Vừa lên chức bố được một tuần, cụ ông Ấn Độ đã phải nhập viện vì bất ngờ lên cơn đau tim.
Mặc dù các y bác sĩ luôn khuyến cáo những nguy cơ xấu có thể xảy ra với những cặp đôi có con muộn, tuy nhiên vì mong có người nối dõi, mong gia đình có tiếng khóc của con trẻ mà nhiều cặp vợ chồng dù đã ở tuổi “gần đất xa trời” vẫn quyết tâm thụ thai bằng được. Và để có được những đứa con, họ đã phải đánh đổi tiền bạc, thời gian và đặc biệt là sức lực của chính mình.
Thời gian vừa qua, câu chuyện sinh con của cặp đôi già U80 Ấn Độ được chia sẻ rộng rãi khắp các trang mạng xã hội trên toàn thế giới. Theo đó, bà Erramatti Mangayamma, 74 tuổi, đã được cho là người phụ nữ già nhất thế giới sinh con. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi bà vừa sinh đôi 2 con gái được 1 tuần thì người chồng bất ngờ phải nhập viện cấp cứu vì đau tim.
Hai bé gái chào đời từ người mẹ đã 74 tuổi.
Cặp đôi này đã phải chờ đợi suốt 60 năm để mong có một đứa con. Hai người kết hôn năm 1962 và vừa chào đón cặp song sinh bằng phương pháp đẻ mổ.
Bác sĩ Sanakayyala Umashankar, giám đốc bệnh viện Ahalya ở Kothapet cho biết ca phẫu thuật sinh mổ diễn ra suôn sẻ, cả bà mẹ và các bé đều khỏe mạnh và không có biến chứng gì. “Tuy nhiên, người mẹ đã được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt từ ngày sinh xong đến giời để giảm bớt căng thằng. Trường hợp sinh con này nằm trong những kỷ lục của thế giới”, bác sĩ Sanakayyala Umashankar nói.
Bà Erramatti khi mang bầu song thai.
Vài giờ sau khi ca sinh diễn ra, bố của cặp song sinh, ông Raja Rao, cho biết ông vô cùng vui mừng và tự hào vì là cha của 2 đứa trẻ. “Chúng tôi là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trên thế giới này!”
Tuy nhiên The Times cho biết ông đã ngã quỵ chỉ vài ngày sau đó và được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt của Viện dưỡng lão Ahalya ở Guntur, Andhra Pradesh. Hiện tại, cả 2 vợ chồng này đều phải được chăm sóc dưới sự hỗ trợ của các nhân viên y tế.
Cũng theo Mirror, cặp song sinh được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng hiến tặng (do bà Mangayamma đã mãn kinh cách đây 25 năm và không còn khả năng sản xuất trứng) và tinh trùng của ông Raja Rao.
Ông Raja Rao phải cấp cứu vì đau tim chỉ 1 tuần sau khi lên chức bố.
Bác sĩ Umashankar cho biết may mắn bà Erramatti đã thụ thai ngay trong lần IVF đầu tiên và được phát hiện có thai hồi tháng 1 vừa qua. Trong suốt thai kỳ, bà cũng luôn được các bác sĩ sản phụ khoa, tim mạch và chuyên gia dinh dưỡng theo dõi cẩn thận.
Dù ca sinh nở diễn ra thành công, các bác sĩ cũng luôn cảnh báo những nguy cơ xấu có thể xảy ra với sức khỏe của người mẹ này và không khuyến khích những phụ nữ đã qua độ tuổi sinh nở vẫn quyết mang bầu, sinh con.
Những rủi ro khó lường khi mang thai sau 50 tuổi Phụ nữ lớn tuổi khi có ý định sinh con cần biết trước những nguy cơ để chuẩn bị tâm lý, sức khỏe vượt qua bởi chắc chắn rằng quá trình mang thai, sinh nở sẽ vất vả hơn bình thường. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Những nguy cơ cho thai phụ: Nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo. Gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỉ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỉ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm. Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu Quá trình mang thai cũng dễ khiến các bệnh mãn tính đã mắc phải trước đó (nếu có) trở nên tăng nặng. Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Nguy cơ cho thai nhi: Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định. Đối với việc thụ thai thông thường, nguy cơ bé sinh ra chậm phát triển trí tuệ và vận động cao (do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng dễ bị dính vào nhau, gây các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…). Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên với phương pháp này, trứng được thụ tinh là trứng hiến tặng của người phụ nữ độ tuổi dưới 35, có chất lượng tốt không có nghĩa là con sinh ra chắc chắn khỏe mạnh. Trường hợp này, thai nhi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể, bằng tỷ lệ mắc của thai nhi có mẹ cùng độ tuổi của người cho trứng. Theo Bá Di (Người đưa tin) |