Mứt dừa viên bạn có thể tự tay làm tại nhà vừa ngon lại đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Dưới đây là cách làm mứt dừa viên từ một màu đến nhiều màu mà không bị chảy nước rất hay bạn có thể tham khảo.
Cách chọn dừa làm mứt ngon
Đối với làm mứt dừa viên thì bạn chọn phần cùi dừa bánh tẻ, mềm chứ không cứng nhưng không được mềm quá. Dừa cứng quá ăn không ngon, nhai sẽ lạo xạo, dừa non quá thì ngót và dễ bị nát không thành viên.
Phần dừa bánh tẻ có màu trắng ngần, bấm móng tay vào thấy mềm, độ dày của cùi dừa khoảng 1 đến 1,5cm. Phần vỏ ngoài của cùi dừa sẽ có màu nâu nhạt.
Nguyên liệu làm mứt dừa viên
- Cơm dừa: 800g
- Đường trắng: 600g
- 2 quả chanh
Phần tạo màu
- Màu đỏ cam: 1 quả gấc nhỏ
- Màu xanh: 20g lá dứa
- Màu vàng: 4 quả dành dành khô
Dụng cụ
Máy xay, rây lọc, chảo, muỗng...
Hướng dẫn cách làm mứt dừa viên tại nhà
Bước 1: Sơ chế dừa
Dừa mua về bạn gọt sạch phần vỏ màu nâu ở bên ngoài sau đó rửa sạch rồi cắt thành từng miếng vuông dài sau đó thái hạt lựu cỡ 1cm.
Chuẩn bị một tô nước sạch sau đó bạn cắt đôi quả chanh, vắt lấy nước rồi hòa vào tô. Tiếp theo, bạn cho cơm dừa đã thái vào ngâm trong 60 phút cho dừa mềm và trắng, bớt dầu dừa.
Ngâm xong bạn vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước sạch, đến khi nước rửa dừa không bị đục nữa thì bạn đổ dừa ra rổ cho ráo nước.
Bước 2: Làm nước màu
- Màu xanh: Lá dứa rửa sạch, cắt ngắn rồi cho vào máy xay, đổ thêm 100ml nước vào rồi bật máy, xay nhuyễn lá dứa. Lá dứa xay xong lọc qua rây lọc để lấy nước cốt, bỏ phần bã.
- Màu đỏ cam: Gấc bạn cắt làm đôi, lấy phần ruột cho ra bát tô.
- Màu vàng: Quả dành dành bạn đập dập rồi cho vào nồi, thêm 100ml nước vào rồi bật bếp đun nhỏ lửa trong 5 phút thì tắt bếp, bạn bỏ phần bã, giữ lấy nước màu. (Nước cốt từ quả dành dành sẽ cho màu vàng đẹp mắt và bền màu hơn so với các loại màu khác như chanh leo hay xoài,...)
Nếu các bạn muốn làm mứt dừa viên ngũ sắc thì bạn làm thêm màu đỏ từ củ dền hoặc thanh long ruột tím, màu nâu thì bạn dùng bột ca cao hoặc cà phê...
Bước 3: Trộn màu cho cơm dừa
Phần cơm dừa bạn chia làm 4 phần bằng nhau sau (mỗi phần gần 200g) đó bạn cho vào từng phần của cơm dừa các màu gồm màu vàng của quả dành dành, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá dứa. Màu trắng thì bạn dùng màu tự nhiên của cơm dừa.
Trộn màu xong, bạn trộn tiếp lần lượt mỗi phần với 150g đường trắng. Nếu muốn đường nhanh tan thì bạn có thể xay nhuyễn đường trước khi trộn.
Trộn xong, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, để ướp trong 3 đến 4 tiếng cho đường tan hết, cơm dừa ngấm kỹ màu khi sên không bị nhòe đi.
Lưu ý:
- Khi trộn màu thì bạn dùng riêng từng muỗng để không bị trộn lẫn các màu với nhau.
- Riêng phần màu đỏ cam của gấc thì khi bạn trộn lên màu xong thì nhặt bỏ phần hạt ra.
Bước 4: Sên mứt dừa
Trước tiên, ta sên màu mứt dừa viên màu trắng trước.
Bạn đổ phần cơm dừa trắng vào chảo, bật bếp, sên nhỏ lửa, đảo đều tay trong khoảng 25 đến 30 phút đến khi phần đường khô lại thì bạn tắt bếp, tiếp tục đảo đều tay trong 2 đến 3 phút nữa thì bạn đổ tất cả ra đĩa, tãi ra cho nguội.
Đối với các màu vàng, xanh, cam thì bạn sên dừa tương tự như vậy sau đó đổ ra đĩa riêng.
Hoàn thành mứt dừa viên
Mứt dừa viên với nhiều màu sắc bắt mắt, vừa thơm vừa dẻo mềm, ngon ngọt hấp dẫn, không bị dai cứng. Mỗi màu lại có một hương vị đặc trưng riêng mà ăn không thấy ngán.
Cách bảo quản mứt dừa viên
- Bảo quản mứt dừa bằng cách cho mứt dừa vào hộp sau đó đậy nắp kín cho vào ngăn mát tủ lạnh. Ăn phần nào thì lấy ra phần đó rồi đậy nắp lại cho vào tủ lạnh để bảo quản được từ 10 đến 15 ngày là ngon nhất.
- Để ngăn dừa bị chảy nước thì bạn có thể cho mứt viên vào hộp rồi rắc một đến 2 muỗng canh đường trắng để hút ẩm.
- Trong trường hợp mứt dừa viên bị chảy nước thì bạn có thể cho vào sên lại rồi để khô hoặc cho vào lò nướng sấy ở 100 độ C và hé cửa lò.
- Nếu trong quá trình sử dụng nếu thấy mứt dừa đổi màu hoặc có các chấm đen bám vào mứt thì bạn nên ngừng sử dụng vì có thể mứt đã bị hỏng, mốc ăn sẽ gây hại cho sức khỏe.