Sáng sớm thấy mưa gió, sấm chớp đùng đoàng, lo sợ vợ bầu đi dưới trời mưa nguy hiểm nên tôi dắt xe ra cổng rồi giục vợ: “Lên đi anh đèo hai mẹ con đi làm cho an toàn”. Thế nhưng sự quan tâm của tôi đáp lại bằng cái nhăn trán khó hiểu.
Từ lúc cấn bầu cho đến khi mang thai 7 tháng, vợ tôi đều tự đi xe máy đi làm. Quãng đường đến công ty cách nhà 10km trải qua vài đoạn khá tắc, nên lần nào đi làm về cô ấy cũng nhăn nhó, khó chịu. Hiểu được cảnh mỗi sáng, mỗi chiều phải len lỏi giữa dòng người đông đúc, chen lấn để đi làm cho kịp giờ, đi về còn kịp nấu cơm tối nên nhiều lần tôi đề nghị chở vợ đi làm mà cô ấy không chịu. Vợ thường cáu kỉnh bảo “mất thời gian”, “ở nhà mà sửa xe cho khách”, “anh rảnh quá à”… khiến tôi cụt cả hứng.
Trước đây tôi làm ở một trung tâm bảo hành của một hãng xe lớn, nhưng từ khi nghỉ việc tôi mở xưởng sửa xe tại nhà. Công việc túc tắc thu nhập hơn cả khi đi làm, lại có thời gian cho gia đình. Thế nhưng nói thật, nhiều lúc tôi cảm thấy vợ hơi ái ngại vì nghề nghiệp của chồng. Cô ấy chê lúc nào chân tay tôi cũng bẩn thỉu, đầy dầu mỡ, người toàn mùi khói. Đôi lần vợ khuyên tôi nên ứng tuyển vào một công ty nào đó để làm kỹ sư cho “sướng thân”. Thế nhưng lâu không đi làm ở công ty, tôi thấy gò bó không quen. Công việc tại nhà vẫn đang kiếm ra thu nhập rất tốt, tại sao tôi phải nghỉ để đi làm thuê cho người khác.
Sợ vợ bầu đi xe máy trong thời tiết mưa to không an toàn, tôi đề nghị chở vợ đi làm. (Ảnh minh họa)
Sáng nay, đúng lúc vợ chuẩn bị đi làm tôi thấy trời mưa to gió lớn, từng đợt trút xuống ào ào, rồi sấm chớp liên hồi. Tôi bảo vợ: “Hay xin nghỉ ngày hôm nay, chứ em đi lại anh sợ nguy hiểm quá”. Đột nhiên vợ tức tối nói lớn: “Anh có đi làm đâu mà biết, anh tưởng nghỉ mà dễ đấy à, thời buổi công việc khó khăn”.
Sáng sớm nên tôi chẳng muốn tranh cãi, thấy cô ấy quyết đi làm tôi dắt xe ra cổng đứng đợi. Mưa mỗi lúc một dày, tôi khoác vội áo mưa, đội mũ rồi bảo vợ lên xe anh đèo đi làm. Tôi dặn dò chiều về cứ để tôi đến đón. Thế nhưng suốt cả quãng đường cô ấy chẳng thèm nói câu nào khiến tôi cũng không hiểu việc mình đèo vợ đi làm thì có tội tình gì mà làm vợ giận dỗi.
Đến công ty, cô ấy kêu tôi cứ đỗ xa xa 1 đoạn, cô ấy tự đi bộ được. Nhưng tôi nghĩ chẳng việc gì phải thế nên phóng tít cạnh cổng chính mới dừng lại. Thấy thế vợ gào lên: “Đã bảo không cần rồi, đứng ở đây bao nhiêu người nhìn vào”. Vợ tôi xuống xe rồi đi một mạch chẳng kịp nói năng với chồng câu nào.
Tôi nhìn vợ đi vào công ty, nổ máy xe định đi về mới chợt nghĩ ra đồ ăn sáng và ăn vặt của cô ấy vẫn còn trong cốp. Tôi gọi điện thì thấy điện thoại vợ cũng bỏ quên luôn trong túi đồ lỉnh kỉnh đi kèm. Chẳng biết gọi thế nào để cô ấy xuống lấy đồ ăn, tôi đành đi về cho kịp giờ mở xưởng.
Về nhà, tôi bỏ đồ ăn của vợ vào tủ lạnh, tiện lấy điện thoại cất đi cho cô ấy. Đúng lúc mở lên, điện thoại hiển thị hàng tá tin nhắn của cô ấy với đồng nghiệp. Tôi tò mò mở ra liền đọc được rất nhiều điều vợ than thở về gia đình.
Hóa ra, vợ không muốn tôi chở đi làm chỉ vì thấy xấu hổ với nhiều đồng nghiệp cùng phòng. Phòng cô ấy nếu không đi ô tô đi làm, thì cũng đi xe máy xịn. Chẳng ai như nhà tôi cả chồng lẫn vợ đều kì cạch đi con xe cũ rích. Vợ tôi bảo với đồng nghiệp “tự cảm thấy xấu hổ vì chồng làm công việc kém cỏi” nên chẳng bao giờ muốn tôi xuất hiện ở gần công ty.
Tôi sững người, hóa ra lý do vợ không cho tôi đưa đón là vì thế này. Chắc cô ấy chê tôi lúc nào ăn mặc cũng xuề xòa, tay chân lấm bẩn, lại đi con xe cọc cạch nên ngại với đồng nghiệp. Tôi tự ái một chút nhưng cũng gợn lên trong lòng suy nghĩ “lẽ nào làm một người đàn ông có trách nhiệm thôi chưa đủ, còn phải thơm tho sạch sẽ để vợ khoe với mọi người hay sao?”. Dù giận, nhưng tôi nghĩ mình cũng nên xem lại bản thân bởi lâu nay vì bận rộn, suy nghĩ đơn giản mà bỏ quên cảm xúc của cô ấy. Tuy nhiên, việc tôi không để vợ bầu đi xe máy giữa trời mưa đi làm thì có gì sai đâu cơ chứ mà cô ấy không hiểu cho tôi...
Mẹ bầu đi xe máy nhiều có ảnh hưởng gì không?
Xe máy là phương tiện giao thông được sử dụng nhiều bởi tính tiện lợi, dễ di chuyển. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai nên hạn chế di chuyển nhiều bằng xe máy, bởi khi thai nhi lớn dần và bụng mẹ bầu cũng to nên làm cho việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn, dễ bị ngã và xảy ra các tai nạn liên quan. Di chuyển bằng xe máy trong thời gian mang thai có thể gặp phải các nguy cơ như sau:
Sự thay đổi các hormone nội tiết tố trong thai kỳ làm cho các mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ốm nghén... và dẫn đến tình trạng khó chịu khi lái xe. Đa số các trường hợp mẹ bầu trong giai đoạn thai nghén đều cần hạn chế lái xe để tránh ảnh hưởng đến thai nhi;
Mẹ bầu đi xe máy dễ bị mất thăng bằng và ngã do bụng to và phản ứng chậm hơn so với bình thường;
Nhiều đoạn đường nhỏ, lồi lõm làm cho bà bầu đi xe máy bị xóc và gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi;
Đa số xe máy đều rất nặng nên việc di chuyển, dắt xe và đỗ xe sẽ rất khó khăn cho phụ nữ đang mang thai.
Thông thường, phụ nữ có thai đang trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên) có nguy cơ gặp rủi ro khi đi xe máy ít hơn so với giai đoạn sau của thai kỳ. Bởi vì ở giai đoạn cuối, thai nhi lớn dần lên, bụng mẹ bầu to hơn và cơ thể cũng trở nên nặng nề, kém linh hoạt và dễ xảy ra va chạm. Những va chạm dù nhẹ nhưng cũng làm tâm lý mẹ bị kích động và có thể dẫn đến sinh non. Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử động thai, sảy thai hay các biến chứng như nhau tiền đạo, bong non... thì cần hạn chế di chuyển bằng xe máy.