5 món xưa chỉ nhà nghèo mới ăn, giờ thành đặc sản ai cũng thích mê

H.M - Ngày 29/12/2020 15:30 PM (GMT+7)

Những món ăn khi xưa chỉ dành cho nhà nghèo, nay trở thành món ăn vạn người mê.

Trong ẩm thực, có những món ăn bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân, vì thế chúng có thể kể lại cả những câu chuyện về cuộc sống của người dân lúc bấy giờ. Thời buổi nghèo khổ, thiếu ăn, người dân sáng tạo ra những món ăn độc đáo, vừa ngon, vừa tiết kiệm.

Những món ăn đó dần dà trở thành dấu ấn khó quên, truyền từ đời này sang đời khác, để đến hiện tại, chúng đã là một món đặc sản nhiều người thích thú.

Bì trâu xào rau muống

Thời bao cấp, bì trâu xào rau muống thực sự là một đặc sản chỉ nhà giàu mới có. Đến nay, món ăn này vẫn được ưa thích và xuất hiện nhiều trong các nhà hàng vì đơn giản, dễ làm, quan trọng nhất là hương vị thì không lẫn vào đâu được.

Bì trâu xào rau muống còn là đặc sản hút khách ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Bà con người Mường, người Thái sẽ hun khói da trâu vài tháng cho đến khi đen sì, cứng và khô lại. Khi muốn chế biến món ăn, họ đem da trâu thái nhỏ, ướp với các loại gia vị và thêm nguyên liệu phù hợp. 

Ngoài ra, người vùng cao còn khéo léo chế biến da trâu thành nhiều món ăn hấp dẫn. Người Thái có bí quyết làm da trâu rất giòn, có đủ vị thanh dịu, vị hăng của nước măng chua, vị bùi của lạc rang và vị cay của mắc khén.

Tóp mỡ

Tóp mỡ là món ăn làm từ mỡ lợn được rang lên đến khi khô kiệt mỡ. Khi còn nghèo khó, nhà nào có chút tóp mỡ, rưới ít mắm lên bát cơm nóng hổi đã là một bữa ăn ngon lành. Ngoài ra, tóp mỡ còn được rim với mắm hoặc đem sốt cà chua, xào cùng dưa chua cũng rất ngon.

5 món xưa chỉ nhà nghèo mới ăn, giờ thành đặc sản ai cũng thích mê - 1

Phải nói, tóp mỡ là món ăn ngon của người nghèo vì vừa có độ giòn, vừa béo ngậy, thơm ngon và đặc biệt dễ bảo quản. Ngoài ra, bữa ăn đạm bạc hằng ngày có thêm chút “đạm” từ tóp mỡ cũng thật quý! Tóp mỡ đem chưng với mắm tép hoặc mắm tôm rất dậy mùi và đưa cơm.

Thời gian gần đây, người Hà Nội đang “rộ” lên tìm mua tóp mỡ dù loại thực phẩm này có giá đắt gấp 4, gấp 5 lần so với thịt lợn. Tóp mỡ rim nước mắm đã trở thành món ăn kèm hoặc dùng để chấm rau luộc trong những mâm cơm cầu kỳ đãi khách.

Hoa chuối

Cây chuối là loại cây ăn quả hết sức quen thuộc ở khắp các vùng quê Việt Nam. Người nghèo lại càng ưa thích cây chuối hơn vì có thể sử dụng mọi bộ phận trên cây trong đời sống sinh hoạt. Quả chuối để ăn, thân chuối thái ra cho lợn, cho gà ăn, lá chuối để gói xôi, gói bánh, còn hoa chuối thì để làm nộm. Món nộm hoa chuối hiện giờ thông dụng là thế, nhưng nó lại bắt nguồn từ sự sáng tạo của những người dân nghèo.

Hoa chuối được coi là một trong những món ăn nhà nghèo khó quên. Hoa chuối đồng bằng có màu tím, được sinh ra để gắn với những món ăn bình dị mà không kém phần ngon miệng.

Ngày nay, phổ biến nhất phải kể tới nộm hoa chuối ở miền Bắc, còn miền Nam gọi là gỏi bắp chuối. Món nộm là sự tổng hòa của đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, với vị hơi chát của hoa chuối, hòa cùng cái giòn béo của tai heo, bùi ngậy của lạc, thanh mát của rau thơm. Ngoài ra, hoa chuối còn được tận dụng làm canh, bún bung, hầm chân giò… hoặc làm rau ăn kèm đều rất ngon.

Ngọn sắn muối

Thời bao cấp, sắn, ngô được trồng nhiều vô kể. Chính vì thiếu gạo cũng chẳng đủ rau, càng khan hiếm thịt nên người dân đã tận dụng ngọn sắn non đem muối chua. Món ăn này khá ngon, có chút ngái ngái, nồng nồng và vị chua thanh đậm đà.

5 món xưa chỉ nhà nghèo mới ăn, giờ thành đặc sản ai cũng thích mê - 2

Giờ đây, khi nhắc đến ngọn sắn muối, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ. Ngọn sắn sau khi hái về sẽ được ngâm qua cho bớt nhựa rồi vò nát, nhưng chú ý không để vụn rau.

Cách muối rau sắn tương tự cách muối dưa cải nhưng việc chế nước, chế muối để cho ngon thì đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo. Một số người kì công, hàng ngày còn bê vại rau sắn ra phơi nắng cho nhanh ngấu. Tầm 5 đến 7 ngày, rau sắn ngấm muối là ăn được.

Ngọn sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng các nguyên liệu như cá, chân giò, thịt hoặc lạc. Mỗi món ăn lại có hương vị đặc trưng riêng rất hấp dẫn.

Tép rang khế chua

Khi xưa, nhà nào chẳng có một vài cây khế chua trong sân vườn. Cây khế là loại cây bền bỉ, dễ tính, đất khô cằn vẫn phát triển, cho hoa cho quả sai trĩu cành. Thời buổi nghèo khó chẳng có rau thịt ăn, người dân đi làm đồng về bắt được ít tôm tép nhỏ, bèn xào với khế chua để bữa cơm thêm hương vị.

5 món xưa chỉ nhà nghèo mới ăn, giờ thành đặc sản ai cũng thích mê - 3

Ấy thế mà món tép rang khế chua lại hợp nhau lạ lùng. Tép đồng nhỏ mặn mặn rang với khế chua chua, ngọt ngọt, ăn rất đưa cơm. 

Ngày nay, món ăn vẫn rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, tép đồng không dễ kiếm như xưa nên khó để thưởng thức lại hương vị của quá khứ.

Lộc trời bốc mùi thối nồng nặc, mấy năm nay sốt bán kiếm tiền vèo vèo
2 thứ này có mùi thối đặc trưng, đứng cách cả mét vẫn ngửi thấy, thế nhưng nó là mặt hàng "sốt" trên thị trường và được nhiều người lùng mua về thưởng...
H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương