Dù xuất hiện nhiều loại bánh hiện đại nhưng hương vị của bánh dẻo truyền thống vẫn luôn khiến người ta nhớ mãi. Cách làm bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống tại nhà không khó, chị em hãy thử nhé!
Bên cạnh những chiếc bánh nướng thơm lừng thì bánh dẻo cũng không thể thiếu trong ngày Tết trung thu. Trước đây, chúng ta phải mua ngoài hàng về để được thưởng thức. Nhưng giờ đây, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm được những chiếc bánh dẻo truyền thống thơm ngon, hấp dẫn này. Tham khảo cách làm bánh dẻo nhân thập cẩm dưới đây nhé!
Nguyên liệu:
Nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo:
- Bột bánh dẻo: 200g
- Nước đường bánh dẻo: 400g
- Nước hoa bưởi: 5g
- Dầu ăn: 10g
Nguyên liệu làm nhân thập cẩm cho bánh dẻo:
- Hạt dưa rang chín: 50g
- Mứt sen: 100g
- Mứt bí: 100g
- Lạp xưởng luộc chín: 150g
- Vừng rang chín: 30g
- Lá chanh: vài lá thái chỉ
- Gà quay: 50g
* Trước khi làm bánh dẻo thì chúng ta phải thực hiện bước đun nước đường để làm bánh. Nước đường bánh dẻo thực hiện đơn giản không cầu kỳ, mất thời gian như nước đường bánh nướng. Nguyên liệu gồm
- 1 kg đường trắng tinh luyện
- 1 lít nước lọc
- Nước cốt của một quả chanh.
Cách làm bánh dẻo nhân thập cẩm:
Bước 1: Nấu nước đường bánh dẻo
- Cho nước lọc vào nồi sạch, đổ đường trắng vào nồi khuấy cho tan rồi đặt lên bếp đun sôi, tính từ lúc nước đường sôi đên khi được là 20 phút, sau đó cho nước cốt chanh vào và để sôi thêm 2 phút nữa thì tắt bếp.
- Để nước đường thật nguội rồi đóng vào chai bảo quản chỗ thoáng mát dùng trong tầm 5 đến 7 ngày. Nước đường bánh dẻo nấu xong để nguội là có thể dùng làm bánh được ngay, mình thường để qua một đêm mới dùng để đóng bánh.
Bước 2: Cách làm nhân bánh thập cẩm
- Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên vào âu hoặc chảo sạch. Nếu mứt sen và mứt bí to thì dùng dao thái nhỏ để nhân khi trộn dễ hơn. Vì bánh dẻo làm xong là sử dụng trực tiếp nên sơ chế phần nhân bằng cách đảo nóng trên bếp tầm 5 phút.
- Trong quá trình đảo nhân thì cho 2 thìa canh nước đường bánh dẻo vào đảo cùng để nguyên liệu không bị khô. Sau khi đã sơ chế nhân bánh dẻo thì để nhân nguội bớt sẽ cho nước hoa bưởi vào tạo độ thơm cho nhân và bột bánh dẻo vào nhân trộn đều để tạo độ kết dính.
- Chia nhân thành các phần bằng nhau theo tỉ lệ 3:7 (3 phần nhân thì 7 phần vỏ). Ví dụ bánh có trọng lượng 200g thì có 70g nhân và 130g vỏ. Viên nhân thành các viên tròn bằng nhau.
Bước 3: Làm vỏ bánh dẻo
- Cho 400g nước đường bánh dẻo vào âu sạch, thêm 10g dầu ăn, 5g nước hoa bưởi rồi khuấy đều. Lấy 200g bột bánh dẻo, cho từ từ từng thìa bột vào âu rồi khuấy cho bột ngấm nước đường. Cứ lần lượt cho như vậy đến khi bột nở, ngâm hết nước đường, khuấy nặng tay. Để chừa lại 1 thìa canh bột dẻo để làm bột áo.
- Rắc bột áo ra mâm sạch, cho phần bột bánh dẻo vừa khuấy lên trên, rải đều, phủ bột áo lên mặt để tầm 2 phút rồi nhào bột. Khi nhào bột chú ý không nhào lâu, nhào quá kỹ sẽ làm chai bột. Chỉ cần gấp bột lại làm 2, 3 lần ấn rồi nhào đến khi cảm nhận được độ dẻo mịn của bột là được. Cắt bột thành các phần bằng nhau theo tỉ lệ của trọng lượng bánh.
Bước 4: Đóng bánh
- Lấy từng phần bột bánh dẻo đã chia ấn dẹt, để phần nhân vào giữa rồi viên bột thành những viên bột tròn đều.
- Chuẩn bị khuôn đóng sạch, phủ một lớp áo bột bên trong lòng khuôn để chống dính. Cho viên bánh đã làm vào khuôn, ấn đều phần bánh trong lòng khuôn, sau đó ấn trục khuôn để lấy bánh ra. Ấn đều và mạnh để tạo độ nét cho bánh.
Thành phẩm bánh dẻo truyền thống:
Bánh dẻo đạt yêu cầu là bánh tạo được độ nét của hoa văn trên khuôn, bánh để đến ngày hôm sau sẽ trong và dẻo. Khi cắt miếng bánh thưởng thức sẽ thấy phần vỏ trắng trong, dẻo ngọt, phần nhân thơm lừng của các nguyên liệu và thoang thoảng mùi nước hoa bưởi đặc trưng.
Bánh Trung thu dẻo nhân truyền thống tự làm sẽ chỉ để được 2 đến 3 ngày với nhiệt độ thường. Nếu chưa sử dụng hết có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đến 5 ngày. Khi ăn mang ra để nhiệt độ phòng tầm 30 phút bánh sẽ mềm lại.
Chúc các bạn thành công!