Bị ung thư tuyến giáp, u lạc nội mạc buồng trứng nên khi mang bầu cặp song sinh, chị Mỹ Nhàn trải qua vô vàn những khó khăn trong thai kỳ.
Mỗi ngày nhìn 2 con chơi ngoan, chị Mỹ Nhàn và anh Công Minh lại quên hết mọi mệt mỏi, vất vả. Đến bây giờ khi nghĩ lại, chị Mỹ Nhàn và anh Công Minh vẫn không tin 2 vợ chồng đã vượt qua được căn bệnh ung thư tuyến giáp, cùng nhau vượt qua gần 34 tuần mang bầu như ngồi trên đống lửa để đón con yêu.
Tổ ấm nhỏ của anh Công Minh và chị Mỹ Nhàn.
Chị Mỹ Nhàn và anh Công Minh đều là những 9X đời đầu. Cả 2 kết hôn vào năm 2017. Tuy nhiên vì cả 2 đều bị ung thư tuyến giáp trước khi kết hôn nên việc có con với anh chị là mơ ước xa vời. Từ đầu, anh chị đã ngầm xác định với nhau rằng có thể 2 vợ chồng sẽ không có con. Đặc biệt sau 2 tháng cưới, chị Mỹ Nhàn phát hiện một khối u lạc nội mạc buồng trứng bên phải khoảng 7cm và phải mổ vì khối u quá to, rất nguy hiểm. Mặc dù biết rằng khi mổ phải đối mặt với nguy cơ vô sinh cao nhưng vợ chồng anh chị vẫn chấp nhận vì sức khỏe của chị vẫn là điều quan trọng nhất.
Một năm sau khi mổ, vì lao vào công việc nên vợ chồng chị xuống sức nghiêm trọng. Đến đầu năm 2019, anh chị quyết định thay đổi công việc, rời Hồ Chí Minh về TP Buôn Ma Thuột sống để điều dưỡng sức khỏe. Nhờ vậy mà cuối năm 2019 sức khỏe của 2 vợ chồng đã tạm ổn định.
Chị mang bầu đôi đối diện với nhiều biến chứng thai kỳ.
Nói đến đây, anh Công Minh tâm sự, có một lần anh nói vu vơ với vợ rằng “Nếu mà có con, ước gì mình đẻ sinh đôi luôn nuôi một lần thôi". Cả 2 anh chị lúc đó cũng chỉ nghĩ vui vậy thôi nào ngờ đến tháng 3/2020, chị Nhàn nhận tin vui mình mang bầu song thai thật.
Đến bây giờ, anh Minh vẫn còn nhớ như in ngày vợ báo tin vui cho mình, anh không tin vào tai, cứ ngỡ rằng đang mơ, mãi đến khi cầm giấy siêu âm trên tay thấy 2 chấm nhỏ xíu như hạt đậu khi con 6 tuần tuổi, anh mới tin vào sự thật. Hạnh phúc vỡ òa khi biết mình sắp được làm cha nhưng những nỗi lo cũng đã kéo đến trong anh khi sức khỏe của chị Nhàn mới tạm ổn lại phải mang bầu đôi.
“Mình căng thẳng lắm, nhất là sau lần khám quan trọng tuần 12, bác sĩ cảnh báo về tình trạng thiếu máu, suy giáp, và nhất là tình trạng sinh non vì vợ mình có đủ các biến chứng của bệnh nền nên hầu như mình dành phần lớn thời gian để chăm sóc vợ. Và mình chuyển qua tự kinh doanh online tại nhà để tiện chăm sóc vợ con hơn”, anh Công Minh chia sẻ.
Một thai nhau tiền đạo còn một thai mạch máu tiền đạo ở tuần thứ 19.
Chia sẻ về thai kỳ của mình, chị Nhàn cho biết, 9 tháng 10 ngày mang thai là khoảng thời gian chị như ngồi trên đống lửa với tình hình con. Tuy nhiên, chị may mắn vì có ông xã luôn bên cạnh mình. 14 tuần chị bị té cầu thang lúc nửa đêm khiến anh Minh phát hoảng. Vậy là cả đêm anh cứ ngồi bên cạnh chị để đợi tới sáng đưa vợ đi kiểm tra. Không những vậy, khi thai được 19 tuần, chị còn phải đối diện với những biến chứng thai kỳ. Anh Minh dù lo lắng nhưng vẫn luôn lạc quan để làm chỗ dựa tinh thần cho chị.
“Đi khám thai tuần thứ 19, vợ chồng mình được bác sĩ nói chuyện gần 1,5 tiếng về các biến chứng thai kỳ như bệnh nền K giáp, u lạc nội mạc buồng trứng, thai đôi tự nhiên khác trứng, bị té cầu thang ở tuần thứ 6 và tuần thứ 14, bị xuất huyết bất thường ở tuần thứ 12, một thai nhau tiền đạo một thai mạch máu tiền đạo ở tuần thứ 19 và mình bị thiếu máu trầm trọng phải chuẩn bị cho trường hợp truyền máu.
Bác sĩ giải thích bé thứ 2 bị mạch máu tiền đạo là trường hợp từ tuần 28 trở đi, con có thể bị đứt mạch máu, con sẽ mất máu và có thể mất bất cứ lúc nào. Bác sĩ sợ mình không hiểu nên chỉ vào ảnh của 1 bé nhấn mạnh: "đứa bé này có thể đứt mạch máu, mất máu và chết bất cứ lúc nào, 2 em hiểu không?", chị Nhàn nhớ lại.
Chưa hết nỗi lo này, vợ chồng chị phải đối diện với nỗi lo khác khi 29 tuần, độ dài cổ tử cung bị tuột còn 18mm, có nguy cơ sinh non cao. Hơn nữa, chị Nhàn bị thiếu máu trầm trọng được chuyển xuống bệnh viện Từ Dũ điều trị.
Để giữ được cặp song thai, chị Nhàn phải đặt vòng nâng cổ tử cung với hy vọng giữ 0%, tiêm 2 mũi trưởng thành phổi và phải nằm một chỗ vì không được đứng và ngồi quá 10 phút. Tình trạng của chị còn được bác sĩ ghi sẵn giấy cấp cứu để cấp cứu nhanh nhất có thể khi tới viện.
Những tưởng sau những trở ngại, thách thức, gia đình chị Nhàn sẽ có được 1 ngày đi sinh thuận lợi nhưng không may mắn sau 1 tháng nằm im giữ thai, tuần thứ 33 vợ chồng chị phải nhập viện sớm hơn 2 tuần dự định mổ chủ động vì một thai bị đè nằm xéo, một thai nằm ngang. Vậy là chị Nhàn được mổ cấp cứu lấy thai vào 33 tuần 5 ngày. Ca mổ của chị diễn ra thuận lợi, 2 bé trai chào đời đều nặng 2,2kg.
“Thời điểm tháng 10/2020 vẫn đang trong đợt dịch căng thẳng, bệnh viện Từ Dũ kiểm tra nghiêm ngặt, người nhà không được theo sản phụ vào trong, vợ mình phải tự đi đến các phòng làm tất cả các kiểm tra trước khi mổ. Vì không thể đứng quá 10 phút, trong khi các ca cấp cứu quá tải phải đợi từ 5h sáng đến 9h nên cô ấy đau quá chịu không nổi, phải tự mượn xe lăn để đi các phòng. Lúc đợi vợ ở ngoài phòng mổ mình mới thấu được nỗi đau khi sinh đẻ của người phụ nữ, lại càng thương vợ hơn”, anh Minh đỏ hoe đôi mắt khi nhớ lại ngày vợ đi sinh.
2 bé chào đời nặng 2,2kg.
Sau sinh chị Nhàn phải nằm tại phòng hồi sức 6 tiếng, anh Minh ở ngoài đi đón con từ khoa sơ sinh về phòng. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ mãi hình ảnh mở khăn ra nhìn con, một bé bị bần tím nửa cơ thể từ tay xuống chân vì bị đè trong bụng. May mắn bé tự hô hấp được nên cơ thể bình phục nhanh chóng. “Bác sĩ nói may mổ kịp thời không thì em bé sẽ bị hoại tử, vợ chồng mình được một phen hú hồn”, anh Minh cười.
Một bé bị bần tím nửa cơ thể từ tay xuống chân vì bị đè trong bụng.
Anh Minh luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của chị.
Hai bé nhà anh Minh và chị Nhàn được đặt tên là nhà là Dol và Phin. Hiện tại, 2 bé đã được 6 tháng nặng 8,5kg. Nhờ lựa chọn nuôi con hiện đại, áp dụng luyện trình tự sinh hoạt ăn ngủ đúng giờ từ tuần thứ 5 nên cả 2 bé ăn ngủ rất đúng giờ giấc. Đặc biệt, 2 bé có thể tự ngủ, ăn uống đúng giờ nên chị Nhàn có thời gian chăm sóc sức khỏe, giải trí tránh trầm cảm sau sinh còn anh Minh vẫn có thời gian cho công việc kinh doanh. Thậm chí, 2 vợ chồng còn có thời gian hẹn hò riêng và cuối tuần khi được bà ngoại và các dì hỗ trợ.
“Nhờ nuôi con hiện đại nên ai cũng bảo vợ chồng mình nuôi sinh đôi sao nhàn vậy. Qua đây mình cũng muốn chia sẻ với những ông bố rằng vợ trải qua thời kỳ bầu và sinh nở rất khó khăn và đau đớn, cô ấy phải trải qua sự thay đổi rất lớn trong cơ thể để đứa trẻ phát triển, nhiều lúc sẽ cáu gắt, cảm xúc nên hãy luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, đồng hành cùng vợ mình trong thời kỳ mang thai và nhất là thời kì hậu sản. Khi tinh thần thoải mái, ăn uống điều dưỡng tốt, sữa sẽ về nhiều, vợ khoẻ, con vui, cả nhà hạnh phúc”, anh Minh cười cho hay.
2 tình yêu lớn nhất của chị Mỹ Nhàn.