Nghe tin em trai bệnh, tôi cũng suy sụp mà có bao nhiêu tiền đã dồn hết lo cho mẹ trước đó, vợ lại mới sinh thành thử không biết xoay xở đằng nào. Bí quá, tôi về hỏi vợ số tiền thai sản, nói dối là để đầu tư làm ăn sinh lời, hứa sẽ trả lại sớm...
Thương vợ tôi quá, làm dâu mấy năm đều chăm lo vun vén cho nhà chồng chưa bao giờ tính toán, kể công gì cả. Cái gì cũng nghĩ cho anh em bên chồng trước còn mình thì sao cũng được.
Vợ tôi người nhỏ nhắn nhưng rất tháo vát, nhanh nhẹn, tính cô ấy hiền lành ai cũng quý. Hồi mới cưới vợ bảo:
“Em định kế hoạch mấy năm nữa, đi làm có tiền tiết kiệm rồi mới sinh con”.
Hai đứa đều còn trẻ nên tôi đồng ý với vợ chưa đẻ vội. Chúng tôi đi làm thuê lương tháng gộp vào hồi đó chỉ nhỉnh hơn 20 triệu một chút. Nhưng vợ rất biết tiết kiệm, thuê nhà cũng kiếm chỗ xa trung tâm, rẻ chút để đỡ tốn kém.
Vợ tôi người nhỏ nhắn nhưng rất tháo vát, nhanh nhẹn, tính cô ấy hiền lành ai cũng quý. (Ảnh minh họa)
Ăn uống hằng ngày thì vợ cũng căn cơ, dè sẻn, chưa bao giờ thấy cô ấy tiêu hoang phí một đồng nào. Có tháng cả tiền nhà, tiền điện, và chi tiêu sinh hoạt vợ gói gọn trong 6, 7 triệu đồng. Cuối năm giữ được hơn trăm triệu, hôm đi gửi tiết kiệm vợ vui lắm, còn bảo:
“Cố gắng mỗi năm gửi một ít anh ạ. Sau này không mua được nhà trên này thì mua ở quê”.
Vậy nhưng tiết kiệm được hơn trăm triệu thì mẹ tôi đổ bệnh, bà có tiền sử tim mạch nên càng ngày càng nặng, đi khám bác sĩ khuyên phải đặt máy hỗ trợ nhịp tim. Lúc đó nhà cũng không có tiền, em trai tôi lấy vợ quê nên hai đứa đều nghèo, ăn còn không đủ nói gì kiếm được cả trăm triệu cho mẹ chữa bệnh.
Vợ tôi không đắn đo suy nghĩ mà chuyển luôn số tiền tiết kiệm sang cho chồng:
“Anh cầm rồi đưa mẹ nhập viện mà đặt máy, chứ để lâu càng ngày càng nguy hiểm”.
Thời gian mẹ lên đây chữa bệnh, cô ấy cũng vào viện chăm sóc bà rất chu đáo. Tuy hai đứa sống trên này nhưng dưới quê có việc gì vợ đều về và góp công góp sức cùng vợ chồng em trai làm cho tươm tất.
Khi mọi thứ ổn định, chúng tôi mới quyết định thả để sinh con. Tuy nhiên thả mãi không có kết quả, sốt ruột đi khám mới phát hiện vợ tôi bị nội mạc tử cung quá dày dẫn tới khó thụ thai.
Đợt ấy vợ tôi buồn lắm, cô ấy sợ mẹ chồng biết tình trạng của con dâu sẽ suy nghĩ lại ngã bệnh thêm nên yêu cầu chồng giấu rồi cứ lặng lẽ một mình vào viện chữa. Biết công việc của chồng bận nên dù tôi sắp xếp để đưa vợ đi khám, cô ấy luôn từ chối:
“Em khỏe mạnh, tự đi lại được đâu cần phải người đưa đón cho mất công mất việc của anh”.
Không những vậy, vợ tôi còn tranh thủ nhận thêm việc về nhà làm đêm để kiếm tiền chi trả thuốc men, điều trị bệnh của mình. Cô ấy bảo:
“Lương của anh để lo nhiều việc lắm. Tiền chữa trị sinh con em sẽ lo, tránh không để ảnh hưởng quá tới tài chính chung của mình”.
Nhiều lúc tôi thấy vợ cứ tự tạo áp lực cho bản thân tôi thương nhưng khuyên thế nào cũng không được.
May mắn, điều trị hơn 1 năm thì vợ tôi cũng có bầu. Thai kỳ khỏe mạnh, cô ấy làm việc tới tận lúc sinh. Mẹ tôi yếu, còn bà ngoại mất rồi thành ra những ngày ở cữ của vợ tôi vất vả vô cùng.
Vợ tôi đi làm đóng bảo hiểm ở mức cũng khá nên lúc nhận tiền thai sản được 60 triệu đồng, cô ấy hí hửng bảo:
“Em tính rồi, em sẽ gửi 50 triệu tiết kiệm, còn 10 triệu bỉm sữa cho con tháng này”.
Khổ nỗi, vừa nhận tiền hôm trước thì em tôi đi khám dưới quê phát hiện bị K dạ dày giai đoạn sớm. Mặc dù biết bệnh nếu chữa trị sớm khả năng khỏi rất cao nhưng nhà chú ấy làm gì có tiền, trên quê cũng chỉ nuôi con lợn con gà bán được vài triệu thấm vào đâu nên chú ấy định buông tay kệ bệnh.
Nghe tin em trai bệnh, tôi cũng suy sụp mà có bao nhiêu tiền đã dồn hết lo cho mẹ trước đó, vợ lại mới sinh thành thử không biết xoay xở đằng nào. Bí quá, tôi về hỏi vợ số tiền thai sản, nói dối là để đầu tư làm ăn sinh lời, hứa sẽ trả lại sớm vì không muốn em phải lo cho bên nội nữa. Không ngờ cô ấy lại trả lời:
“Tiền đó em tiêu hết rồi”.
Bí quá, tôi về hỏi vợ số tiền thai sản, nói dối là để đầu tư làm ăn sinh lời, hứa sẽ trả lại sớm vì không muốn em phải lo cho bên nội nữa. (Ảnh minh họa)
Vợ nói làm tôi sốc ngang nhưng không dám thắc mắc vì dẫu sao đó cũng là tiền của vợ. Hơn nữa, trước nay có bao nhiêu tiền, vợ đều đưa tôi lo cho gia đình nên giờ cô ấy có tiêu chút tiền cho bản thân hay vì bất cứ việc gì cũng đều chính đáng. Tuy nhiên nhìn mặt tôi bần thần, vợ nắm tay cười:
“Thực ra tiền đó em đã chuyển cho vợ chú Hải để thím ấy đưa chồng đi chữa bệnh. Sức khỏe của chú ấy là quan trọng, mình có tiền phải giúp, còn người là sẽ còn kiếm ra của anh ạ. Việc quan trọng như thế mà anh lại giấu em”.
Những lời vợ nói làm tôi ứ nước mắt. Cô ấy quá tốt và tình cảm, chu toàn mọi thứ với người nhà chồng. Nghĩ đến vợ vừa thương vừa thấy may mắn vì mình đã lấy được người như cô ấy.
Tiền thai sản trong thời gian sinh con được tính như thế nào?
Đối với lao động nữ sinh con:
- Thời gian hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
- Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Ví dụ về trường hợp hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:
(VD1) Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng BHXH như sau:
- Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = ((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Và số tiền hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con của chị C = 5.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.
(VD2) Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng BHXH như sau:
- Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng BHXH với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng BHXH.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghĩ việc = ((7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2))/6 = 7.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.
Và số tiền mà chị D được hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con = 7.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 45.000.000 đồng.