươi làm sạch, rửa sơ với chút rượu trắng cho khỏi tanh, để ráo, cắt miếng, xếp ra đĩa.
Rau nhúng lẩu bạn có thể sử dụng nhiều loại rau như rau cần, cải cúc… tùy thích. Nhưng loại rau nhúng kèm cho món lẩu cá khoai Vũng Tàu là rau cải mầm. Rau mầm nhặt bỏ những ngọn dập nát, rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 20 phút. Sau đó vớt ra rổ cho ráo, khi ăn cho rau ra đĩa.
Hành lá, thì là bỏ rễ, nhặt bỏ những cọng giập, vàng úa, rửa sạch, xắt khúc. Chừa lại khoảng 1 nhánh thì là, 1 nhánh hành lá xắt nhuyễn.
Cà chua rửa sạch, bổ múi. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, bằm nhỏ.
Me ngâm nước nóng khoảng 5 phút cho mềm, sau đó cho qua rây dầm lấy phần thịt me.
Bắc nồi lên bếp, thêm 2 thìa dầu ăn. Dầu nóng cho hành của đã bằm nhỏ ở trên vào phi thơm, tiếp đó cho cà chua vào xào chín. Khi cà mềm cho nước hầm xương heo ở trên vào đun sôi. Khi nước sôi nêm chút bột nêm, nước mắm, phần thịt me ở trên, ớt sao cho vừa vị chua chua cay cay là được. Tắt bếp, cho nước lẩu ra nồi nấu lẩu, thêm chút hành thì là xắt nhỏ ở trên.
Khi ăn xếp các loại nguyên liệu cá, mực, rau nhúng lẩu, hành lá, thì là, nước mắm ớt ra bàn. Đặt nồi lẩu ở giữa, khi nước lẩu sôi bạn thả sôi thả mực, cá khoai vào nồi. Nước sôi trở lại cho rau vào nhúng chín, chấm kèm chút nước mắm ớt cay nồng.
Thịt cá khoai chín mềm, trong suốt, cảm nhận được miếng cá khoai mềm tan trên đầu lưỡi khi ăn. Vị ngọt thanh đặc trưng của cá khoai và mực tươi quyện cùng chút chua dịu, cay cay của nước lẩu thực sự tạo hấp dẫn bạn.
11. LẨU MĂNG ẾCH
Nguyên liệu:
- 1kg ếch
- 100g thịt mọc xay
- 100g mọc sống
- 400g măng muối chua
- 100g lá lốt
- 5 tép sả, ớt, hành tím, ngò gai (mùi tàu), rau ngò ôm, rau muống và bắp chuối bào
- Bún
- Lá tàu hũ ki tươi (váng đậu) chiên vàng, nấm hương
- Xương heo
Cách làm:
Ếch làm sạch, chặt phần đùi để riêng, ướp hành tím và hạt nêm. Phần thân trước băm nhuyễn trộn chung với thịt, mọc, hành tím băm và hạt nêm. Sau đó chia ra từng phần và ấn dẹt thành viên chả. Chiên áp chảo cho vàng 2 mặt.
Chiên vàng phần đùi ếch đã ướp.
Sau khi ếch chín vàng, gắp ếch ra, cho phần tỏi, ớt, sả và hành tím vào. Phi thơm, rồi cho tiếp nấm hương vào.
Tiếp theo, cho măng chua vào xào, nêm ít hạt nêm và đường vào măng. Xương heo chần sơ, sau đó cho nước và sả cây vào nấu nước dùng cho đến khi nước dùng được, vớt sả ra.
Trút phần măng xào vào nồi nước dùng, nêm ít nước mắm ngon. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Khi ăn lẩu măng ếch, cho tàu hũ ki (váng đậu), ếch và chả vào nồi, cho lá lốt và các loại rau mùi để tăng thêm hương vị món ăn.
12. LẨU GÀ RƯỢU NẾP
Nguyên liệu:
- 1 con gà
- Cái rượu nếp
- Hành tím, mùi tàu
- Gia vị: hạt nêm, bột canh, mắm, hạt tiêu…
- Xương cục
- Bún tươi
- Các loại rau ăn kèm : rau muống, rau cải, mồng tơi, ngải cứu…
Cách làm:
- Gà làm sạch, chặt từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Cái nếp rượu rửa sạch, chia làm 2 phần : 1 phần ướp cùng gà, 1 phần cho vào nước dùng.
- Cho thịt gà vào tô ướp cùng các loại gia vị, chút hành băm và cái rượu nếp trong khoảng 15 phút.
- Xương heo rửa sạch, ninh nhừ để làm nước dùng. Cho thêm phần cái rượu nếp còn lại vào.
- Gà phi thơm cùng hành tím cho thịt săn lại rồi vớt ra đĩa.
- Đặt nồi nước dùng lên bếp lẩu. Cho thịt gà vào rồi dần dần nhúng các loại rau vào để ăn cùng.