5 món vừa ngon lại hợp thời tiết cho cuối tuần, chồng con chỉ thích ở nhà thưởng thức

Minh Ngọc - Ngày 25/08/2024 09:10 AM (GMT+7)

Những món ăn này thơm ngon, hấp dẫn, đặc biệt không khó nấu, các bạn hãy làm đãi cả nhà thưởng thức dịp cuối tuần nhé!

1. BÚN CHẢ NƯỚNG 

Nguyên liệu:

- 1 kg thịt ba chỉ/ thịt nách - 300g thịt nạc vai -  50g mỡ gáy/lá (không thích bỏ qua) - 1 chén đựng mắm mỡ nước - 3 củ hành hương - 1 củ tỏi - 5 đầu hành trắng - Su hào, ớt hiểm, chanh, các loại rau sống: rau diếp, kinh giới, húng Láng, thơm Láng, tía tô, giá đỗ...

- Nước mắm, nước hàng, đường phèn & đường vàng hoa mai, mì chính (bột ngọt), hạt tiêu, giấm thanh.

- Tinh dầu cà cuống.

- Than hoa, vỉ nướng mắt cáo hoặc kẹp nan tre, lá chuối.

- 1 kg bún con hoặc bún rối.

Cách làm:

- Dùng thịt nạc vai để làm chả băm vì nạc vai chắc thịt nhưng không dai quá cũng không bị nát như thịt mông. Phần chả miếng thì dùng thịt dọi quế hoặc thịt nách thái miếng mỏng vừa ăn.

- Thịt dọi quế hoặc nách rửa sạch với giấm và muối. Thấm khô, rắc một ít baking soda lên 2 mặt thịt, xoa đều, để 15 phút rồi rửa lại để ráo. Phần thịt nướng này thái bao diêm vừa ăn, độ dày khoảng 2-3 cm.

- Phần thịt nạc vai băm nhuyễn. Phần mỡ gáy thái nhỏ.

- Hành, đầu hành băm nhuyễn.

- Ướp thịt theo tỷ lệ: 1kg thịt ba chỉ/nách/dọi quế : 3 thìa cơm nước mắm : 1 thìa cà phê muối : 3 thìa cà phê mì chính: 2 thìa cơm nước hàng (nước màu) : 1/2 chỗ hành, đầu hành xay nhuyễn : 1 thìa cơm hạt tiêu đập dập : 1 thìa cơm mỡ nước. Trộn cho đều gia vị rồi bọc kín để qua đêm hoặc ít nhất 4 tiếng. Ướp nhạt để ăn cùng nước mắm sẽ vừa.

- Phần chả băm: Trộn đều thịt băm với hành băm còn lại, mỡ gáy thái nhỏ, 1 thìa cơm nước mắm, 2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê mì chính, 1 thìa cơm nước hàng, 1 thìa cơm mỡ nước. Ướp 1 tiếng rồi viên thành miếng vừa ăn.

- Khi đem nướng thì quét mỡ nước lên 2 mặt thịt. Nướng than sẽ ngon nhất. Với chả băm, bọc lá chuối 2 mặt rồi xếp vào vỉ khi nướng chả sẽ chín từ từ và giữ nước ngọt trong thịt đồng thời chả sẽ rất thơm. Đối với chả miếng, có thể dùng kẹp tre để kẹp các miếng chả lại.

- Nếu nướng bằng air fryer thì chỉnh nhiệt khoảng 180 độ, nướng 10 phút mỗi mẻ là thịt chín. Thấy chả vàng đều màu nâu cánh gián nhạt là bỏ ra vì nướng kỹ quá chả sẽ quắt hết mỡ.

- Su hào thái mỏng, bóp muối, rửa sạch rồi ngâm chua ngọt với giấm, đường vừa chua ngọt.

- Tỏi, ớt băm nhuyễn, chanh thái miếng, giấm thanh ăn kèm nước chấm.

- Pha nước mắm theo tỷ lệ 1 mắm : 3 nước : 1 giấm : 2 đường. Pha mặn nhạt trước, đến chua và sau cùng là ngọt sẽ dễ điều chỉnh. (Mình sử dụng đường phèn và đường vàng hoa mai để pha nước mắm). Sau đó đun nóng cho thêm vào 1 cục nhỏ đường phèn để mắm ngọt dịu, đun cho tan đường, khi ăn nước mắm phải còn ấm nóng, thêm tỏi, ớt băm nhỏ, su hào bóp, cho chả miếng và chả băm vào bát, rắc hạt tiêu, vắt thêm ít chanh cho thơm. 

5 món vừa ngon lại hợp thời tiết cho cuối tuần, chồng con chỉ thích ở nhà thưởng thức - 1

2. SƯỜN CAY THÁI LAN

Chuẩn bị nguyên liệu gồm 2 phần, phần nước ninh sườn và phần nước sốt.

Nước ninh sườn:

- Củ cải.

- Hành tây.

- Rễ mùi tàu (ngò gai).

- Sườn.

- Gia vị, bột nêm, tiêu hạt.

Nước sốt

- Ớt hiểm xanh.

- Ớt đỏ.

- Mùi tàu.

- Mùi thơm.

- Hành lá.

- Chanh.

- Mắm.

Cách làm:

Bước 1: Chế nước ninh sườn

- Thái củ cải thành miếng nhỏ.

- Hành tây bổ múi cau

- Mùi tàu (ngò gai) lấy phần rễ trắng.

- Cho tất cả vào nồi nước rồi đun sôi.

- Nước sôi thì cho sườn vào (Sườn đã ngâm qua nước muối và dấm để sạch), nêm nếm gia vị và bột nêm theo khẩu vị từng gia đình, cho thêm tiêu vào nồi.

- Ninh tầm 2 tiếng cho thịt mềm tan trong miệng.

Bước 2: Pha nước sốt

- 2,3 thìa canh nước dùng ninh sườn để nguội

- Rang ớt hiểm xanh đến khi thơm mùi thì cho vào bát nước dùng.

- Băm nhỏ hành lá, mùi thơm, mùi tàu, ớt đỏ rồi cho vào bát nước dùng.

- Vắt chanh và thêm mắm, nêm nếm theo khẩu vị cá nhân. Nước sốt làm càng đậm vị thì ăn với sườn càng ngon nhé.

Bước 3: Bày món sườn cay

Xếp sườn vào bát tô hoặc đĩa sâu lòng sau đó cho nước sốt lên. Màu xanh và màu đỏ kết hợp làm món sườn này rất bắt mắt.

Món ăn trình bày đẹp mắt, có độ mềm của thịt sườn quyện lẫn vị cay thơm nồng của ớt, mùi hấp dẫn của rau thơm... đem lại cảm giác vô cùng thú vị khi thưởng thức.

5 món vừa ngon lại hợp thời tiết cho cuối tuần, chồng con chỉ thích ở nhà thưởng thức - 2

3. LẨU CUA ĐỒNG

Chuẩn bị:

Nấu nước lẩu cua:

- 700g cua đồng, hành khô, mẻ vừa ăn, muối, mì chính, bột canh.

Nguyên liệu ăn kèm:

- Cua biển, tôm, mực với số lượng vừa ăn.

- Rau mồng tơi, mướp, bầu, rau dền cơm... với số lượng vừa ăn. 

- Nấm kim chân, ngô ngọt.

Cách làm: 

Bước 1: Nấu nước lẩu cua

Cua đồng rửa sạch, bóc bỏ mai, miệng cua rồi xóc qua với muối. Cho cua vào máy xay, xay nhỏ, thêm nước và lọc qua rây.

Hành khô bóc vỏ, đập dập. Phi thơm hành rồi cho nước cua vào nồi, đun nhỏ lửa, nêm thêm chút bột canh/muối và mì chính (tùy ý). Thêm mẻ đã lọc qua nước vào sao cho vừa miệng. Khi nước cua nổi thịt, dùng vợt vớt thịt cua ra bát con để lúc nào ăn thì lại thả thịt vua vào cho đẹp và thịt cua không bị tan, vỡ nhanh vào nước.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Bầu gọt vỏ, rửa sạch, nạo sợi. Nấm kim châm bỏ chân, rửa sạch. Ngô bóc vỏ, rửa sạch, chặt khúc. Rau dền nhặt và rửa sạch.

Lấy 1 quả mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Một quả mướp khác gọt vỏ, cắt khoanh, múc bỏ lõi để lát nữa nhồi thêm thịt tôm vào. Mồng tơi nhặt rửa sạch, để ráo.

Làm mọc tôm: Lấy khoảng 500g tôm rửa sạch, bóc vỏ, băm nhỏ. Thêm xíu hành lá, mắm, hạt tiêu trộn đều. lấy phần mướp đã cắt khoanh lúc nãy, khoét giữa và cho tôm băm vào. Món này khi thả vào nước lẩu vừa ngon ngọt lại có chút lạ miệng. Tuy nhiên mướp lúc chín sẽ rất nóng, các bạn lưu ý ăn cẩn thận để không bị bỏng.

Phần tôm tươi còn lại rửa sạch với mực, cho vào hấp chín để lát nhúng cho nhanh. Cua biển cọ và rửa sạch, xếp lên đĩa.

Thưởng thức:

Cho nước dùng lẩu của ra nồi lẩu, bật bếp đun sôi lại, nước sôi thả thịt cua vào. Sau đó lần lượt nhúng với các nguyên liệu mà bạn thích để thưởng thức.

Lẩu cua đồng nấu vị nguyên bản kiểu này thanh ngọt, có vị chua dịu nhẹ của mẻ, quyện lẫn vị ngọt của các nguyên liệu khác vô cùng hấp dẫn cho một buổi chiều hè mát mẻ hiếm có như thế này!

5 món vừa ngon lại hợp thời tiết cho cuối tuần, chồng con chỉ thích ở nhà thưởng thức - 3

4. CƠM GÀ

Nguyên liệu:

- 1 con gà 1,8kg

- 2 chén gạo

- 1/2 củ hành tây

- 2 củ tỏi

- Rau răm

- 1/2 quả đu đủ.

- 1 củ cà rốt

- Muối, đường, tiêu, nước mắm, dầu ăn, nghệ.

Cách làm:

Bước 1: Luộc gà

- Gà rửa sạch, cho vào nồi nước lạnh, thêm 2 củ hành khô, một nhánh nghệ, để tạo màu cho gà vàng. Sau dùng nước luộc gà nấu cơm sẽ cho mầu vàng óng đặc trưng riêng của món cơm gà Hội An.

Thịt gà luộc chín vớt ra để nguội. Gà luộc xong da vàng ươm rất đẹp.

Bước 2: Nấu cơm

- Phi thơm hành tỏi, sau đó cho gạo đã vo sạch vào đảo cho săn lại rồi cho chút nước luộc gà vào thay vì cho nước lã, đun sôi sau đó múc vào nồi cơm điện. 

Gạo sau khi đã xào săn cho vào nồi cơm điện thêm chút gia vị sau đó đổ nước luộc gà vào nấu cơm như bình thường. 

Bước 3: Nấu lòng mề và nước mạ để rưới lên cơm

- Lòng, mề gà làm sạch thái vừa ăn. Sau đó đun một nồi nước nhỏ sôi cho lòng mề chần qua cho hết mùi hôi của lòng. 

Phi hành thơm, cho lòng mề đã chần vào xào rồi cho gia vị vừa ăn. Thêm nước luộc gà ngập lòng mề, cho bếp lửa nhỏ hầm chín để lấy nước mạ rưới cơm.

Bước 4: Thái hoặc xé gà

- Thịt gà sau khi luộc xong có thể lọc ra rồi thái miếng vừa ăn hoặc xé phay. Thịt gà một phần để ăn cùng cơm và một phần để trộn nộm đu đủ gà xé phay.

Bước 5: Làm nộm

- Đu đủ, cà rốt mua về rửa sạch bào sợi (lưu ý, bào sợi to ăn sẽ giòn ngon hơn). Hành tây thái sau đó ngâm vào nước đá lạnh để loại bỏ mùi hăng của hành và làm cho hành giòn hơn.

- Sau khi sơ chế xong đồ làm nộm, cho đu đủ cùng cà rốt bào sợi vào âu, thêm chút muối vào đảo đều cho ngấm và cũng để cho đu đủ, cà rốt ra nước. Sau đó gạn bỏ nước, thêm thịt gà và hành tây vào cùng với dấm, đường trộn vừa ăn. Cuối cùng, bày ra đĩa, cho thêm ít rau răm là được đĩa nộm.

Sau cùng, bày cơm và các nguyên liệu thịt gà luộc, nộm gà xé phay, lòng mề và nước mạ... rồi thưởng thức.

5 món vừa ngon lại hợp thời tiết cho cuối tuần, chồng con chỉ thích ở nhà thưởng thức - 4

5. BÒ TƠ CUỐN BÁNH TRÁNG

Nguyên liệu: 

Nguyên liệu chính:

- 400g thịt bê đã thui.

- 1 củ gừng.

- 3 cây sả.

- 3 quả ớt.

- Vừng trắng rang.

- 2 quả chuối xanh (chuối tiêu).

- 2 quả khế ương.

- 1 nửa quả dứa.

- Rau ngổ, rau mùi, rau húng.

Làm nước chấm

Làm nước chấm tương bần:

- 3 thìa canh tương bần - 1 nhánh gừng - 3 nhánh tỏi tỏi bóc vỏ - 1 quả ớt - Lạc rang - vừng rang - thính gạo - 1 thìa canh nước đun sôi để nguội - 2 thìa cafe đường - 1/2 thìa cafe bột ngọt

Cho tất cả các nguyên liệu làm nước chấm bên trên (ngoại trừ nước tương) vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn sau đó cho ra bát. Lúc này cho nước tương vào quấy đều là có ngay bát nước chấm bê hấp chuẩn vị nhà hàng.

Làm nước chấm mắm nêm: 200gr mắm nêm ngon, 1/2 quả dứa chín, 10gr hành tím, 40gr tỏi, 20gr đường, 40gr nước cốt chanh, 3-4 quả ớt, 40gr vừng rang chín, 40gr lạc rang chín.

1/2 quả dứa bổ làm đôi, một nửa xay nhỏ lấy nước cốt, một nửa đem băm nhỏ.

Phi thơm tỏi và hành tím, đổ ớt xào nhanh tay cho thơm, tiếp đến dứa băm nhỏ, nước cốt dứa, mắm nêm. Đợi mắm sôi thì cho đường vào, nêm nếm vừa ăn. Múc mắm nêm ra bát, trộn thêm vừng rang, lạc rang là xong.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

- Thịt bê đã thui, có thể là thịt bắp bê hoặc ba chỉ bê. Mua về đem rửa sạch rồi bóp thịt bê với muối và nước rượu gừng để khử bớt mùi gây ngái của thịt bê.

- Gừng, Sả cắt đôi, đập dập.

- Chuối xanh tước vỏ, thái mỏng, xả nước nhiều lần và ngâm nước muối loãng có pha chút dấm để chuối không bị thâm. Sơ chế tương tự với khế.

- Dứa và dưa chuột rửa nước muối thái lát vừa ăn.

- Rau rửa sạch và để ráo. Lưu ý rằng rau ngổ là rau thủy sinh nên dễ có sán vì vậy cần được ngâm nước muối để đảm bảo vệ sinh.

Bước 2: Hấp thịt bê

- Lấy chỉ cuộn tròn miếng thịt, luộc trong 20 phút vừa tới để thịt chín mềm mà không bị dai. Đem thái mỏng từng lát thịt bò tơ, rồi trải từng miếng trên rau lá xanh. Rắc vừng trắng đã rang chín lên trên. Xếp bên cạnh là chuối xanh, khế xanh, dứa vàng, cà rốt rau ngổ, vài gốc sả bóc vỏ già và thưởng thức với nước chấm tương gừng hoặc mắm nêm.

Bước 3: Thưởng thức

Ăn kèm với miếng bò tơ là chút rau thơm xanh mát, rau bạc hà, ngổ, húng quế, mùi tàu, mang đến cảm giác dân dã, tươi mới mà hấp dẫn thị giác.

Khi ăn, sẽ lót một lá bánh phở trắng ngần trên nền bánh tráng dai mềm mỏng tang, cho vào ít rau thơm, vài thanh dứa vàng, cà rốt, dưa chuột xanh giòn, đặt vào giữa 1 – 2 lát thịt bò tơ mỏng, cuộn nhẹ nhàng, dùng kèm mới mắm nêm hay tương gừng đậm vị. Cắn một miếng bò tơ cuốn bánh tráng, cảm nhận độ dai giòn, mềm mại, tươi mát của lớp nhân bên trong.

Thưởng thức món thanh mát này sẽ khiến bạn thấy cái nóng bức của mùa hè bị xua đi nhanh chóng, vô cùng khoan khoái!!

Các bạn hãy thử công thức này để chiêu đãi cả nhà thưởng thức bò tơ cuốn bánh tráng ngon miệng đặc sắc trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này nhé.

Chúc các bạn thành công!

Chúc các bạn thành công!

Mẹ Nam Định khoe những đĩa cơm ăn theo quy tắc bàn tay, giảm hơn 30kg sau sinh, trẻ ra vài chục tuổi
Nhìn thành quả mà chị Linh đạt được quả là niềm mơ ước của rất nhiều mẹ bỉm sữa.

Giảm cân sau sinh

Theo Minh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ngon cuối tuần