Làm lạp xưởng không chỉ đơn giản là nhồi các nguyên liệu vào vỏ rồi đem phơi, mà cần có những bí quyết rất riêng mới có thể khiến món ăn ngon hoàn hảo.
Cứ gần đến Tết, chị em yêu thích nội trợ lại truyền tay nhau nhiều công thức các món ăn thơm ngon hấp dẫn như giò lụa, xúc xích, giò xào… Lạp xưởng cũng là món được rất nhiều chị em quan tâm và tìm tòi cách nấu. Bởi lạp xưởng không chỉ ngon bởi hương vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều món cho gia đình mà còn là một món quà tặng ý nghĩa cho dịp Tết.
Chị Lê Thanh Quý (25 tuổi, Hà Nội) vốn đam mê nấu ăn, không muốn mua sẵn ngoài hàng nên chị thường tự tay làm nhiều món cầu kỳ tại nhà. Mới đây, cũng là khoảng thời gian sát Tết Âm lịch, nên chị đã học và chia sẻ cách làm lạp xưởng cho nhiều chị em khác trên mạng xã hội. Chị Thanh Quý cho rằng, với cách làm của chị đảm bảo món lạp xưởng không bao giờ thất bại.
Chị cũng chia sẻ, bản thân chị không tự nghĩ ra được cách làm lạp xưởng mà chị tham khảo rất nhiều các công thức khác nhau sau đó điều chỉnh theo khẩu vị của gia đình nên thu được món ăn rất vừa miệng. Chị cũng lưu ý, không nên tự gia giảm nguyên liệu vì làm không đúng sẽ mất cân bằng mùi vị, khiến lạp xưởng không ngon hoặc sẽ có mùi chua sau khi phơi.
Muốn lạp xưởng thơm ngon, có vị ngọt tự nhiên và dậy mùi, chị Quý cho biết, cần sử dụng rượu thơm mai quế lộ. Ngoài ra, chị còn bật mí bí quyết để lạp xưởng luôn ngon ở cách chọn thịt, sơ chế và ở bước làm.
- Về chọn thịt: nên thịt nạc vai/ thịt nạc đùi vì những chỗ thịt đó có màu đỏ đẹp, và chắc. Ngoài ra, thịt phải tươi (nếu thịt vừa mổ mà còn ấm tay thì càng tốt, chạm vào thấy dính tay là được). Nếu thịt không tươi thì khi làm sẽ ra nhiều nước, độ kết dính kém. Còn về phần mỡ, chị khuyên các chị em nên chọn phần mỡ thăn hoặc mỡ gáy là thơm ngon nhất.
- Ngoài ra, trong quá trình làm: lưu ý không được rửa thịt qua nước mà chỉ dùng khăn sạch thấm quanh miếng thịt, nếu thịt không còn nóng ấm thì rửa nhanh miếng thịt qua rượu trắng rồi thấm thật khô. Bên cạnh đó, cần tách riêng phần thịt nạc và thịt mỡ thì khi sau khi hoàn thành, lạp xưởng sẽ có màu rất đẹp và giòn, không bị ngấy.
Bình thường, lạp xưởng sau khi nhồi xong, cần phơi sấy bằng nắng gió trong 3-5 ngày, thậm chí có nơi còn phơi 10-12 ngày là hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu trời không có nắng hoặc mưa, chị Quý mách có thể cho vào lò sấy 100 độ C trong 4-5 tiếng. Hôm sau phơi nắng 1 ngày là được.
Hoặc nếu không có lò, cho lạp xưởng vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó mở cửa tủ lạnh ra. Theo chị, đây là phương pháp sấy lạnh, giúp lạp xưởng bay hơi và giữ được độ tươi. Để trong tủ lạnh qua đêm sau đó chờ hôm sau có nắng thì đem phơi.
Tham khảo cách làm lạp xưởng mà chị Thanh Quý học được: (Công thức cho 5kg lạp xưởng) Chuẩn bị: - Thịt nạc vai: 5kg - Mỡ lưng: 500g - Đường: 500g (có thể giảm bớt nếu không thích ngọt) - Hạt nêm: 100g; rượu mai quế lộ: 200ml; tiêu xay: 15g; tiêu nguyên hạt: 50g (nếu không thích cay thì bỏ tiêu hạt); nước tương: 50g; lòng non heo: 1kg cạo bên trong, tạo màng mỏng, sau đó, rửa lòng non với rượu trắng, vớt ra ngay. - Phễu Cách làm: Mỡ gáy rửa sạch với nước muối, chần sơ rồi thái hạt lựu, đem ướp với đường, đem phơi nắng trong 3 giờ để mỡ trong. Thịt nạc heo thái hạt lựu hoặc xay hạt to, cho vào ngăn đá 30 phút sau đó cho các gia vị vào trộn đều, cuối cùng cho rượu mai quế lộ vào. Sau đó trộn phần thịt nạc với mỡ lại vào nhau, nhồi vào trong lòng heo. Vừa nhồi vừa buộc thành các đoạn có độ dài theo sở thích. Lưu ý, nếu làm nhiều và lâu nên có thể sẽ không kịp phơi nắng, khiến lạp xưởng bị lên men, làm chua. Vì thế, cho lạp xưởng vào trong tủ lạnh, nhưng không đậy kín cửa tủ. Quá trình này gọi là sấy lạnh, hơi nước sẽ bốc ra một phần, để như vậy đến sáng hôm sau cho ra phơi đủ nắng. Chẳng may nếu trời lại mưa thì cho vào ngăn mát sấy để hôm sau phơi tiếp. Khi lạp xưởng khô, gói vào giấy thấm dầu cho vào tủ lạnh, hay treo nơi thoáng mát, dùng được lâu. |