Mẹ Cần Thơ bầu song thai nhập viện, bác sĩ khám xong liền đẩy ngay vào phòng cấp cứu

Ngày 16/10/2019 13:32 PM (GMT+7)

Ngay khi vừa xác định tình trạng của sản phụ, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy thai trong vòng 5 phút. Nếu chậm trễ hơn, tính mạng của hai bé đã bị đe dọa.

Theo thông tin từ bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, hôm qua (ngày 15/10), khoa cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận sản phụ Nguyễn Minh Ng. (33 tuổi, ngụ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đang mang thai đôi, được người nhà đưa vào cấp cứu với tình trạng vỡ ối. Người bệnh nhanh chóng được các bác sĩ thăm khám, kết quả chẩn đoán cho thấy, sản phụ chuyển dạ, con lần 2, song thai, thai 33 tuần 3 ngày ối vỡ sớm.

Đặc biệt, khi kiểm tra "vùng kín" sản phụ, các bác sĩ phát hiện một đoạn dây rốn dài đã sa hẳn ra ngoài. Ngay lập tức, sản phụ được chuyển lên phòng mổ cấp cứu theo quy trình báo động đỏ nội viện. Phòng mổ chuẩn bị sẵn sàng cùng trưởng tua trực BS.CKII. Phạm Thị Linh – Trưởng khoa Hậu sản có mặt hội chẩn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BS.CKII. Quách Hoàng Bảy – Phó Giám đốc bệnh viện, cả ekip trực đã rất khẩn trương mỗi người một việc, đặt sản phụ nằm đầu thấp, kê cao mông, đồng thời xử trí theo đúng phác đồ của trường hợp sa dây rốn và tiến hành chuyển mổ cấp cứu.

Mẹ Cần Thơ bầu song thai nhập viện, bác sĩ khám xong liền đẩy ngay vào phòng cấp cứu - 1

Sản phụ Ng. đang được chăm sóc tại BVPS TP Cần Thơ.

Các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi – sơ sinh, gây mê hồi sức được huy động, phối hợp nhịp nhàng thực hiện phẫu thuật.  Chỉ sau thời gian 05 phút, kể từ khi bệnh nhân đến khám tới khi em bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của tập thể y bác sĩ và gia đình sản phụ, 02 bé trai chào đời với cân nặng lần lượt là 2300 gram và 1900 gram.

BS.CKII. Phạm Thị Linh – Trưởng khoa Hậu sản cho biết: "Đây là trường hợp cấp cứu tối cấp, sản phụ bị sa dây rốn tới 20cm ra ngoài âm hộ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong cho bé rất cao do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông, hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do chèn ép các mạch máu dây rốn. Trung bình, cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca mắc sa dây rốn". 

Mẹ Cần Thơ bầu song thai nhập viện, bác sĩ khám xong liền đẩy ngay vào phòng cấp cứu - 2

Hai bé song sinh chào đời an toàn sau ca cấp cứu thần tốc của bác sĩ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn do mẹ (sinh đẻ nhiều lần); thai (ngôi thai bất thường); phần phụ (đa ối...); bấm ối khi ngôi còn cao lỏng... Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tai biến này, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa uy tín để bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ để cảnh báo cũng như tư vấn chọn nơi sinh an toàn.

Sa dây rốn là tình trạng dây rốn sa xuống qua cổ tử cung vào trong ống sinh trước em bé, điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu. Theo thống kê thì cứ 300 trẻ chào đời sẽ có 1 ca mắc sa dây rốn.
Tình trạng sa dây rốn thường xuất hiện ở quá trình chuyển dạ nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ khi bé bắt đầu di chuyển nhiều hơn.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, trong thời gian mang thai và chuyển dạ nhiều bé bị sa dây rốn nhưng ở mức độ nhẹ và ít gây hại nhiều. Tuy nhiên cũng có những những trường hợp sa dây rốn trở nên nghiêm trọng và kéo dài gây nguy hiểm cho thai nhi.
Nếu mẹ bầu nằm trong nhóm những người có nguy cơ mắc sa dây rốn thì nên thăm khám và theo dõi thai định kỳ, nhất là sau tuần thứ 38 nên thường xuyên đến bệnh viện hoặc lưu trú tại bệnh viện để được xử lý kịp thời khi có chuyển dạ.


 

Minh An - Ảnh: BVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ