Chàng đồng tính "xách quần" chạy vì đồng nghiệp đòi thụ thai trực tiếp, chi 1,7 tỉ để có con

Minh An - Ngày 20/08/2021 12:05 PM (GMT+7)

Cặp đôi đồng tính nam đã mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để có con chung như ngày hôm nay.

Đó là một buổi chiều nóng nực trong tháng 7 tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), Li Yang (34 tuổi) và gia đình đang đi dạo dưới những tán cây xanh mát trong công viên. Bé Mumu, 5 tháng tuổi nằm ngoan ngoãn trong vòng tay bảo mẫu, trong khi bà ngoại phe phẩy chiếc quạt cầm tay để xua đi cái nóng cho bé. 

"Chúng tôi trông giống một gia đình bình thường nhỉ?", Li hỏi.

Anh ấy nói đúng, họ chính là một gia đình bình thường. Vậy nhưng ít ai biết rằng để có được sự "bình thường" đó, Li đã phải mất 5 năm, 6 chuyến đi đến Thái Lan và 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỉ VNĐ). Đó là vì anh và bạn trai Wang Jie (28 tuổi) là người đồng tính nam. Để có một đứa con chung, họ phải tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc hơn các cặp đôi khác. 

Mong ước nhỏ nhoi của Li (áo hồng) là có một gia đình bình thường với tiếng khóc cười trẻ thơ.

Mong ước nhỏ nhoi của Li (áo hồng) là có một gia đình bình thường với tiếng khóc cười trẻ thơ.

Từng "xách quần" chạy vì đồng nghiệp nữ đòi thụ thai trực tiếp 

Li Yang cho biết anh phát hiện ra mình là người đồng tính nam từ năm 18 tuổi. Trái tim anh đã chùng xuống khi biết điều đó. Bởi Li là con của một bà mẹ đơn thân và anh luôn mơ ước con cái của mình sau này sẽ có đủ bố mẹ. Giấc mơ của danh bỗng chốc tưởng chừng như không thể thực hiện. Song, Li vẫn muốn có con, dù phải làm một ông bố đơn thân.

Năm 2015, anh bắt đầu thực hiện kế hoạch sinh con của mình. Ban đầu, anh nhờ một người đồng nghiệp nữ trong công ty hiến trứng và mang thai hộ. Kế hoạch là Li sẽ dùng tinh trùng của mình thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người đồng nghiệp đó và để cô mang thai. Mọi chi phí do Li chi trả và đứa con sẽ do anh nuôi dưỡng. 

Mọi thứ có vẻ suôn sẻ khi người đồng nghiệp đồng ý với thỏa thuận này. Vậy nhưng sau đó, cô lại đổi ý và đòi ngủ với anh để thụ thai trực tiếp trong một lần cả hai đến phòng cô để trao đổi kế hoạch. "Cô ấy biết xu hướng tình dục của tôi mà vẫn đòi, tôi thực sự đã xách quần chạy khỏi đó", Li cười nói. Sau đó anh mới biết cô đồng nghiệp đó có mẹ già ngoài 60 tuổi bị tai biến và cô muốn để bà yên tâm khi thấy mình lập gia đình, sinh con. Anh hốt hoảng nhận ra suýt nữa mình đã bị "gài". 

Khi biết mình là người đồng tính, Li đã rất lo lắng về chuyện con cái.

Khi biết mình là người đồng tính, Li đã rất lo lắng về chuyện con cái.

Năm 2017, Li gặp người bạn đời hiện tại của mình thông qua ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính. Ngay sau khi xác định mối quan hệ, họ đã quyết định cùng nhau cố gắng có con. "Tôi không quá quan tâm chuyện con cái, nhưng anh ấy yêu trẻ con nên tôi ủng hộ", Wang chia sẻ trong khi dành ánh mắt trìu mến về phía Li. 

Để có con, thậm chí Li và Wang còn từng kết hôn với hai người phụ nữ khác. Đó là một cặp đồng tính nữ mà họ quen trên mạng. Họ tiến hành kết hôn trên danh nghĩa để có thể có con hợp pháp, còn thực tế "cặp nào vẫn vào cặp nấy". Người "vợ" trên giấy tờ đã mang thai 2 lần nhờ tinh dịch của Li, nhưng cả hai lần đều không may bị sảy. Sau đó, mối quan hệ thân thiết của Li và "vợ" khiến người phụ nữ còn lại ghen tuông và liên tục cãi vã. Cuối cùng, hai cặp đôi "kì quặc" này đã tiến hành ly hôn vào năm 2019. 

Li với Wang còn từng kết hôn trên danh nghĩa với hai người đồng tính nữ khác để sinh con.

Li với Wang còn từng kết hôn trên danh nghĩa với hai người đồng tính nữ khác để sinh con.

Dồn tiền sang Thái Lan nhờ mang thai hộ, vui mừng đón con chào đời 

Sau những lần thất bại, Li và Wang cảm thấy họ đã cạn kiệt mọi lựa chọn ở Trung Quốc. Mang thai hộ đã bị cấm từ năm 2001. Nhận một đứa trẻ khỏe mạnh từ các trung tâm từ thiện làm con nuôi đồng nghĩa với việc phải xếp hàng dài chờ đợi trong nhiều năm và những người đàn ông đồng tính hoặc độc thân thường xếp ở cuối danh sách. 

"Vì thực sự không còn cách nào khác, chúng tôi quyết định thử mang thai hộ ở nước ngoài", Li chia sẻ. Tuy nhiên, lần này Li muốn sử dụng trứng hiến tặng của một người và nhờ một người khác để mang thai hộ. Điều này sẽ giúp tâm lý người mang thai thoải mái hơn so với kiểu mang thai hộ truyền thống, nghĩa là một người phụ nữ vừa là người cho trứng vừa là người đẻ. 

Li đã chi 1,7 tỉ để nhờ mang thai hộ tại Thái Lan.

Li đã chi 1,7 tỉ để nhờ mang thai hộ tại Thái Lan.

Sau khi cân nhắc những ưu và nhược điểm của các quốc gia khác nhau, cặp đôi đã chọn Thái Lan, nơi có một đứa con thông qua mang thai hộ sẽ tốn "tất tần tật" khoảng 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỉ VNĐ). Dù tốn kém, cả hai quyết tâm dồn toàn bộ tiền để thực hiện. 

Vào tháng 2 năm 2019, Li và Wang đã bay đến Bangkok và gặp gỡ người hiến trứng mà họ đã chọn thông qua một trung tâm mang thai hộ tại Thái. Họ hỏi về sức khỏe, sở thích của cô ấy và liệu cô ấy có phẫu thuật thẩm mỹ hay không, sau đó quyết định người này sẽ là mẹ di truyền của em bé. Tại một quán cà phê, Li đã yêu cầu cắt một vài sợi tóc của cô ấy và gói chúng trong một chiếc khăn ăn, lưu lại trong trường hợp cần thiết để xác minh rằng bệnh viện đã thực sự sử dụng trứng của cô ấy.

1 tháng sau, 16 quả trứng được lấy ra từ người hiến trứng do Li và Wang lựa chọn. Tuy vậy, từ năm 2015, Thái Lan đã cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại cho người nước ngoài. Vậy là họ lại phải chật vật tìm một người Campuchia để mang thai hộ đứa con của mình. 

Bé Mumu chào đời là niềm hạnh phúc của cả gia đình.

Bé Mumu chào đời là niềm hạnh phúc của cả gia đình.

Và cuối cùng sau nhiều chờ đợi, bé Mumu ra đời. Lúc đó, Li bị cảm nên phải đến khi con 10 ngày tuổi, anh mới được ôm bé. “Vào lúc đó, tôi cảm thấy con bé thật mềm mại, thật kỳ diệu,” Li viết trên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội. Anh ấy đã chia sẻ công khai toàn bộ quá trình "tìm con" của mình với mong muốn tạo thêm động lực cho các cặp đôi đồng tính khác - và cũng là cách để sau này khi Mumu đủ hiểu biết có thể hiểu được cách mình chào đời. 

Chúng tôi không biết tương lai sẽ thế nào nhưng chắc chắn tôi sẽ nói với con bé sự thật và con bé có thể hiểu chúng tôi yêu nó đến nhường nào", Li vừa nói vừa nựng chiếc má "bánh bao" của Mumu.

Li cũng vẫn giữ liên lạc với người đã mang thai Mumu giúp vợ chồng anh. Vào ngày đầy tháng của bé, Li còn mua vé máy bay để cô ấy đến Bắc Kinh tham dự. 

Li và Wang cho biết trong 2 năm tới, họ sẽ cân nhắc việc sinh thêm bé thứ 2 từ tinh trùng của Wang. Nhưng điều này là chưa chắc chắn bởi họ vẫn còn phôi trữ đông từ tinh trùng của Li và nếu làm lại từ đầu với Wang thì sẽ tốn kém hơn. 

"Đó là chuyện tương lai, chúng tôi sẽ tùy tình hình để quyết định. Bây giờ tôi chỉ thấy có một đứa con thật tuyệt vời. Đôi khi vợ chồng mâu thuẫn, chỉ cần nhìn vào con là không muốn cãi nhau nữa", Wang tâm sự. 

Cô bé đáng yêu là chất keo kết nối cả gia đình thêm gắn kết, hạnh phúc.

Cô bé đáng yêu là "chất keo" kết nối cả gia đình thêm gắn kết, hạnh phúc.

Không chỉ mối quan hệ của Li và Wang, bé Mumu còn thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Bà Yang Guangling, mẹ của Li chuyển đến sống cùng hai vợ chồng. Lo cháu bị hóa chất ảnh hưởng nên bà chấp nhận để mái tóc điểm bạc, không còn nhuộm đen mỗi tháng nữa. Dù Wang nghỉ việc ở nhà chăm con nhưng cả hai vẫn thuê thêm bảo mẫu cho bé vì sợ rằng 2 người đàn ông chăm con sẽ không thành thạo. Cả gia đình đã tạm thời chuyển đến tỉnh đảo nhiệt đới Hải Nam của Trung Quốc vào mùa đông để bé Mumu có thể bước những bước đầu tiên trên bãi biển và hít thở không khí biển trong lành. 

"Mọi thứ đều đáng giá, chúng tôi đã tốn bao nhiêu để có con nên sẽ dành cho con những thứ tốt đẹp nhất", Li bộc bạch. 

Minh An (Dịch từ ST)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai