"Tăng Thanh Hà nói đúng và mình ủng hộ Hà dựa trên kinh nghiệm làm ẩm thực của mình".
Cuộc thi MasterChef VN 2014 đã chính thức lên sóng sau một năm chờ đợi, nhưng mới chỉ sau 2 ngày, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi của khán giả về cách nhận xét của ban giám khảo, đặc biệt là về diễn viên Tăng Thanh Hà.
Tăng Thanh Hà làm giám khảo của MasterChef VN mùa hai gây nên nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ - người phản đối, thậm chí có người phản ứng gay gắt tới mức tuyên bố, sẽ không xem chương trình Master Chef nếu cô còn làm giám khảo.
Đa số khán giả phản đối với lý do: Tăng Thanh Hà không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp nên không có đủ kinh nghiệm và trình độ để thẩm định và đánh giá các món ăn của thí sinh.
Cá nhân Tăng Thanh Hà cũng tự nhận rằng mình không có kiến thức chuyên môn sâu. Nhưng đồng thời, cô cũng tự tin rằng mình sẽ mang lại giá trị cho chương trình. Hà Tăng từng chia sẻ: "Dù không có kiến thức chuyên môn về ẩm thực sâu như doanh nhân Kim Oanh, Luke Nguyễn và Tuấn Hải, nhưng tôi nghĩ với cảm nhận trực quan của một người thưởng thức đơn thuần, tôi hy vọng mình sẽ là thực khách tinh tế nhất".
Chọn người chưa có chuyên môn sâu làm giám khảo, nên không?
Trả lời câu hỏi, liệu chuyên môn về ẩm thực (bếp) có phải là yêu cầu bắt buộc để được chọn làm giám khảo của MasterChef, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ các hệ thống nhà hàng danh tiếng.
Bếp trưởng Nguyễn Như Hoàng đến từ hệ thống nhà hàng My Way cho rằng: “Ban giám khảo đã có người làm chuyên môn rồi thì cũng cần người đại điện cho khách hàng, ta cứ coi cô ấy như một người khách, bởi xét cho cùng, nấu ăn là để phục vụ khách hàng cơ mà”.
Bếp trưởng Nguyễn Như Hoàng
Đầu bếp Tuấn Anh tại Resort Famiana Phú Quốc nhận định: “Mời người nổi tiếng để tăng thêm sự cuốn hút cho chương trình. Đó cũng như là một người khách hàng đánh giá về một món ăn. Nên có ý kiến của khách hàng vì người trong nghề sẽ chỉ đánh giá về khía cạnh chuyên môn”.
Dưới con mắt của không ít người làm nghề bếp lâu năm: Nếu cả 4 giám khảo đều là đầu bếp chuyên nghiệp thì đánh giá tổng quan của họ có thể sẽ thiếu toàn diện (thiếu đi góc nhìn của người bên ngoài ngành).
Vậy là, tuy còn nhiều ý kiến phản đối việc Tăng Thanh Hà làm giám khảo khách mời của MasterChef Việt Nam, nhưng với không ít chuyên gia trong ngành, đây lại là yếu tố hợp lý.
Loại thí sinh vì “không có đam mê”: Giám đốc ẩm thực ủng hộ
Trong tập 1, Tăng Thanh Hà đã quyết định loại chàng kỹ sư xây dựng với món bò nướng ống tre sau khi anh nói “Nếu em nói em đam mê bếp thì có thể là một lời nói hơi sáo rỗng, công việc xây dựng hơi khó khăn, em tìm một cơ hội khác ngoài xây dựng, hi vọng đây là cơ hội”. Theo Hà Tăng: “Không biết bạn đến từ nơi nào, làm gì nhưng nếu bạn có niềm đam mê nấu ăn trong con người bạn thì bạn có làm gì đi nữa, không là những món ăn phải nhà hàng 5 sao hoặc những món ăn đơn giản thôi ngay cả trứng chiên nếu bạn có niềm đam mê thả hồn vào và bạn thích thú với món ăn của bạn thì nó sẽ là món ăn khác”.
Bày tỏ quan điểm về quyết định này, Giám đốc ẩm thực của chuỗi khách sạn Mường Thanh - chị Hoàng Kim Thanh chia sẻ: “Mình nghĩ làm nghề gì cũng phải có đam mê, có đam mê mình mới thành công trong việc mình làm. Tăng Thanh Hà nói đúng và mình ủng hộ Hà dựa trên kinh nghiệm làm ẩm thực của mình".
Chị Hoàng Kim Thanh (bên trái)
Tuy nhiên, đông đảo người xem lại cho rằng, Hà Tăng đã hơi vội khi quy kết thí sinh là không có đam mê. Hơn nữa, đây là cuộc thi nấu ăn thì giám khảo phải tập trung vào thẩm định món ăn chứ đâu phải là đam mê nấu nướng.
Đa số các thành viên trong cộng đồng làm bếp bày tỏ, chỉ ủng hộ quyết định này nếu xác định được chính xác anh kỹ sư xây dựng không có đam mê với việc nấu ăn. Hơn ai hết, những người làm bếp chuyên nghiệp hiểu sự đam mê quan trọng thế nào để giữ họ với nghề, chứ chưa nói đến tiến xa trong nghề.
Có thể cô Trúc của "Bỗng dưng muốn khóc" đã đưa ra quyết định “không đồng ý” hơi sớm, bởi, biết đâu chàng kỹ sư sẽ khám phá ra đam mê nấu nướng trong quá trình tham gia cuộc thi. Nhưng nếu thực sự anh không có đam mê, thì anh sẽ không thể trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp thực thụ.
Tạm kết
Cũng giống như nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng khác, người thắng cuộc là người sẽ không dừng lại, họ sẽ đi tiếp, sẽ tiếp tục phát triển nghề và cống hiến.
Và việc có một vị giám khảo khách mời “ngoại đạo” không phải là điều lạ. Trái lại, đó lại là sự cần thiết để đánh giá của bộ tứ được đa chiều và trọn vẹn hơn.