Tự tay gói và luộc bánh chưng không hề khó, chỉ cần nhớ những điều đơn giản dưới đây.
Cuối năm dù bận rộn và tất bật nhưng cuối cùng, chỉ còn cách Tết vài ngày, phần lớn các gia đình lại ngồi bên nhau, cùng gói và luộc bánh chưng. Có lẽ đây cũng là những giây phút ý nghĩa, ấm áp lan tỏa trong suốt cả dịp Tết của mỗi nhà.
Tuy là món bánh truyền thống nhưng không phải ai cũng biết gói bánh chưng thế nào cho đẹp, luộc bánh thế nào cho chín đều và rền bánh. Dưới đây là 5 mẹo hay ho giúp các gói, luộc bánh chưng thành công cho những ai lần đầu làm quen với loại bánh thân quen nhưng cũng rất khó tính này nhé!
Chọn lá dong như thế nào?
Để gói bánh chưng nên chọn lá bánh tẻ, loại lá này chưa già nhưng không quá ngon nên rất bóng, đẹp lại mềm dẻo, giúp dễ gói hơn.
Về kích cỡ, nên chọn cá to đều nhau, cuống nhỏ. Chọn lá lành lặn, không rách, nát, có màu xanh đậm giúp bánh thơm hơn và màu đẹp hơn.
Trước khi gói nên chần qua nước sôi thì lá sẽ mềm, dẻo hơn, rất dễ gói. Hơn nữa, việc chần nước sôi cũng giúp cho lá sạch hơn, bánh sẽ lâu thiu hơn.
Nên chọn lá dong bánh tẻ để gói bánh chưng
Dây lạt như thế nào thì đạt chuẩn?
Nên chọn loại dây lạt của cây giang, mỏng, mềm và dẻo dai. Trước khi gói bánh, ngâm lạt trong nước để tăng độ dẻo dai cho dây.
Các nguyên liệu làm bánh cần chú ý những gì?
- Gạo nếp: Chọn loại gạo ngon, hạt bóng, chắc mẩy và đều nhau, là nếp cái hoa vàng thì càng tốt. Lưu ý: Sau khi ngâm gạo xong, cần xóc gạo với chút muối để bánh có vị đậm đà. Nếu quên không cho muối, bánh nhạt, nồng và khó ăn.
- Thịt lợn: Thịt làm nhân bánh chưng ngon nhất là thịt ba chỉ hoặc mông, vừa có cả mỡ lẫn nạc sẽ rất ngon. Khi bánh được luộc kỹ, phần thịt mỡ tan chảy ra ngấm vào nhân đậu xanh, từng hạt gạo sẽ rất thơm và ngậy. Thái thịt để làm bánh chưng cần thái miếng to đều, không thái miếng nhỏ. Không ướp thịt với nước mắm sẽ khiến bánh chưng không để được lâu.
Tuyệt chiêu nào để bánh chưng lên màu xanh như ngọc?
Có nhiều cách giúp bạn có được những chiếc bánh chưng có màu xanh ngọc đẹp mắt:
- Dùng lá riềng: Lá riềng đem giã nát, sau đó hòa với nước, lọc lấy nước cốt, rồi trộn vào gạo nếp trước khi gói. Khi nấu chín, bánh sẽ mang màu xanh vô cùng hấp dẫn.
- Dùng lá nếp: Lá nếp xay nhỏ với nước rồi lọc lấy nước cốt, ngâm cùng gạo. Gạo ngâm ngấm màu xanh và rất thơm nhờ đó bánh sẽ có màu đẹp. Tuy nhiên cũng nên cho số lượng vừa phải nếu không mùi lá nếp sẽ át mùi của bánh chưng.
Luộc bánh chưng như thế nào mới ngon, không bị lại gạo?
- Lót đáy nồi: Dùng các lá dong thừa chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi để bánh không bị cháy. Việc cho lá thừa vào nồi bánh cũng khiến nước nấu bánh chưng thơm và xanh hơn. Hoặc đặt một khuôn gỗ hình chữ thập bên dưới đáy nồi rồi mới xếp bánh lên.
- Rửa bánh trong quá trình luộc: Để bánh đỡ bị bẩn do nhựa của lá dong chảy ra, luộc được một nửa thời gian thì vớt bánh ra rửa bề mặt với nước lạnh, thay nước luộc rồi nấu tiếp, bánh sẽ xanh và rền hơn.
Nếu không muốn rửa bánh thì trước khi luộc, bọc thêm một lớp lá bên ngoài từng chiếc bánh để tránh cho nhựa lá dong chảy ra nước luộc rồi bám ngược lại vào, khi nào luộc xong, bóc bỏ lớp lá này ra là được.
- Thời gian luộc: Khoảng 10 tiếng
- Lau bánh sau khi luộc: Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã lau sạch bên ngoài bánh.
- Chèn bánh: Tìm chỗ thoáng mát trong nhà, xếp bánh vừa vớt ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Tiếp đó cho thêm chậu nước hoặc vật nặng đè lên trên tấm ván để bánh được săn, chắc. Khi bánh nguội là có thể cắt ra đem thắp hương được rồi.