Không chỉ mang tới cho khán giả các kĩ thuật nấu nướng siêu hạng, MasterChef Junior còn chứa đựng những cung bậc cảm xúc tuyệt vời.
MasterChef Junior - tạm dịch Vua đầu bếp nhí, là chương trình truyền hình thực tế tiếp nối thành công vang dội của series Vua đầu bếp (MasterChef) nổi tiếng tại hơn 40 quốc gia. Phiên bản MasterChef được khán giả Việt biết đến rộng rãi hơn sau chiến thắng của Christine Hà – Quán quân Vua đầu bếp Mỹ mùa 3 năm 2012.
Khởi nguồn từ Anh Quốc với số phát sóng MasterChef đầu tiên vào năm 1990, bốn năm sau, MasterChef Junior ra đời và tiếp tục được mua bản quyền bởi các đài truyền hình lớn đến từ gần 20 quốc gia trên khắp thế giới. Chương trình dành cho mọi trẻ em từ 8 – 13 tuổi. Khung chương trình được giữ gần giống phiên bản dành cho người lớn với các vòng thi Chiếc hộp bí ẩn, Thử thách đồng đội và Vòng thi áp lực. Mặc dù thời gian ghi hình và số tập phát sóng được tiết giản hơn, MasterChef Junior vẫn có sức hút không hề nhỏ với những khán giả yêu thích ẩm thực.
Trẻ em vào bếp – Tài không đợi tuổi
Những món ăn được các bé hoàn thiện tinh tế chẳng khác nào bước ra từ các nhà hàng đạt chuẩn 3 sao Michelin (*). Các thử thách khó khăn không kém phiên bản MasterChef ngay cả với những món ăn từ nội tạng động vật và các kỹ thuật nướng bánh ngọt phức tạp đều được các đầu bếp nhí hoàn thành xuất sắc. Trái với lo lắng ban đầu của 3 vị giám khảo rằng các bé có thể chỉ biết làm những món ăn vặt đơn giản như cá chiên hay bánh mì nướng, các đầu bếp nhí luôn làm khán giả bất ngờ bởi những kỹ thuật nấu ăn siêu hạng và cách trình bày món ăn đẹp mắt.
Các món mặn đều được trình bày một cách chuyên nghiệp, sang trọng
Món bánh macaron hạt dẻ cười của Quán quân MasterChef Junior Mùa 1 – bé Alexander Weiss. Đây là món bánh cầu kỳ và phức tạp ngay cả với đầu bếp làm bánh chuyên nghiệp.
Đấu mà không phải thi đấu, chỉ là cuộc chơi
Không cạnh tranh căng thẳng và có những cuộc đấu khẩu gay gắt như phiên bản người lớn, MasterChef Junior mang đến những giây phút ngọt ngào khi các em thể hiện tinh thần thi đấu đẹp và sự quan tâm ân cần tới các bạn dù đang là đối thủ.
Các bé sẵn lòng chúc mừng người đạt món ngon nhất trong Top 3 phần thi Chiếc hộp bí mật
Những đầu bếp nhí lập tức an ủi ngay khi đối thủ cuộc chơi gặp thất bại
Toàn bộ thí sinh MasterChef Junior mùa 2 chạy đến ôm thí sinh Isabella khi bé òa khóc vì món gà chưa chín nên không được giám khảo nếm thử
Khi giám khảo cũng là những ông bố tâm lý
Bộ ba giám khảo cùng các con
Trái ngược một phần với hình ảnh khó tính và đôi chút “đáng sợ” trong phiên bản dành cho người lớn, ở MasterChef Junior, bộ ba giám khảo luôn tâm lý, dành những lời hướng dẫn tỉ mỉ và động viên khi các thí sinh nhí thất vọng về món ăn của mình.
Giám khảo Graham Elliot đã nói rằng: “Gordon có 4 đứa, tôi có 3 và Joe cũng có 3. Vậy là chúng tôi đã làm quen với 10 đứa trẻ từ bấy lâu nay. Vì thế tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể dễ dàng trò chuyện và làm việc cùng những thí sinh nhí”.
Giám khảo Gordon Ramsay chia sẻ câu chuyện về con gái với bé Coco khi em òa khóc vì đã làm món khoai tây nghiền quá mặn: “Chú có 3 đứa con gái. Đôi khi chúng khóc rồi lại cười. Vậy chú sẽ không rời đi cho đến khi cháu cười nhé.”
Cả giám khảo và thí sinh đều cười giòn tan sau màn tắm mưa si-rô của bộ ba khó tính. Các đầu bếp nhí rất thích thú với màn dội nước sốt có 1-0-2 này.
Tình yêu vô điều kiện của khán giả
Tài năng kinh ngạc của các đầu bếp nhỏ tuổi, tình cảm vô tư của các thí sinh và sự tâm lý của bộ ba giám khảo đã “đốn tim” của khán giả ở mọi lứa tuổi. Trên fanpage chính thức của chương trình, rất nhiều khán giả thể hiện sự yêu thích với MasterChef Junior.
Khán giả Melissa Matinez cho rằng: “MasterChef Junior đỉnh hơn phiên bản người lớn nhiều! Tôi mong chương trình có 10 mùa thi đấu!”
Vị khán giả có tên facebook là Teresa Castorina Millo đưa ra nhận xét: “Tôi thích bọn trẻ hơn người lớn (phiên bản MasterChef). Chúng cư xử hòa nhã hơn”. Admin fanpage của chương trình cũng đưa ra bình luận đồng tình với quan điểm này: “Bọn trẻ biết cách hỗ trợ những bạn khác trong cuộc thi!”.
Admin fanpage MasterChef Junior bình luận rằng các thí sinh nhí biết cách hỗ trợ các bạn khác trong cuộc thi
Khán giả Lora Luttrell-Nannini chia sẻ: “Mình yêu chương trình này. Bọn trẻ còn xuất sắc hơn cả người lớn… theo nhiều khía cạnh ấy. Thật ghét khi phải nhìn chúng khóc… Hôm nay giám khảo Ramsay thể hiện thật tuyệt… Ông ấy ôm một thí sinh nhí (bé thể hiện món ăn không tốt) và nhắc lại tất cả những ưu điểm trong món ăn của bé… Một cuộc thi đấu lành mạnh sẽ là bài học quý giá cho tất cả các em. Các em có thể tham gia chơi thể thao hay các trò khác mà không tính đến điểm số và luôn được nhắc nhở “Tất cả mọi người đều là nhà vô địch”. Nhưng trong cuộc sống thực, em không thể nào chiến thắng mãi được. Nếu có ai đó vượt trội hơn các em, hãy học cách làm mình tiến bộ lên. Bài học cuộc sống này sẽ giúp ích rất nhiều cho bọn trẻ”.
Tiếp nối sức hút của loạt chương trình MasterChef, với sức hấp dẫn nổi trội và hoàn toàn khác biệt, MasterChef Junior nhanh chóng thu hút một lượng lớn khán giả đủ mọi lứa tuổi.
Hàng tuần, vào mỗi tối thứ Ba (theo giờ địa phương), kênh truyền hình Fox đang đều đặn phát sóng các tập thi của MasterChef Junior Mỹ mùa 2. Hàng triệu khán giả đang hào hứng đón xem thời điểm tỏa sáng của các thí sinh nhỏ tuổi tài năng như Sean, Abby, Oona... Hãy tiếp tục cổ vũ, theo dõi và cuốn theo những cung bậc cảm xúc tuyệt vời mà các đầu bếp đáng yêu mang lại.
Chú thích: (*) Giải thưởng - ngôi sao Michelin danh giá Sao Michelin là một thuật ngữ chỉ chất lượng của một nhà hàng được đánh giá bởi các chuyên gia ẩm thực theo mức từ 1 – 3 sao: 1 sao là nhà hàng rất tốt trong các nhà hàng cùng loại, 2 sao là nhà hàng nấu ăn xuất sắc, đẳng cấp hàng đầu trong các nhà hàng cùng loại và ba sao biểu thị nhà hàng có nghệ thuật ẩm thực đặc biệt, thường thì khá đắt với danh sách rượu vang. Các sao này rất có giá trị vì tên các nhà hàng mang sao được đánh giá sẽ có trong cuốn sách xuất bản thường niên là Michelin Guide. Nó được so sánh như giải Academy Awards dành cho phim vậy. Có rất nhiều nhà hàng nổi tiếng trên thế giới nhưng chỉ có số ít là được sao Michelin và sao nào đáng giá sao ấy. Ví dụ, cả nước Pháp, một đất nước có nền ẩm thực tuyệt vời mà chỉ có 26 nhà hàng có 3 sao Michelin, Mỹ chỉ có 11 nhà hàng, Thụy Sĩ, nổi tiếng với ngành công nghiệp nhà hàng khách sạn mà chỉ có 2 nhà hàng, và Ý: 7 nhà hàng. Còn lại, số nhà hàng 2 sao và 1 sao cũng giới hạn không kém. |