Thắng cố, cá hồi Sa Pa, cốm, tương ướt... là những đặc sản nổi tiếng Lào Cai mà bất cứ ai đặt chân đến cũng phải thưởng thưởng một lần.
Thắng cố
Đây là món ăn truyền thống của đồng bào Mông ở Lào Cai. Nó được nấu từ thịt và lục phủ ngũ tạng của ngựa, kết hợp với các gia vị, rau thơm đặc biệt. Thoạt nhìn, món ăn này rất ghê, không sạch sẽ nhưng ai ăn được sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon đến lạ thường mà chỉ người dân nơi đây mới chế biến được.
Ngày nay, thắng cố không chỉ được nấu từ ngựa mà còn được chế biến từ thịt bê, trâu và bò, tuỳ thuộc vào khẩu vị cũng như sở thích của mỗi du khách.
Cá hồi Sa Pa
Đây là loại cá nước lạnh, được người dân Sa Pa nuôi thành công từ nhiều năm nay. Cá hồi được chế biến thành nhiều món như gỏi cá hồi, nướng, canh chua, ruốc, lẩu…. Hương vị thơm ngon của cá hồi cùng bàn tay khéo léo của các đầu bếp sẽ khiến bạn ấn tượng khó quên đối với món ăn đặc sắc và giàu dinh dưỡng.
Đồ nướng Sa Pa
Sa Pa được thiên nhiên phú cho khí hậu mát mẻ nên đồ nướng ở đây mang đến cho du khách khách hương vị riêng biệt, cuốn hút. Có rất nhiều loại đồ nướng khác nhau như cải mèo cuốn thịt nướng, trứng nướng, thịt lợn nướng, gà nướng,… Và chúng sẽ được chấm với loại nước được pha chế từ tương ớt vùng cao, tạo vị cay cay, thơm nồng.
Xôi màu
Là món ăn truyền thống của nhiều dân tộc ở Lào Cai, được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên. Màu làm xôi được chế biến từ các loại lá rừng. Gạo để nấu phải là gạo nếp truyền thống, tròn và mẩy. Một nồi xôi đồ lên sẽ có nhiều màu sắc khác nhau, tạo ra một "bức tranh" vô cùng đẹp, hấp dẫn bao người.
Cốm
Chỉ có vào cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm - thời điểm những bông lúa nếp chưa kịp chín vàng, lúa mới bắt đầu vào mẩy, còn thơm mùi sữa, được bà con cắt về làm cốm. Ở Lào Cai có rất nhiều vùng có cốm nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Bắc Hà, Tả Van (Sa Pa) và Hợp Thành (Lào Cai). Những bông lúa nếp giống truyền thống hạt tròn, dẻo thơm, qua bàn tay chế biến của người dân bản địa sẽ cho những hạt cốm dẻo thơm, xanh mướt.
Khẩu rang
Khẩu rang được làm từ lúa nếp non (già hơn cốm): khi bông lúa chín được 2/3 thì cắt về tuốt, đồ chín và phơi dưới nắng nhẹ, đến khi cứng thì xay xát lấy gạo.
Gạo khẩu rang đồ chín như xôi nhưng hương vị thơm ngon khác lạ hơn rất nhiều. Cơm dẻo và dai, vị cơm ngọt thanh, hương thơm như mùi cốm.
Tương ớt
Ở Lào Cai có tương ớt Mường Khương là nổi tiếng nhất, vị cay, thơm và đặc biệt không có chất bảo quản. Ớt Mường Khương quả nhỏ, cay được lựa chọn cẩn thận, sau đó trần qua nước sôi và xay lần với tỏi, muối. Thoạt đầu tưởng công thức chế biến đơn giản nhưng để thành công, ăn cả năm không hỏng thì phải có kinh nghiệm gia truyền.