Bé đầu đến không nằm trong kế hoạch của chị Trang nhưng lại nằm trong kế hoạch của anh Kim Taeseok.
Chị Vương Hương Trang (SN 1990, Hải Dương) quen anh Kim Taeseok (SN 1978, Hàn Quốc) trên một diễn đàn người nước ngoài vào cuối năm 2014. Hiện tại chị đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc với 2 bé gái: bé Daon (Bảo Nhi, SN 2015) và bé Bomi (Hà My, SN 2019).
Được biết, quãng thời gian yêu anh Taeseok tuần nào cũng từ Bắc Ninh về Hải Dương thăm chị. Thậm chí anh suy nghĩ chín chắn còn thuê phiên dịch, mời bố mẹ chị đi ăn cơm để xin phép cho cả 2 yêu nhau. Và 5 tháng sau khi cầu hôn anh chị tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên để có thể kết hôn được với chị Trang, anh Taeseok đã lên kế hoạch để chị có bầu và khi biết chị quyết định làm mẹ đơn thân, anh đã đến nhà chị ăn vạ đòi cưới bằng được.
Tổ ấm nhỏ của chị Trang ở Hàn Quốc.
Có bầu quyết làm mẹ đơn thân, trai Hàn đến ăn vạ đòi cưới
Nhớ lại ngày có bầu bé đầu 7 năm trước, chị Trang kể, chị có bầu trước khi cưới. Em bé đến không phải kế hoạch của chị nhưng là kế hoạch của anh Taeseok. Chính vì vậy khi biết có bầu chị không sốc mà thông báo với bạn thân đầu tiên rồi cắt hết liên lạc với anh Taeseok vì chị chưa sẵn sàng đi đến hôn nhân.
“Bản thân mình rất thích có con, mình đã từng suy nghĩ sống độc thân làm mẹ đơn thân. Mình không muốn ràng buộc, nhất là chồng ngoại quốc vì sau kết hôn sẽ có nhiều khác biệt văn hóa chứ không được như hồi yêu nên chồng mình thấy mình không liên lạc đã đến nhà mình ăn vạ.
Mình có nói “con em tự nuôi được không cần ai hết, anh không cần lo sợ em ăn vạ”. Sau nhiều ngày bỏ làm cắm cọc ăn vạ, thuyết phục xin lỗi phụ huynh thì mình mới đồng ý kết hôn. Giờ chồng mình suốt ngày đi rêu rao mọi người là vợ có bầu nhưng người ăn vạ đòi cưới là anh”, chị Trang cười nhớ lại.
Anh chị quen nhau vào năm 2014.
Mang bầu bé đầu chị bị nghén và dọa sảy phải nằm viện truyền nước, đặt thuốc để an thai. Khoảng thời gian đó chị bị nghén không ăn được gì và gầy đi hẳn 4kg từ 45kg xuống còn 41kg. Mãi sau 3 tháng em bé ổn định. Tuy nhiên chị không tăng cân nhiều vì không ăn được nhiều và đến ngày sinh thỉnh thoảng vẫn bị nôn.
“Thời gian đầu vì mình có bầu nghén, chồng mình khá tinh tế và tâm lý, chiều vợ hết mực, mọi thứ từ nhỏ nhặt nhất làm hết. Đúng hay sai cho dù nhỏ nhặt nhất chồng mình luôn nói lời xin lỗi”, chị Trang kể.
Đối với chị Trang, mang bầu bé đầu khá vất vả bởi chồng chị xích mích với công ty nên nghỉ việc. Suốt 6 tháng anh ròng rã tìm việc, trở về Hàn rồi sang Philippines 2 tháng làm, một mình chị phải tự làm, tự lo kinh tế 2 vợ chồng dù bầu bí. May mắn chị có bố mẹ luôn bên cạnh đến lúc sinh.
Bé đầu chị sinh ở viện tỉnh phải mổ cấp cứu gấp.
Nhớ lại ngày sinh bé đầu, chị Trang kể, thời điểm đó kinh tế yếu nên chị sinh ở viện tỉnh. Vì bé lớn quá ngày sinh mà không chịu trở dạ, siêu âm bị cạn ối, bé được 2,3kg nên bác sĩ yêu cầu mổ cấp cứu gấp vì sợ bé bị ngạt. Vậy là từ lúc khám thai đến lúc sinh của chị chưa đầy một tiếng khiến cả nhà được phen hú hồn. Chưa kể trong phòng mổ, chị cảm nhận cái đau thấu trời đất, hét ầm lên khi bác sĩ rạch dao đầu tiên dù đã tiêm gây tê cột sống khiến bố mẹ chị ở ngoài càng lo lắng.
Bé thứ 2 nhà chị chào đời nặng 3kg. Ngày mổ cấp cứu không đặt trước được phòng tự chọn nên sau sinh chị phải chuyển về phòng chung. Chồng chị làm ở Philippines, hôm sau mới bay về được. Anh đã cầm tay chị và khóc “Xin lỗi em nhiều vì anh không tốt nên để em chịu nhiều khổ cực, lúc em sinh khó khăn anh lại không bên cạnh, lại chẳng lo cho em được viện có điều kiện tốt”.
Đi sinh bé thứ 2 mổ khẩn cấp
Sau khi bé đầu được 4 tuổi, chị mang bầu bé thứ 2. Cũng giống như bé đầu chị bị nghén nhiều và bị dọa sảy. Vì ở Hàn nên chị chỉ có chồng chăm. Hàng ngày anh đi làm từ sáng đến 9h tối về là làm hết mọi việc cho con từ rửa bát, tắm cho bé lớn rồi chơi cùng con, ru con ngủ. Sau khi cho con ngủ rồi anh mới nấu nướng thêm đồ cho vợ. Hôm nào cũng 12h-1h đêm anh mới ngủ.
Kể về ngày đi sinh bé thứ 2, chị Trang cho biết, 37 tuần bác sĩ nói em bé nhỏ quá chỉ được 2,1kg nên chị định để khoảng 40 tuần mới sinh mổ. Tuy nhiên sau khi khám tổng quát, đo cơn gò, bác sĩ đã gọi 2 vợ chồng chị và và nói chị xuất hiện nhiều cơn gò, kèm theo thai nhỏ nên sợ nguy hiểm sẽ chuyển chị lên tuyến trên để thăm khám và sinh.
Sau khi lên viện trên Seoul, bác sĩ chẩn đoán chị bụng tụt sâu quá, cơ địa dạ con mỏng kèm theo có vết mổ cũ, thai nhỏ nên khuyên gia đình chị nên mổ sớm nếu không có nguy cơ bục tử cung từ vết mổ cũ. Vậy là 2 vợ chồng chị lại cuống cuồng dắt nhau đi mổ đẻ.
Sau sinh em bé nhà chị phải nằm lồng ấp.
Bé nhà chị sinh 37 tuần được 2,2kg kèm vàng da nên phải nằm lồng ấp 1 ngày và chăm sóc tại khu đặc biệt. Do chị được gây mê ngủ sâu trong khi mổ nên cũng không được nhìn thấy con sau sinh. Lần đầu tiên gặp con qua ô cửa kính, nhìn con nhỏ bé hẳn so với các bé khác, không thể ôm không thể chạm 2 vợ chồng chị lại ôm nhau khóc. Mãi sau 3 ngày chị mới được ôm bé khi vào thăm con.
Sinh bé thứ 2 ở viện lớn nhưng ở phòng bệnh chung nên chị được giảm nhiều chi phí. Bên cạnh có tiền trợ cấp nhà nước nên chị chỉ mất khoảng 800 kwon (khoảng 16 triệu) khi thanh toán. Về dịch vụ chị vô cùng hài lòng bởi sự tận tâm, tận tình của các bác sĩ y tá ở viện.
Sau sinh 1 tuần bé nhà chị bị suy tuyến giáp khiến chị đứng ngồi không yên.
Nói đến đây, chị Trang chia sẻ thêm, sau sinh bé thứ 2 được 1 tuần, chị nhận kết quả lấy máu gót chân thông báo con bị suy giáp, lượng hocmoon thấp hơn so với tiêu chuẩn. Lúc đó mặt chị tối sầm lại như có một cơn bão ập đến, chị không đủ bình tĩnh nghe chồng giải thích hay bác sĩ giải thích gì hết. Chị khóc như mưa. Đặc biệt lên tìm kiếm Google đọc thông tin bé bị suy giáp sẽ bị ngớ ngẩn, mất trí nhớ chị càng khóc nhiều hơn.
Mãi sau khi chồng và bác sĩ giải thích hiện tại chưa có kết quả chính thức, phải theo dõi 3 năm, nếu chỉ số thấp con phải uống thuốc. Và sau 3 năm phải xét nghiệm chuyên sâu để xác nhận xem con bị suy giáp sơ sinh hay là suy giáp bẩm sinh. Nếu suy giáp sơ sinh thì sau 3 năm tuyến giáp phát triển toàn diện sẽ tự động điều chỉnh được hormone, còn nếu suy giáp bẩm sinh thì sẽ theo con cả đời, phải dùng điều trị thuốc và có nguy cơ bị kém thông minh hoặc nhận thức chậm.
Sau 3 năm, vợ chồng chị hạnh phúc nhận kết quả con chỉ bị suy giáp sơ sinh. Hiện đã ổn định không cần điều trị thêm.
3 năm trời chị đau xé lòng xé dạ, một tháng/lần chị phải đưa con lên viện đại học để xét nghiệm. 3 năm ròng rã, thương con lo cho con cuối cùng ông trời cũng không phụ lòng người, cầm kết quả con chỉ là suy giáp sơ sinh, chỉ số đã ổn định không cần điều trị thêm mà 2 vợ chồng chị hạnh phúc ôm nhau khóc. Hiện tại chị hài lòng với tổ ấm nhỏ của mình.