Thứ nhất khử hỏa, thứ nhì diệt khuẩn, thứ ba nhuận tràng, thứ tư bổ mắt, cây này mùa hè mọc tốt um, toàn thân đều là bảo bối mà đáng tiếc ít người biết ăn.
Tháng 6 - tháng 8 hàng năm được xem là mùa của rau sam. Cây này tính hàn, khả năng chịu hạn tốt nên dù mùa hè nóng nực nhưng nó vẫn mọc tốt um tùm, nhổ bỏ không hết.
Rau sam mọc nhiều ở các khoảng đất trống, ven các kênh rạch, bờ ruộng nơi có đất ẩm.
Mặc dù là cây dại nhưng rau này lại rất giàu dưỡng chất. Nghiên cứu cho thấy, rau sam giàu kali tự nhiên cao gấp 20 lần quả bơ, protein, vitamin, canxi, phốt pho, sắt và nhiều dưỡng chất khác. Ăn rau sam thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, sát trùng, nhuận tràng, bổ mắt, trừ hỏa…
Chẳng thế mà người ta ví nó như “rau trường thọ”. Ở Việt Nam, rau sam có rất nhiều nhưng ít người biết ăn. Đa phần người dân lấy rau sam về cho gà, lợn ăn. Ở một số nơi sẽ nấu rau sam cùng với lá ớt, rau dền thành canh tập tàng.
Loại rau này có vị rôn rốt chua, thân mọng nước nên ăn rất ngon, đặc biệt hợp với mùa hè.
Có vô vàn cách chế biến rau sam, mỗi một công thức lại mang đến hương vị khác nhau. Hôm nay, Bếp Eva sẽ chia sẻ tới bạn một món ăn ngon từ loại rau dại này, vừa dễ nấu mà hương vị cũng vô cùng hấp dẫn, cùng vào bếp thử ngay nhé.
Nguyên liệu cần có
- Rau sam: 400g
- Xì dầu: 3 thìa
- Dầu mè: ½ thìa
- Đường trắng
- Vừng rang
- Giấm ăn: 1 thìa
- Mì chính
Cách làm nộm rau sam
1. Rau sam sau khi mua về bạn nhặt bỏ các cọng già, lá vàng, sâu rồi rửa nhiều lần với nước cho sạch. Để đảm bảo an toàn, hãy ngâm rau trong nước muối loãng chừng 5 phút rồi vớt ra rổ cho ráo nước.
2. Đun 1 nồi nước sôi, thêm vào đây vài hạt muối, 1 vài giọt dầu ăn sau đó cho rau sam vào chần sơ. Cách làm này giúp cọng rau giòn ngon, xanh mướt, bóng đẹp. Lưu ý, không chần rau quá lâu, chỉ để chừng 30 giây là có thể vớt ra.
3. Vớt rau sam mới chần cho ngay vào bát nước đá lạnh để giữ độ xanh, giòn.
4. Sốt nộm là linh hồn của món ăn này. Bạn cho vào bát 3 thìa vừng rang, 3 thìa xì dầu, 1 thìa giấm ăn, ½ thìa dầu mè, 1 thìa nước lọc, 1 chút mì chính cùng đường trắng rồi khuấy đều lên. Nhớ khuấy đều tay để toàn bộ gia vị tan ra và hòa quyện vào nhau giúp sốt sánh sệt hơn.
5. Cho phần rau sam đã chần chín vào bát tô, rưới nước sốt lên trên. Bạn nên chia thành nhiều lần sốt như thế sẽ tránh được nguy cơ sốt quá mặn hoặc quá nhạt. Với những người ăn được cay thì có thể thêm 1 chút ớt băm hương vị cũng không tồi.
Gắp rau sam trộn ra đĩa rồi thưởng thức. Món này ăn thanh mát, đậm đà lại tốt cho sức khỏe.
Một số lưu ý khi ăn rau sam
Mặc dù giàu dinh dưỡng, tốt cho cơ thể nhưng không phải ai cũng ăn được rau sam. Một vài lưu ý bạn cần ghi nhớ khi dùng loại rau này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Đầu tiên, rau sam thuộc nhóm thực phẩm có tính hàn nên bạn không nên ăn quá nhiều trong một lần, nhất là với những ai bị tỳ vị hư hàn, lạnh bụng, đi ngoài…
- Thứ hai, rau sam mọc tự nhiên nên khá an toàn. Tuy nhiên, bạn tránh hái rau gần các ruộng hoặc vườn mới phun thuốc trừ sâu.
- Thứ ba, nên ngâm rau sam trong nước muối loãng để khử toàn bộ phần đất bẩn, vi khuẩn còn sót lại.
- Thứ tư, phụ nữ có thai hoặc từng bị sảy thai nhiều lần tuyệt đối không nên ăn.