Trên mâm cỗ Tết của các gia đình, những món ăn này thường xuất hiện như một nét văn hóa cổ truyền.
Bánh chưng
Bánh chưng là một món ăn truyền thống đã có từ thời xa xưa và đến nay nó vẫn được coi là biểu trưng cho ngày Tết. Món ăn tượng trưng cho sự hòa quyện của trời đất, là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta.
Để nấu được bánh ngon, vuông vắn thì bạn cần phải có chút kinh nghiệm và bàn tay khéo léo. Bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và được nấu trong nồi với thời gian khá lâu.
Dưa hành
Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt. Dưa hành thường được muối duy nhất một lần một năm vào dịp Tết. Dưa hành dùng ăn kèm với các món ăn khác sẽ không bị ngấy, đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Bánh tét
Bánh chưng, bánh tét ba miền đều có, mỗi miền là một nét khác biệt riêng. Vào ngày Tết nguyên đán, nếu miền Bắc chuộng món bánh chưng, có hình dáng vuông vức, miền Nam gọi tên bánh tét với hình trụ dài, nguyên liệu về cơ bản là giống nhau. Miền Trung cầu nối giữa 2 miền, do đó cả 2 món bánh tét và bánh chưng đều phổ biến.
Bánh tét thường được gói với nếp, đậu xanh, không có hoặc có ít thịt để có thể ăn sau Tết. Người dân còn có thể dùng lá chuối thay cho lá dong. Điều đặc biệt của bánh Tét trong món ngon ngày Tết của người miền Nam là sự đa dạng của món bánh này. Bánh Tét có bánh Tét mặn, ngọt, chay.
Thịt đông
Thịt nấu đông là một món ăn thơm ngon và hấp dẫn, thường là món ăn để đãi khách trong các dịp Tết. Thịt đông khi ăn có vị ngọt mềm, màu trong veo đẹp mắt, gia vị hoà quyện tạo nên một món ăn hài hoà.
Giò xào
Giò xào là món ăn truyền thống với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác như mộc nhĩ, hạt tiêu, muối… rồi gói và nén chặt. Bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam và hiện nay đã phổ biến khắp nước.
Thịt kho nước dừa (thịt kho Tàu)
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam rất phong phú và ít bị bó buộc bởi những nghi thức cổ truyền. Sự đa dạng trên mâm cỗ còn thể hiện sự phóng khoáng, hào sản của vùng đất và con người nơi đây.
Thịt kho tàu là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Món ăn này thường được chế biến vào dịp Tết một phần vì sự tiện lợi, có thể làm sẵn và để được khá lâu và tiện khi dùng bữa.
Thịt kho tàu hiểu đơn giản chính là thịt kho với hột vịt luộc và nước dừa. Tương tự như bánh Chưng bánh Dày/bánh Tét, thịt kho hột vịt cũng mang trong mình triết lý phương Đông với hình vuông, tròn tượng trưng cho đất trời, cha mẹ.
Canh bóng bì lợn
Canh bóng bì lợn hay còn gọi là canh bóng thả, là món ăn có trong mâm cỗ mỗi dịp Tết của người Hà Nội xưa. Vị thanh mát, ngọt dịu của nước dùng, kèm với thịt mọc béo thơm, bóng bì giòn sần sật, thơm lừng hương nấm và rau củ tạo nên hương vị trọn vẹn.
Thịt ngâm mắm
Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì món thịt ngâm mắm là cách muối thịt phổ biến nhất ở nhiều tỉnh miền Trung. Nguyên liệu có thể là thịt heo hoặc thịt bò đều được, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo một tỉ lệ nhất định. Món thịt này ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau sống, rau thơm.
Canh khổ qua
Món ngon ngày Tết trên mâm cỗ không chỉ dừng ở sự ngon miệng, mà còn là chất gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Điều đó có thể lý giải qua việc thức ăn được dùng chung trên mâm, người ăn tự gắp hoặc sẽ gắp thức ăn cho cha mẹ, ông bà và ngược lại. Thể hiện văn hóa cộng đồng, gia đình của người Việt Nam.
Theo quan niệm của người miền Nam, canh khổ qua là món ăn giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành, thuận lợi. Canh khổ qua được chế miến đơn giản với khổ qua nguyên trái, làm sạch ruột, nhân thịt heo xay nhuyễn hoặc chả cá, nấm mèo để nấu lên sẽ dai và thanh ngọt nước dùng.
Với nước canh thanh mát, có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, mướp đắng được hầm đến rục, mềm ngon, canh khổ qua mang đến một hương vị lạ trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam.
Nem rán
Món nem rán mang đến vị ngon và giòn rụm khiến nhiều người rất ưa thích. Món ăn không chỉ được sử dụng trong mâm cỗ ngày Tết mà còn được sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt.
Nem rán mang nhiều hương vị chua cay mặn ngọt với những nguyên liệu chính như thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, rau, giá nên được coi là món ăn tượng trưng cho “quốc hồn, quốc túy”.