Kể từ khi mùa nồm bắt đầu, không hôm nào tôi không phải làm osin phục dịch vợ, từ nấu cơm, dọn nhà, rửa bát đến cả rót nước hay lấy hoa quả vợ cũng không chịu nhúc nhích đi xuống bếp.
Chuyện là vợ tôi đã mang thai 3 tháng, bác sĩ cũng dặn dò di chuyển phải cẩn thận, tránh đi nhanh hay vấp ngã vì có thể ảnh hưởng không tốt đến mẹ và bé. Thế nên kể từ trước Tết, khi mà thời tiết nồm ẩm bắt đầu, vợ tôi chơi ngay chiêu chỉ nằm trên giường hoặc di chuyển trong khu vực phòng ngủ, mọi việc tôi sẽ phải phục vụ đầy đủ.
Thời tiết nồm ẩm, vợ tôi chơi ngay chiêu chỉ nằm trên giường hoặc di chuyển trong khu vực phòng ngủ, mọi việc tôi sẽ phục vụ đầy đủ. (Ảnh minh họa)
Nói thêm một chút, chúng tôi hiện đang ở căn hộ 3 tầng của bố mẹ tôi, ông bà nghỉ hưu nên chuyển về quê xây nhà dưỡng già. Vì căn nhà đã xây từ lâu nên cũng cũ kỹ, mà lại là nhà đất nên thời tiết mấy hôm rồi từ tường đến sàn đều nhớp nháp. Nguyên tầng 1 lúc nào cũng ướt như vừa dội nước, dù tôi cố gắng chịu khó lau khô cũng không ăn thua.
Vợ tôi phần vì có bầu khó chịu, mệt mỏi, phần vì sợ đi lại trượt ngã, nên lập tức bảo: “Em đã đổi mấy đôi dép rồi nhưng vẫn không yên tâm đâu, tốt nhất anh lo việc nhà đi, em nghỉ ngơi ở trong phòng, lỡ có trượt ngã lại khổ cả mẹ lẫn con”.
Thế là kể từ hôm đó, cô ấy ở riết trong phòng nằm khểnh lên xem phim. Đi làm về, vợ một mạch đi thẳng lên tầng 2, chẳng cần biết tôi ở dưới xoay sở thế nào với việc cơm nước, dọn dẹp. Đến giờ, cô ấy gọi lớn: “Có cơm chưa chồng, vợ đói”, hoặc “đói rồi chồng ơi” là tôi tự khắc biết đường bê mâm cơm lên.
Ăn xong, vợ tôi đi lại vài bước trong phòng rồi lại nằm nghỉ. Tôi lại cun cút bê bát đũa đi rửa, chưa xong việc vợ đã “ra lệnh”: “Mang thêm hoa quả lên chồng ơi”. Mang được rổ táo lên thì vợ lại kêu: “Chồng xuống lấy nước ấm đi”. Có lúc, đang lúi húi lau bếp, tôi lại phải rửa tay chạy lên vì vợ vào nhà vệ sinh quên mang quần áo, quên khăn tắm hoặc cái điều khiển… “chẳng hiểu sao bấm mãi không được thế này”. Bởi vậy mà hôm nào tôi cũng phải quần quật đến gần 9 giờ tối mới được đi tắm rửa. Vồi leo lên giường ngủ thì vợ lại bài ca “đau lưng, mỏi chân” bắt tôi đấm bóp.
Tôi nuốt cục tức trong bụng không dám hé răng than lấy nửa lời, chỉ mong trời nồm chóng hết, gió lạnh ùa về, căn nhà khô ráo để vợ không tiếp tục “củ hành” tôi bằng mấy cái lý do chính đáng ấy nữa. Thế nhưng không, tôi đã nhầm. Dù nồm hay không nồm thì vợ tôi vẫn thế cả thôi, mấy hôm căn nhà khô ráo sạch bong, cô ấy vẫn chẳng mảy may đặt chân xuống tầng 1 làm gì.
Nhiều khi tôi an ủi, vợ cũng chỉ có thời gian mang thai được quyền yêu cầu, chiều chuộng hơn một chút. (Ảnh minh họa)
Nhiều khi tôi an ủi, vợ cũng chỉ có thời gian mang thai được quyền yêu cầu, chiều chuộng hơn một chút, sau này khi con sinh ra đời, cô ấy lại bận túi bụi với bỉm sữa, những việc này tôi là đàn ông, cũng nên san sẻ đôi chút. Tôi không ngại các việc nấu nướng, dọn dẹp cho vợ, nhưng nếu tinh tế, những việc nhỏ nhặt thay vì sai chồng, vợ tự làm được tôi sẽ biết ơn lắm rồi.
Mẹ bầu cần tránh bị ngã khi mang thai 3 tháng đầu
Để hạn chế tình trạng bị ngã khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu cần:
- Lựa chọn các loại giày, dép có đế bằng, thấp, đúng kích cỡ. Chọn các loại giày dép có độ ma sát lớn để tránh trơn trượt, nhất là vào mùa mưa.
- Khi đi lên xuống cầu thang cần bám vào tay vịn. mang thai tháng đầu bị ngã
- Khi đi vào nhà vệ sinh hoặc phòng tắm cần mở đèn sáng và chú ý bước chân, đi dép để tránh trơn trượt.
- Khi đi bộ cần đi chậm, trên vỉa hè hoặc sát lề đường, đi vào những đường bằng phẳng, đủ ánh sáng.
- Khi thấy hoa mắt, chóng mặt cần đứng lại và ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi, đồng thời gọi người đến trợ giúp. Không nên cố gắng bước đi tiếp.
- Không nên thay đổi tư thế đột ngột.
Tóm lại, khi bị ngã khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu cần theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân, nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào, mẹ bầu cũng cần nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.