Gia đình xáo trộn vì tôi ốm nghén lạ, cứ thấy mẹ chồng là buồn nôn

Diệu Thuỳ - Ngày 03/11/2023 11:05 AM (GMT+7)

Mặc dù đã qua 3 tháng đầu thai kỳ nhưng tình trạng ốm nghén của tôi dường như vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tôi vừa kết hôn cách đây hơn 3 tháng, “thả” một cái là có bầu luôn nên hiện cũng đang mang thai được 3 tháng rồi. 

Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng trước đó cũng bình thường, nhưng cho đến khi tôi có bầu thì mọi thứ lại tệ đi. Mẹ chồng con dâu không gặp thì không sao, mà cứ nhìn thấy bà là tôi buồn nôn. Tất cả là vì mùi nước hoa sặc sụa của mẹ chồng tôi.

Mẹ tôi năm nay 51 tuổi, tính tình khá trẻ trung, thường xuyên đi sinh hoạt câu lạc bộ khiêu vũ, dân vũ, múa hát, làm thơ,... Mỗi lần đi sinh hoạt câu lạc bộ là mẹ tôi váy áo lộng lẫy, xịt nước hoa nồng nặc. Tôi không biết mọi người thấy mùi nước hoa của bà như thế nào, còn tôi cảm thấy rất khó chịu. 

Tôi bị ốm nghén rất nặng, sợ rất nhiều loại mùi, đặc biệt là mùi nước hoa. (Ảnh minh họa)

Tôi bị ốm nghén rất nặng, sợ rất nhiều loại mùi, đặc biệt là mùi nước hoa. (Ảnh minh họa)

Bản thân tôi ốm nghén nặng, sợ nhiều loại mùi như mùi thức ăn chiên xào, mùi hành mỡ phi, mùi lăn khử mùi của chồng... Những mùi đó chỉ khiến tôi thấy khó chịu, chứ riêng mùi nước hoa của mẹ chồng, chỉ cần thấp thoáng bóng bà từ ngoài sân đi vào là tôi đã nôn thốc nôn tháo. Nôn xong là người tôi mệt lử, chẳng thiết ăn uống nữa.

Khổ nỗi, mẹ chồng không thông cảm cho tôi mà lại tự ái, nói tôi “hỗn”, “làm quá”, “chưa từng thấy ai nghén kiểu như vậy”, “làm như mỗi mình mình có bầu” và nhất định không thể bỏ việc xịt nước hoa. 

Khi tôi nhờ chồng góp ý, nói với mẹ rằng bà bầu ngửi mùi nước hoa nhiều cũng không tốt thì bà bảo: “Mẹ đến câu lạc bộ là phải xịt nước hoa, thơm lừng lên mới thích, ai cũng khen nước hoa của mẹ thơm, con đừng để vợ dắt mũi”. Bố chồng tôi nói cũng bị bà giận lây. 

Tôi bảo chồng hay ra ở riêng, nhưng anh ấy nói tôi chịu khó, chẳng lẽ vì chuyện bé thế này mà ra ở riêng cũng không hay. Bố mẹ tôi chỉ có chồng tôi là con trai duy nhất, hơn nữa nếu ra thuê nhà, kinh tế hai vợ chồng cũng gặp khó khăn.

Mẹ chồng không cảm thông cho con dâu bầu bí, còn tỏ thái độ khó chịu khi thấy tôi ốm nghén. (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng không cảm thông cho con dâu bầu bí, còn tỏ thái độ khó chịu khi thấy tôi ốm nghén. (Ảnh minh họa)

Giờ đây tôi đã qua 3 tháng đầu thai kỳ, mà tình trạng sợ mùi nước hoa của mẹ chồng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mỗi lần tôi nôn trước mặt mẹ chồng, bà lại mặt sưng mày xỉa, tỏ thái độ khó chịu với tôi. Từ đó mà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng xấu đi thấy rõ. Tôi phải làm sao đây? Có mẹ bầu nào bị giống tôi không? Liệu tình trạng nghén mùi bao giờ mới hết? Và cứ phải ngửi mùi nước hoa nồng nặc thế này có ảnh hưởng gì đến em bé không?

Vì sao bà bầu lại nghén mùi nước hoa?

Ốm nghén là một trong những hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng đầu. Những triệu chứng thường gặp của ốm nghén là: Khó chịu, đầy hơi, buồn nôn, nôn, mất ngủ…

Ốm nghén được chia làm 2 loại: 

⁃ Cơn nghén thông thường: Thai phụ luôn cảm thấy mệt mỏi do nôn ói nhiều, song tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải. Thai phụ ốm nghén thông thường không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Triệu chứng nôn ói sẽ giảm dần sau khoảng 12 tuần của thai kỳ.

⁃ Cơn nghén nặng: Thai phụ thường xuyên bị nôn ói với mức độ trầm trọng, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, khi nôn thức ăn bị tống hết ra ngoài. Ốm nghén nặng khiến thai phụ chán ăn gây sút cân, có thể dẫn đến tình trạng suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt. Nếu kéo dài, tình trạng này khiến thai phụ mất nước, rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé. Chỉ có khoảng 1-1,5% thai phụ bị ốm nghén nặng.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ốm nghén là do hormone HCG tăng; Thay đổi hệ tiêu hóa và Khứu giác của mẹ bầu nhạy cảm hơn. Việc khứu giác nhạy cảm hơn khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, buồn nôn mỗi khi ngửi thấy mùi hương mạnh hoặc những mùi lạ như: Nước hoa, khói thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm...

Dù mẹ khá mệt mỏi khi bị ốm nghén nhưng điều an ủi là một số nghiên cứu đã chứng minh rằng ốm nghén là một dấu hiệu tích cực cho thấy thai phụ đang trải qua một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi đang phát triển tốt.

Trong trường hợp mẹ ốm nghén kéo dài, kèm theo những triệu chứng: Tim đập nhanh; Sốt cao không hạ; Sụt 1 – 2kg trong khoảng thời gian ngắn; Buồn nôn, nôn ói liên tục, không ăn uống được; Choáng váng, ngất xỉu; Tiểu lắt nhắt, nước tiểu có màu sẫm; Đau đầu, đau bụng; Xuất huyết âm đạo; Nôn ra máu;... thì cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời.

Ngoài việc nhiều mẹ khó chịu khi ngửi mùi nước hoa thì các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ bầu cần cẩn trọng khi sử dụng nước hoa. Một nghiên cứu cho thấy thai phụ dùng nước hoa có thể gây hại lâu dài cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Hợp chất phthalates trong nước hoa khi xâm nhập vào mạch máu sẽ có khả năng gây rối loạn hormone trong cơ thể của trẻ. Một nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản cũng cho thấy thai nhi và trẻ sơ sinh rất dễ chịu ảnh hưởng của các hóa chất có trong nước hoa.

 

Sau cuộc gặp bí mật với bố chồng tương lai trước ngày cưới, tôi hủy hôn dù đang có bầu
Trước ngày tổ chức đám cưới, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của bố chồng muốn hẹn gặp riêng để nói chuyện.

Tâm sự bà bầu

Theo Diệu Thuỳ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự bà bầu