Có dịp đi Lai Châu, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản thơm ngon, hấp dẫn.
Măng nộm hoa ban
Món ngon Lai Châu mà bạn nhất định phải thử đó là măng nộm hoa ban. Để làm ra món ăn này thì phải chuẩn bị măng nứa hoặc măng đắng. Vì 2 loại này làm nộm là ngon nhất. Dùng măng đắng thái nhỏ ngâm nước muối chừng 25 phút, luộc qua 2 lần nước rồi vớt ra để ráo. Còn dùng măng nứa thì chỉ cần đem luộc tước nhỏ là xong.
Hoa ban thì chọn những bông tươi, chỉ lấy những cánh hoa dày. Và chọn một con cá suối tươi ngon, dày mình đem nướng gỡ lấy phần thịt. Cuối cùng pha hỗn hợp nước trộn chanh, ớt, tỏi, rau húng, mùi. Trộn nhẹ nhàng đều tay tất cả nguyên liệu. Tất cả quyện với nhau tạo nên một món ăn đậm vị đặc trưng: đậm đà, bùi bùi, thơm nồng của cá nướng, ngầy ngậy đến từ hoa ban, và vị đắng nhẹ nhẹ của măng tươi.
Canh tiết lá đắng
Đến Lai Châu, phải thưởng thức canh tiết lá đắng mới cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này. Để làm món canh tiết lá đắng, người dân Lai Châu phải len lỏi ở ven rừng, khe suối mới có thể hái được chúng. Thường chỉ có khách quý, chủ nhà mới đi lên rừng tìm lá về nấu canh như một sự thể hiện lòng mến khách. Hiện nay, bà con trong vùng đã mang cây về trồng tại vườn nhà, trên nương rẫy, nên bạn có thể mua được lá vào mỗi dịp chợ phiên.
Nguyên liệu để nấu canh lá đắng bao gồm: ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết và vài thứ rau thơm cùng với nắm lá đắng (có thể lá tươi hoặc đã phơi khô) vò nát. Đun nước sôi rồi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chín kỹ là bạn đã có một bát canh lá đắng thơm ngon để thưởng thức. Lần đầu thưởng thức món canh này, bạn sẽ thấy khó ăn bởi vị đắng, chát tê đầu lưỡi, nhưng nếu đã ăn quen rồi, bạn sẽ cảm nhận vị ngọt, bùi, thơm ngậy. Canh lá đắng còn có tác dụng giải rượu và chữa được bệnh về tiêu hóa.
Lam nhọ
Trong số các món đặc sản của Lai Châu, lam nhọ được xem là món độc đáo bậc nhất. Không chỉ gây ấn tượng bởi cái tên khó hiểu, món lam nhọ còn khiến người ta thích thú bởi cách chế biến và hương vị vô cùng độc đáo.
Nguyên liệu để làm nên món lam nhọ hết sức quen thuộc đối với chúng ta như thịt trâu hay thịt bò. Thực chất, lam là nướng, nhọ là nhừ, lam nhọ là nướng nhừ. Giải thích như vậy thì sẽ dễ dàng hình dung được phần nào về cách làm nên món ăn này. Cách làm lam nhọ không khó, nhưng lại rất mất công và đòi hỏi sự cầu kỳ vì phải nướng nhiều lần.
Lam nhọ ăn ngọt đậm vị thịt, ngấm đẫm các gia vị và hương thơm từ các nguyên liệu. Thịt được nướng nhiều lần nên mềm nhừ. Đặc biệt các nguyên liệu làm nên món đã kết dính với nhau nên có thể xắn thành từng miếng để ăn.
Với đặc trưng hương vị của núi rừng, lại có cách chế biến cầu kỳ, hiếm thấy, lam nhọ quả thật mang đậm những nét đặc biệt của núi rừng Tây Bắc nói chung và của Lai Châu nói riêng. Nếu có cơ hội, hãy ăn thử ngay món lam nhọ này nhé! Nghe tên thì "nhọ" nhưng lại rất ngon đó.
Cá bống vùi tro (cá bống vùi gio)
Cá bống vùi tro là món ăn khá cầu kì, phức tạp phải khách quý vô cùng thì người dân nơi đây mới tỉ mẩn chế biến món này để chiêu đãi. Cá bống chuẩn người ta phải bắt ở suối Tùng Lâm, thịt ngon, dai chắc ngọt, thơm.
Cá bống sau khi được sơ chế sạch sẽ mang đi tẩm ướp cùng các loại gia vị: mắc khén, lá húng băm nhỏ sả, ớt, gừng, hạt tiêu,… ướp chừng 15-30 phút thì khéo léo gói gọn trong lá dong. Lá dong dùng để gói cá bống cũng phải là loại bánh tẻ, không rách, khổ to vừa. Sau khi gói trong lá dong đẹp đẽ thì vùi vào gio tầm 30 phút lật lại 1 lần, chừng 5, 6 lần thì cá sẽ chín. Khi ăn người ta sẽ thấy vị ngậy của cá, mùi thơm nhẹ của lá dong nướng, pha trộn một cách hoàn hảo.
Nộm rau dớn
Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và của đồng bào Tây Bắc nói chung. Người Thái còn gọi rau dớn là “pắc cút”, một loại cây giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Để làm được món nộm rau dớn, người ta chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, sau đó rửa sạch và phơi nắng cho tái. Tiếp theo cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Sau 5 phút, cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Nộm rau dớn có mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Đến Lai Châu, thực khách có thể ghé qua các nhà hàng để tận hưởng vị ngon của món ăn đậm chất dân dã vùng cao.
Pa pỉnh tộp
Từ xa xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông, con suối nên cá và các loại thủy sản khác luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày. Để làm được món cá suối nướng ngon thơm, người ta phải chọn loại cá suối tươi, béo nếu là cá chép thì càng tốt. Cá được cạo sạch vảy, không mổ đường bụng mà phải mổ sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp.
Sau khi lấy mật thì rửa sạch rồi ướp, nhồi gia vị. Cá suối thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác. Nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, xúp, mì chính…
Nướng cá cũng cần có kỹ thuật, không được vội vàng mà dí sát xuống than làm cháy lớp ngoài mà lớp trong chưa kịp chín thơm, phải kiên trì hơ cho chín dần, chín đều. Khi gỡ cá ra khỏi xiên chỉ cần dùng sợi chỉ vuốt dọc mình cá theo chiều gắp thì miếng thịt cá còn nguyên mà không bị vỡ.
Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, quả mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng.