Sau chuyến du lịch Bạc Liêu, du khách nhất định phải mua những món đặc sản này về làm quà.
Mắm chua Vĩnh Hưng
Ở xứ Bạc Liêu, người ta vẫn thường hay nhắc về mắm chua Vĩnh Hưng như một món đặc sản không thể thiếu trong túi quà mang về. Để làm mắm chua, người ta thường chọn những con cá đồng loại nhỏ mới vừa bắt về. Mắm chua ngon là mắm chua được chế biến từ con cá rô hoặc cá sặc. Cá sau khi bắt về đem đi làm ruột, đánh vảy, cắt đầu rửa sạch để cho ráo nước rồi đem đi muối.
Mắm chua có ngon hay không sẽ phụ thuộc vào công đoạn ướp gia vị. Được biết, mỗi gia đình sẽ có cách ướp cá riêng cho ra hương vị mắm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung gia vị ướp thì không thể thiếu đường, muối, tiêu, tỏi, ớt và thính gạo rang. Mắm chua Vĩnh Hưng thành phẩm sẽ được dùng trong bữa cơm hằng ngày. Ngon nhất là đem đi ăn kèm với thịt luộc, dưa leo, rau sống.
Rượu long nhãn
Nhắc tới một món đặc sản Bạc Liêu mua về làm quà cho các bố, các anh thì phải nhắc ngay đến “rượu long nhãn”. Đây là một loại rượu được làm từ long nhãn khô, rượu nếp, và một số vị thuốc bắc như hạt kỳ tử, bạch truật, cây dương quy, hạt đậu đen, sau đó đem đi ủ đến khi đạt chất lượng nhất.
Rượu long nhãn có hương thơm từ long nhãn, mùi vị ngọt ngọt, khi uống sẽ cảm nhận độ nồng ấm, dễ uống. Không chỉ các bố các bác mà chị em phụ nữ cũng có thể nhâm nhi món rượu này đó nhé!
Cốn xại, xá bấu
Cốn xại, xá bấu nghe thật lạ tai nhưng thật ra đây chính là món rau cải muối chua. Không chỉ có tên gọi đặc biệt, mà vị của món ăn cũng rất khác biệt so với rau cải muối thông thường. Sự độc lạ này đến từ công thức bí mật của người Bạc Liêu.
Để làm nên cốn xại, dân địa phương phải chọn loại rau cải còn tươi rồi đem phơi cho héo. Sau đó, họ đem trộn với muối, đường, rượu, riềng rồi bảo quản tủ lạnh khoảng 2 tuần là ăn được.
Đối với xá bấu thì cách chế biến lại đơn giản hơn. Người Bạc Liêu dùng loại củ cải có kích thước to và còn non tươi để làm nguyên liệu. Họ sẽ cắt thành từng miếng vừa ăn rồi đem phơi nắng cho đến khi ráo nước. Công đoạn còn lại chỉ việc nêm nếm gia vị là ăn được ngay. Cốn xại, xá bấu là loại đặc sản có thể bảo quản lâu ngày, ăn với cơm thì đúng là số 1 luôn đó nhé!
Năn bộp
Tương tự như Sóc Trăng hay Cà Mau, Bạc Liêu cũng có loài cỏ năn ngọt mọc hoang khắp các cánh đồng ngập mặn. Người dân thường cắt loài cỏ này về ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn tương tự như một loại rau.
Cả 3 phần của cây cỏ năn bộp là đọt, chồi non và củ năn đều ăn được, thường thì được chế biến thành các món gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa hoặc ăn sống chung với cá rô đồng chiên giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm mắm gừng. Ngoài ra, người ta còn dùng cây năn để xào thịt trâu, nghêu, hến, tép hoặc thậm chí là chuột đồng. Sau khi nếm thử những món ăn hay ho này, bạn có thể mua vài lọ dưa năn bộp trộn dấm đường tỏi ớt chua chua ngọt ngọt về làm quà.
Mắm ba khía
Thêm một loại mắm vô cùng nổi tiếng tại Bạc Liêu không thể bỏ qua đó là “mắm ba khía”. Mắm ba khía được làm từ con ba khía thuộc dòng họ nhà cua, thân hình như cua nhưng lại có kích thước nhỏ chỉ khoảng nửa ngón tay. Người dân bắt ba khía về sau đó khử sạch bùn đất, rồi được ủ cùng muối trong nhiều ngày liên tục để cho ra thành mắm ba khía.
Mắm ba khía thường được người dân trộn cùng thơm, rau răm, và một số gia vị để cho ra một bát mắm ba khía đúng chất miền Tây. Món ăn này có thể thưởng thức cùng với cơm trắng là ngon hết sảy, hoặc có thể làm mồi nhậu nhâm nhi cũng khá tuyệt vời.
Mắm cá chốt
Mắm cá chốt là một trong những loại đặc sản Bạc Liêu làm quà được yêu thích nhất nên bạn không được phép bỏ qua. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy loại mắm này ở khắp nơi vì các con sông nơi đây có lượng cá chốt rất lớn và cách đánh bắt khá đơn giản.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, bạn nên ép mắm cho bớt nước trước khi ăn thì mới ngon. Mắm này có thể ăn với riềng, ớt, gừng, rau, chuối chát, khế… và cơm nguội hoặc khoai lang.