Nằm trong phòng mổ, chị Ngọc cảm thấy hoảng sợ khi nghe các bác sĩ liên tục hối nhau lấy điện thoại chụp ảnh.
Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày “lâm bồn, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (29 tuổi) ở Vĩnh Phúc vẫn nhớ y nguyên những lời hối thúc nhau lấy điện thoại chụp lại cảnh em bé chào đời của các bác sĩ trong kíp mổ. Đó là một ca mổ song thai đặc biệt không chỉ với chị mà còn với tất cả y bác sĩ của bệnh viện, một trong hai em bé của gia đình chị Ngọc chào đời vô cùng kỳ diệu trong tình trạng còn nằm nguyên trong bọc ối. Đặc biệt, bọc ối của bé có hình trái tim vô cùng hiếm gặp.
Hai em bé Su và Kem là thành quả ngọt ngào của gia đình chị Bích Ngọc.
Một lần chuyển phôi thất bại, chồng ngăn vợ "đừng làm nữa"
Chị Ngọc chia sẻ, chị và ông xã kết hôn năm 2013, không lâu sau ngày lên xe hoa chị hạnh phúc đón tin vui khi sinh được một bé gái rất kháu khỉnh. Sau khoảng thời gian 4 năm nuôi con nhỏ, vợ chồng chị tiếp tục có kế hoạch sinh bé thứ 2 nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như mong muốn.
Tại bệnh viện chị được chẩn đoán vòi trứng bị thông hạn chế. Chị nói: “Bác sĩ không kết luận tình trạng của mình là vô sinh, vẫn có thể có thai tự nhiên tuy nhiên tỷ lệ chỉ 50/50. Để tăng hiệu quả thụ thai bác sĩ đã đưa ra một số giải pháp can thiệp y khoa như thụ tinh nhân tạo (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau nhiều giờ cân nhắc, vợ chồng mình quyết định tìm con bằng phương pháp IVF”.
Ngày đầu tiên đi khám cũng chính là ngày kích trứng đầu tiên, chị Ngọc cảm nhận cảm giác từng mũi kim tiêm chọc vào bụng đau buốt. May mắn quá trình hút noãn, tạo và chuyển phôi của chị diễn ra thuận lợi.
Các con đã cùng mẹ trải qua một thai kỳ hành trình vượt cạn vô cùng đáng nhớ.
Chị Ngọc nhớ lại: “Chuyển phôi về mình kiêng kỹ lắm, chỉ ăn, nằm rồi dậy đi vệ sinh. Thế nhưng may mắn lại không đến với mình. Sau 9 ngày chuyển phôi mình mang que ra thử nhưng buồn thay chỉ có một vạch làm mình khóc hết nước mắt suốt một đêm dài. Kết quả xét nghiệm beta cũng cho thấy quá trình thụ thai thất bại. Lúc đó mình suy sụp nhiều nhưng may mắn có anh xã rất tâm lý. Anh luôn ở bên động viên và đưa vợ đi chơi để tinh thần được thoải mái.
Ngày chuyển phôi lần hai, anh đẩy vợ trên chiếc xe lăn của bệnh viện, nhìn ánh mắt ấy mình cảm nhận được tình yêu anh dành cho vợ lớn lao biết nhường nào. Không ít lần vì lo chết mất vợ nên anh ngăn đừng chuyển phôi nữa, thế nhưng mình vẫn cứ cố thuyết phục chồng để được chuyển thêm lần nữa”.
Ở lần thứ hai chuyển phôi chị Ngọc không kiêng khem quá nhiều như lần đầu. Sau 9 ngày chị thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, xuất hiện máu báo. Đem que thử thai ra để kiểm tra, hình ảnh hai vạch đỏ hiện lên rõ nét khiến chị vỡ òa trong hạnh phúc. Sau ngày thứ 18 kết quả siêu âm cho thấy 2 em bé đã vào tổ an toàn.
Sinh xong được bác sĩ gửi cho hình ảnh “hiếm gặp”
Thai kỳ nhẹ nhàng trôi qua, chị Ngọc vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường, tuy nhiên đến tuần thứ 33 chị bất ngờ bị sẩn ngứa kèm theo nhiều dấu hiệu khó chịu muốn mổ chủ động càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bác sĩ tư vấn giữ thêm để thai già dặn, chị Ngọc được mổ bắt em bé khi bước sang ngày thứ 2 của tuần 37, các con Su và Kem lần lượt chào đời với cân nặng 3kg và 2,9kg.
Giờ đây khi đã trải qua cuộc “vượt cạn” được 6 tháng, mẹ Vĩnh Phúc vẫn nhớ như in cảm xúc thời điểm nằm trên bàn mổ, chị kể: “Khi ở trong phòng mổ thực sự mình vừa sợ vừa lo lắng cho đến khi nghe được tiếng khóc chào đời của bé chị. Nghe thấy tiếng con khóc mình bớt lo phần nào. Khi đó tim mình vẫn đập nhanh vì hồi hộp chờ đợi em bé còn lại chào đời. Đột nhiên mình cảm thấy lo lắng khi nghe các bác sĩ liên tục hối nhau lấy điện thoại chụp ảnh.
Mình không hiểu chuyện gì đang xảy ra chỉ thấy mọi người xì xào "cái chân này chụp đi đáng yêu quá...". Thật sự lúc đó mình hoang mang lắm vì chưa thấy con khóc chào đời mà lại bảo chân chân gì đấy. Rồi các bác trong kíp mổ ai ai cũng bảo: “Ôi chụp đi, chụp đi, đáng yêu quá”, chỉ mỗi mình là không biết chuyện gì đang xảy ra. Và sau 2 phút mình đã được nghe tiếng khóc chào đời của em bé còn lại. Lúc đó mẹ mới thở phào nhẹ nhõm”.
Em bé thứ hai (tức bé Kem) chào đời một cách rất đặc biệt, con nằm nguyên trong bọc điều hình trái tim.
Sau khoảng thời gian gần 4 giờ đồng hồ nằm trong phòng hồi sức chị Ngọc được về phòng với con. Lúc này chị được bác sĩ gửi những hình ảnh đáng yêu của cô bé Kem cùng những lời chúc mừng gia đình. Đôi vợ chồng trẻ cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc vì không nghĩ con mình sinh ra vẫn nguyên trong bọc ối và đặc biệt hơn là đọc điều hình trái tim.
“Lần đầu tiên mình được nhìn thấy e bé trong bọc điều mà lại còn hình trái tim nữa. Chồng mình và những người thân ai cũng rất vui mừng và không khỏi ngạc nhiên. Vì đây cũng là lần đầu tiên trong đời mọi người được thấy em bé trong bọc ối trái tim” – mẹ 9X xúc động.
Sự ra đời của con khiến các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên vì sinh con trong bọc ối hình trái tim không phải là trường hợp phổ biến.
Chia sẻ về ca sinh mổ cho sản phụ Ngọc, bác sĩ Đỗ Tiến Dũng – Bệnh viện Bưu Điện cũng là người thực hiện ca sinh mổ này cho biết, đây là lần đầu tiên anh gặp trường hợp hiếm gặp trong sản khoa này nên đã nhờ người chụp ảnh lại sau đó. Bên cạnh đó, đây cũng là trường hợp đặc biệt vì bọc ối của 2 bé song sinh nhà chị Ngọc có cấu tạo dai hơn bình thường.
“Trước đó, sản phụ bị ngứa thai kỳ toàn thân. Gia đình đã đề nghị mổ lấy thai từ tuần 35 nhưng chúng tôi đã động viên kéo dài thời gian hết mức có thể để các em bé phát triển ổn định hơn. Khi được 37 tuần, mẹ bé vào phòng sinh. Hai bé sinh ra còn nguyên bọc ối là trường hợp khá hiếm gặp trong sản khoa khoảng 80 nghìn ca mới có một”, bác sĩ Dũng cho hay.
Giờ đây 2 em bé Su và Kem đã tròn 6 tháng, các con rất xinh xắn và đáng yêu, là thành quả ngọt ngào của quá trình bố mẹ vất vả nhiều năm tháng đi “tìm con”. Dẫu chặng đường chăm sóc và nuôi dạy cùng lúc 2 bé nhỏ sẽ gặp vất vả, nhưng bằng tình yêu vô bờ bến của gia đình và những người thương yêu chắc chắn chị Ngọc và các con sẽ vượt qua.
Hình ảnh bé Kem khi sinh ra còn nguyên trong bọc điều hình trái tim và thời điểm hiện tại khi đã 6 tháng tuổi.