"Miến mỏ" là miến được người dân tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) dùng bột dong riềng đỏ bản địa và nước lấy từ nguồn nước được cho là ngon nhất vùng làm nên.
Huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng với sản phẩm miến dong, đặc biệt là "miến mỏ" do người dân thị trấn Tĩnh Túc sản xuất.
Có thể nói, "miến mỏ" mới nghe đã thèm, mới nhìn đã muốn thử; cảm giác sợi miến chớm chạm đầu môi đã sảng khoái trong người lắm lắm, đặc biệt là khi thưởng thức trong tiết trời Giêng Hai.
Hai chị em bà Lê Thị Tứ bó miến chuẩn bị trả hàng cho khách.
Dẫn chúng tôi lên nhà bà Lê Thị Tứ, tổ 2 thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), chị Lục Thị Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tĩnh Túc cho biết, đây là hộ làm miến có tiếng tại thị trấn, sản phẩm miến của gia đình bà Tứ xuất bán khắp nơi.
Để đến được nhà bà Tứ, chúng tôi phải leo qua con dốc phía trên ta luy dương QL34. Đường đi, thứ mà PV gặp nhiều hơn cả là những sào phơi miến của người dân vùng mỏ cùng những cây dong riềng vừa được đào lấy củ đang héo rũ ven đường.
Khi chúng tôi đến, bà Tứ cùng người em dì đang cặm cụi bó miến để chuẩn bị trả hàng cho khách. Bà bảo, đã làm nghề này hơn 40 năm. Hàng làm ra không kịp phục vụ khách, có tí nào tư thương đến tận nơi lấy hết, không phải đem đi bán ngoài chợ đâu.
Miệng nói, tay hai chị em vẫn thoăn thoắt không ngừng. Bà Tứ kể, trung bình mỗi năm bà làm hết khoảng 8 tấn củ dong riềng. Tính ra cũng được khoảng hơn tấn thành phẩm.
"Miến ở đây còn được gọi là "miến mỏ" vì khu vực này có mỏ Tĩnh Túc, thêm nữa mạch nước ngầm góp phần làm nên thương hiệu "miến mỏ" cũng là mỏ nước rất đặc biệt, chỉ có lấy nước ở đây sợi miến mới trắng, dẻo dai khác thường", bà Tứ chia sẻ.
Ông Triệu Văn Tiệp rửa dong riềng đỏ để nghiền bột làm nguyên liệu.
Bột dong riềng đỏ được lọc bằng nước được cho là rất đặc biệt nên có độ trắng khác thường.
Rời nhà bà Tứ, chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Văn Tiệp, cùng thôn, ông cho biết, nhu cầu thị trường thì rất lớn, gần tết rồi mà hàng không có bán. Thường miến được chúng tôi gửi xe cho khách ở thành phố Cao Bằng và các tỉnh thành khác.
"Miến mỏ" tuy chưa có bao bì, nhãn mác nhưng đảm bảo vệ sinh lại thơm ngon, bắt mắt nữa nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Gia đình tôi mỗi năm làm được khoảng 1 tấn, giá miến hiện chúng tôi bán ra thị trường là 120.000đ/1kg", ông Tiệp cho biết thêm.
Mẹ anh Triệu Minh Tuấn chuẩn bị miến cho con mang xuống thành phố trả đơn hàng cho khách.
Anh Triệu Đức Tuấn, con trai ông Tiệp hôm nay mới từ thành phố về. Anh Tuấn cho biết, tết rồi mà hàng còn không đáng kể. Bình thường tôi bán chỉ riêng cho khách du lịch cũng được khoảng 1-2 tạ/tháng rồi, giờ tết không có hàng cho khách.
"Miến mỏ" có tiếng ngon, mà miến nhà tôi được làm từ bột củ dong ta nguyên chất 100%, lọc bằng nước lấy từ mỏ nước ngầm dãy núi sau nhà nên đặc biệt trắng, sợi miến dẻo dai.
Cũng là miến Tĩnh Túc này thôi nhưng nguồn nước khác sẽ không có độ trắng và dẻo dai như vậy; khâu quan trọng nữa, kỹ thuật đánh bột dong ta phải đảm bảo đạt đến độ chín nhất định.
Ngay từ khâu trồng dong riềng đã phải đảm bảo trồng khu biệt lập, không lẫn hoặc gần với dong cao sản, vì trồng lẫn sẽ khiến dong riềng đỏ bị lai, chất lượng bột sẽ kém, không dẻo dai và thơm ngon như dong ta nguyên chất, để "miến mỏ" có thương hiệu như hiện nay, các yếu tố trên luôn phải được đảm bảo", anh Tuấn tiết lộ.
Giáp tết, nhiều khách hàng chưa kịp thủ sẵn cho mình dăm kilogam "miến mỏ" làm quà, người làm miến đã hết bột nguyên liệu, còn tư thương thì mặt buồn xo vì "cháy" hàng, không biết kiếm đâu ra "miến mỏ" trả đơn hàng cho khách.
Chị Nông Thị Duyên, một tư thương chuyên cung cấp "miến mỏ" cho thị trường Thái Nguyên bảo, do điều kiện khí hậu tại Tĩnh Túc một, hai tháng giáp tết, trời luôn âm u, độ ẩm cao nên người dân không làm vì không phơi miến được. Tết, đơn hàng nhiều do đó luôn bị "cháy" hàng.
Do khí hậu tại Tĩnh Túc những tháng giáp tết thường âm u nên chỉ có những giàn phơi trống không do không phơi được miến.
Trao đổi với PV, chị Lục Thị Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết, sản xuất miến tại thị trấn Tĩnh Túc chủ yếu là hộ gia đình, hầu như ở thị trấn, nhà nào cũng làm miến. Chúng tôi hiện đang có kế hoạch xây dựng các mô hình, thành lập các tổ hợp tác.
"Thị trường tiêu thụ miến chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ, làm quà. Vùng nguyên liệu của thị trấn tự trồng hiện có khoảng hơn 10ha, do thị trấn hẹp, địa hình dốc nên người làm "miến mỏ" phải mua thêm củ dong riềng đỏ tại các xã khác.
Có thể nói, nghề làm miến truyền thống tại thị trấn Tĩnh Túc không những được duy trì, kế thừa, phát huy mà còn từng bước tạo dựng được thương hiệu "miến mỏ", giúp người dân có thêm thu nhập", bà Tuyên nhận định.