Em bé được chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở khoa sản Bệnh viện Phúc Hưng. Đây là bé sơ sinh có cân nặng lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Ngãi.
Bác sĩ Hà Tấn Ngọc, Phó khoa Sản, Bệnh viện Phúc Hưng (Quảng Ngãi) cho biết, mới đây bệnh viện đã tiến hành mổ lấy thai thành công một sản phụ mang bầu em bé sở hữu cân nặng "khủng" nhất từ trước đến nay ở Quảng Ngãi, nặng 5kg.
Em bé này là con trai thứ 2 của vợ chồng sản phụ Phạm Thị Ngọc Mai (ngụ huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Sản phụ Ngọc Mai hạnh phúc bế con vào lòng.
Em bé chào đời nặng 5kg.
Theo chia sẻ của bác sĩ, cả thai kỳ sản phụ tăng 22kg. Trong thời kỳ mang thai, sản phụ có làm nghiệm pháp dung nạp glucose - phương pháp dùng để chẩn đoán đái tháo đường, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai giúp phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến mẹ và bé có thể xảy ra. Theo đó, giá trị glucose có tăng nên sản phụ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
Khi thai được 37 tuần, thai rất lớn, sản phụ nhập viện cấp cứu trong tình trạng vỡ ối sớm. Trước tình hình đó, các bác sĩ sản khoa bệnh viện đã phải tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai ngay cho sản phụ.
Ca phẫu thuật thành công, bé trai nặng 5kg, chào đời vào 22h05 ngày 5/9 an toàn dù sớm hơn dự kiến sinh 3 tuần. Và sau 3 ngày nhập viện cấp cứu, sức khỏe sản phụ Phạm Thị Ngọc Mai dần hồi phục, ổn định.
Có thể nói, đây là trẻ sơ sinh chào đời được ghi nhận có trọng lượng lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Ngãi. Được biết, con gái đầu lòng của sản phụ sinh ở tuần 39 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Phổ cũng có cân nặng “khủng” - 4,1kg.
Em bé chào đời đã như những trẻ được hơn 1 tháng tuổi, ai nhìn cũng phải ngạc nhiên.
Trước đó, con gái lớn của sản phụ cũng nặng 4,1kg.
Chia sẻ về những trường hợp sản phụ sinh thai lớn, bác sĩ Hà Tấn Ngọc nhấn mạnh, không phải sản phụ nào mang thai to, nặng cân là cũng tốt. Đôi khi những sản phụ mang thai “siêu nặng”, cả sản phụ và thai nhi phải đối mặt với cực kỳ nhiều vấn đề nguy hiểm.
Đối với người mẹ, khi thai quá lớn sẽ khiến người mẹ nặng nề, mệt mỏi, khó thở. Tử cung to gây chèn ép vào các tĩnh mạch vùng chậu gây phù chân.
Một điều quan trọng nhất là khi thai to việc sinh thường sẽ cực kỳ khó khăn bởi trẻ chỉ lọt được đầu mà lại bị kẹt phần vai, nhiều trường hợp các bác sĩ phải mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài gây chảy máu, tổn thương tầng sinh môn.
Còn đối với em bé, các ca sơ sinh cân nặng lớn dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn....
“Lời khuyên của mình dành cho các bạn là hãy có một chế độ dinh dưỡng, luyện tập và quản lý các bệnh lý thai nghén một cách hợp lý để em bé có một cân nặng lý tưởng khoảng 3-3,5kg”, bác sĩ Hà Tấn Ngọc tư vấn.
Được biết, gần đây nhất vào hồi tháng 5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng mổ lấy thai nhi có cân nặng lên tới 5kg cho một sản phụ sinh lần 2 sinh ở tuần 33.
Ngoài ra, vào năm 2017, bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam là bé ở Vĩnh Phúc chào đời nặng 7,1kg. Trước đó, kỷ lục này thuộc về bé gái ở Gia Lai chào đời vào năm 2008 nặng gần 7kg. Năm 2014, một bà mẹ ở Quảng Nam nặng 102kg cũng sinh con nặng 6,5kg.