Lá, đọt non và quả của cây này đều ăn được, có thể làm thành những món dân dã vừa ngon vừa lạ miệng.
Ở các miền quê Việt Nam có nhiều cây quả mọc hoang dại khắp các cánh đồng, ruộng vườn nhưng có thể ăn được, còn bổ dưỡng với nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, trong đó phải kể tới cây bình bát dây.
Bình bát dây còn có tên gọi khác là mảnh bát, bát bát, dưa dại, đây là cây dây leo thân mảnh và dài. Tại nước ta, cây phân bố từ Bắc vào Nam, mọc ở bờ bụi, leo hàng rào từ đồng bằng đến miền núi cao. Người dân địa phương cho biết bình bát dây dễ sống, ra hoa kết quả suốt 4 mùa trong năm.
Bình bát dây mọc bờ rào, quả có màu xanh đỏ đẹp mắt
Từ xưa, người dân miền Tây đã lấy dây bình bát non và lá để nấu canh hoặc luộc chấm mắm tỏi. Món ăn dân dã này thật thú vị bởi khi nấu chín, lá và ngọn non vẫn còn độ giòn rất riêng, vị ngọt thanh lạ miệng. Lá bình bát có thể nấu canh cùng hột vịt lộn, hoặc canh thịt băm, canh xương, canh tôm..., tỏa ra mùi thơm và vị ngọt hấp dẫn không lẫn với bất cứ loại rau nào.
"Chuẩn vị nhất là rau bình bát nấu với hột vịt lộn, hoặc món lẩu hột vịt lộn ăn với bún và nhúng rau bình bát. Khi nấu canh, đầu tiên là phi hành với dầu ăn vừa vàng thơm, đổ ít nước đã đun sôi, nêm các loại gia vị cho vừa ăn, cho trứng vịt lộn vào đậy kín nắp cho trứng chín, rồi cho rau bình bát vào đun lửa lớn vừa sôi là nhắc xuống, để lâu rau chín quá mất ngon. Bình bát và hột vịt lộn kết hợp với nhau tạo nên mùi vị thanh mát, bổ dưỡng, ăn hoài không chán", anh Diên (ở Vĩnh Long) chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thúy Hạnh (ở An Giang) chia sẻ: "Nhà tôi có mảnh đất trống sau vườn, cây bình bát mọc lên xanh tốt, phát triển rất nhanh, bò lan lên cả hàng rào gần đó. Những ngày hè, tôi nấu lá bình bát với thịt, tôm, cua, cá… đều ngon, ngọt. Nhưng được các bà nội trợ miệt vườn miền Tây ưa chuộng nhất vẫn là canh cua đồng bình bát".
Chị Hạnh cho biết, trái bình bát lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng. Nhiều người nghĩ cây bình bát dây là loại cây dại, quả chín có màu đỏ rực rỡ nên e ngại không dám ăn. Thực tế đã chứng minh, loại quả này không hề độc nên các bạn hãy yên tâm, khi ăn có thể nuốt hoặc nhả hạt tùy thích. Khi chín, ăn quả bình bát có vị như một loại dưa, ngon ngọt và mềm mềm tựa như trái hồng chín.
Ngày nay, nhiều người đi xa vẫn nhớ về những bát canh bình bát dây ở quê nhà. Người dân miền Tây cũng thường nấu canh đãi khách ở xa, hay người thành phố. Món ăn tuy dân dã nhưng rất độc đáo mà chắc ít có người thành thị được thưởng thức hay biết đến.
Trong y học cổ truyền, rau bát có vị ngọt mát, có tác dụng: mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, dưỡng âm, tiêu độc. Người bệnh tiểu đường hái lá non dây bát 100g, thịt cua 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên sẽ giảm lượng đường đáng kể.