Hồng Nhung đã từng phải trải qua cảm giác mang thai như ngồi trên đống lửa khi phát hiện hai vợ chồng cùng mang gen thiếu máu huyết tán Thalassemia.
Mang thai và làm mẹ ở tuổi 20, Hồng Nhung (quê ở Bình Dương) trải qua vô vàn những cảm xúc khó tả. Đã có lúc cô chết lặng trong bệnh viện vì được chẩn đoán mang gen bệnh có thể khiến đứa trẻ sinh ra phải sống trong bệnh tật. May mắn sau 9 tháng mang thai, cô đã hạ sinh một em bé lành lặn trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của toàn thể các thành viên trong gia đình.
Bế con trên tay tận hưởng niềm hạnh phúc ở tuổi 20, vợ chồng Hồng Nhung lại rưng rưng nhớ lại những vất vả nắng mưa miệt mài lặn lội khắp các bệnh viện để tìm câu trả lời thích đáng cho dấu hiệu bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia.
Cô kể, hai vợ chồng kết hôn ở độ tuổi còn khá trẻ, ngày mới phát hiện có bầu bản thân cảm thấy vô cùng lo lắng do trước đó chưa trang bị kiến thức thai kỳ cũng như tâm lý làm mẹ. Ngày đó, Nhung chỉ nặng vỏn vẹn 36kg, thời gian đầu mang bầu cô không gặp bất cứ khó khăn gì, dù người nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn, thậm chí không ốm nghén mà vẫn đi làm bình thường như trước khi có tin vui
Bé con của chị may mắn chào đời lành lặn và không bị ảnh hưởng bởi gen tan máu bẩm sinh của ba mẹ.
Tuy nhiên, chỉ đến tuần thai thứ 12 cô mới chính thức gặp biến cố trong một lần tiến hành siêu âm đo độ mờ da gáy, khảo sát bất thường nhiễm sắc thể và được bác sĩ cho biết bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, dấu hiệu của bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia – một bệnh thiếu máu tán huyết do gen di truyền gây bệnh.
Nhung chia sẻ: “Vừa có kết quả xong bác sĩ nói nếu chồng mình bị thì sẽ tiến hành hóa xét nghiệm nước ối để chẩn đoán dị tật cho thai nhi. Tâm trạng mình lúc đó khủng hoảng vì nếu chồng bị có thể mình phải chấm dứt thai kỳ. Có may mắn sinh ra được thì con phải truyền máu, thải sắt định kỳ để duy trì sự sống, tốn rất nhiều chi phí. Về nhà nói chồng đến làm xét nghiệm, kết quả là ba bé cũng mang gen bệnh giống mình. Để chắc chắn, bác sĩ khuyên 2 vợ chồng đến bệnh viện huyết học để xét nghiệm điện di huyết sắc tố chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố Thalassemia”.
Hoang mang tột độ nhưng sau những lúc yếu đuối Nhung lại đứng dậy và trấn an bản thân bình tĩnh để đi tìm câu trả lời thuyết phục nhất, cô cùng chồng đi rất nhiều bệnh viện để xin được xét nghiệm máu, mỗi lần nhận kết quả cô lại khóc òa trước cổng bệnh viện.
“Mình vét hết tiền tiết kiệm, bán hết vàng cưới để 2 vợ chồng đến các bệnh viện cho bác sĩ chuẩn đoán lại. Lúc đó cũng 22 tuần rồi, bác sĩ có siêu âm 4D và chụp ảnh của bé đưa cho bố mẹ xem. Nhìn hình ảnh con có mặt mũi tay chân thế này rồi làm sao mình có thể đành lòng bỏ con. May mắn kết quả xét nghiệm cho thấy 2 vợ chồng cùng mang gen Thalassemia nhưng khác thể và con không bị ảnh hưởng, lúc này vợ chồng mình mới thở phào nhẹ nhõm” – Nhung kể lại.
Nhờ có bố mẹ làm thợ ảnh nên em bé được lưu lại những khoảnh khắc vô cùng dễ thương.
Trút bỏ được những băn khoăn về tình trạng thiếu máu huyết tán Thalassemia. Nhung quay trở lại tập trung chăm sóc sức khỏe, mỗi ngày cô uống 1 lít sữa tươi không đường, đều đặn bổ sung sắt, canxi và vitamin tổng hợp, đặc biệt cả thai kỳ cô ăn hơn 20kg sầu riêng. Bồi bổ nhiều là vậy nhưng suốt 9 tháng mang thai Nhung chỉ tăng vỏn vẹn vài cân. Mẹ nhỏ con, nhìn từ phía sau lưng ít người biết là cô đang mang thai.
Mang bầu đến tuần 36 Nhung bắt đầu nghỉ làm ở nhà chờ ngày “vượt cạn”, thời gian này do thai nhi to chèn lên thận phải khiến cơ thể đau nhức, mọi sinh hoạt của mẹ bầu cũng trở nên khó khăn hơn, cô kể: “Em bé hấp thụ tốt nên con khá to, những tuần cuối thai kỳ con chèn lên thận phải khiến cơ thể mẹ đau nhức không đi lại được mà chỉ nằm một chỗ, muốn di chuyển lại phải nhờ chồng dìu hoặc đẩy đi bằng xe lăn”.
Thai kỳ bước vào những ngày cuối của tuần 38 Nhung cảm nhận rõ những bất ổn xảy ra trong cơ thể, cô chủ động nhập viện khám và nằm theo dõi. Kết quả thăm khám cho thấy sản phụ bị thiểu ối, tuy nhiên em bé chưa quay đầu nên bác sĩ chỉ định mổ gấp, tránh những nguy cơ không đáng có xảy ra.
Biết tình trạng bản thân đang mang thai lại thiếu máu ngày càng nặng, có thể sẽ phải truyền nhiều máu trong và sau ca mổ. Trước khi sinh Nhung cùng chồng liên hệ khắp bệnh viện để chuẩn bị máu phòng trường hợp xấu nhất.
Ngày mang bầu dù mẹ chỉ tăng 6kg nhưng nhờ hấp thu tốt con vẫn đảm bảo đầy đủ các chỉ số phát triển của thai nhi và lọt lòng 3,1kg.
Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn ca mổ lấy thai của Hồng Nhung diễn ra thành công. Em bé chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng cô và toàn bộ những người có mặt tại ca mổ. Nhớ lại thời khắc thiêng liêng đó, mẹ Bình Dương xúc động nói: “Nằm trên bàn mổ nghe thấy tiếng khóc của con mình rưng rưng niềm hạnh phúc. Mẹ lên bàn mổ vỏn vẹn 42kg, tức là suốt thai kỳ chỉ tăng 6kg, khi thấy em bé lọt lòng nặng 3,1kg cả kíp mổ ai cũng hết hồn, không nghĩ con lại to như vậy. Các bác sĩ liên tục khen mẹ giỏi quá!”.
Chăm con nhỏ tuy vất vả, nhiều lúc Nhung không được giấc ngủ ngon, không kịp chải tóc nhưng nhìn thấy con, được ôm con vào lòng vợ chồng trẻ cũng quên hết mệt nhọc. Cuối cùng, sau bao tháng ngày vất vả rong ruổi đi khắp các bệnh viện xét nghiệm gen bệnh để tìm sự an toàn cho cả gia đình, đôi vợ chồng trẻ đã được đền đáp xứng đáng, con lành lặn, khỏe mạnh là món quà vô giá dành cho bố mẹ.
Vượt qua cơn nguy kịch do thiếu máu nặng của bản thân, mẹ Bình Dương khuyên các mẹ nên tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán tiền hôn nhân để tránh được những nguy cơ xấu không mong muốn có thể xảy ra. Nếu trong thai kỳ các mẹ không may sức khỏe gặp vấn đề thì hãy bình tĩnh đến bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và phát hiện bất thường, từ đó có hướng xử trí phù hợp, an toàn cho mẹ và con.