Từ chuột, người Cao Lãnh có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon như hấp cơm, nướng, quay lu, luộc... Song quay lu vẫn là đỉnh hơn cả.
Nhắc đến đất phương Nam, người Việt sẽ nghĩ ngay đến những địa danh mang dấu ấn của lịch sử cũng như các đặc sản thuở mới mở đất. Và một trong những món ăn đặc sắc nhất của nơi này chính là thịt chuột.
Anh Hùng Ca (40 tuổi, quê Đồng Tháp) tự hào: “Hầu như nơi nào ở đất nước mình cũng có món thịt chuột nhưng tôi khẳng định ngon - đặc biệt nhất vẫn là thịt chuột Cao Lãnh. Nó được giới sành ăn xếp vào hạng “độc chiêu” của miền Tây. Thậm chí còn đi vào hẳn thơ ca “Có chuột nào ngon bằng chuột Cao Lãnh/ Có gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Đó điều tự hào của những người con xa quê như chúng tôi”.
"Hầu như nơi nào ở đất nước mình cũng có món thịt chuột nhưng tôi khẳng định ngon nhất vẫn là thịt chuột Cao Lãnh".
Chuột Cao Lãnh to như chuột cống nhưng lông màu vàng nâu, trông giống màu lông của nhưng con cheo, con mễn. Chúng thường sống thành từng đàn trong hang thong nhau dưới đất, rất tinh khôn và khả năng sinh sản vô cùng mạnh. Trung bình, một con chuột đồng cái đẻ chừng 50-100 chuột con/năm.
“Cuối mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân quê tôi lại rủ nhau ra đồng giăng lưới, đuổi chuột. Và khi thu được chiến lợi phẩm, mỗi người một việc: người đốt rơm, người hun khói, người làm thịt rồi nướng thơm phức. Sau đó tất cả ngồi túm tụm cùng nhau ngồi nhậu đến tận tối chưa tan tiệc”, anh Hùng Ca nói.
Từ chuột, người Cao Lãnh có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon như hấp cơm, nướng, quay lu, luộc... Song quay lu vẫn là đỉnh hơn cả. “Để có đĩa thịt chuột quay lu ngon không phải dễ, đầu bếp cần có chút tinh tế và thạo nghề. Ban đầu họ sẽ chọn con chuột cỡ nhỡ, tầm 5-7 con/kg rồi nhúng vào nước sôi để khi vặt lông được dễ dàng hơn, không bị rách da... Như vậy khi quay mới có được màu vàng ươm và độ giòn của da chuột.
Sau đó, họ tiến hành làm sạch ruột, cắt móng và để ráo nước. Xong xuôi họ đem ướp gia vị gồm sả đường, bột ngọt... để thấm chừng 10-15 phút”, người đàn ông miền Tây cho hay.
Chuột Cao Lãnh thưởng thức kèm với muối tiêu chanh, chuối chát dưa leo, cà chua...
Hoàn thành công đoạn sơ chế, người đầu bếp đem chuột móc vào lu quay. Để chuột được quay đều và đẹp, mỗi mẻ chỉ nên bỏ khoảng 30 con. Sau 15 phút mở lắp lu ra, trở bề con chuột, thoa thêm mỡ và nước gia vị rồi đậy lắp lu lại. Chừng 20 phút sau họ lấy chuột ra, quết mỡ lên cho da chuột bóng vàng ươm.
“Món này ngon và béo ngậy, thịt thơm không kém nai rừng nên quê tôi toàn gọi là “nai đồng quê”. Khi thưởng thức, chúng tôi thường dùng kèm với muối tiêu chanh, chuối chát dưa leo, cà chua... Ở thành phố giờ cũng có một vài tiệm bán đặc sản này song chẳng cho ra đúng cái hương vị ở Cao Lãnh. Do đó chúng tôi thèm lắm thì đi ăn cho thỏa cơn, chứ không thể nào ngon sánh bằng ở quê”, anh Hùng Ca tâm sự.
Vào chính vụ, chuột Cao Lãnh được rao bán tại các chợ với giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, còn trên các thành phố lớn như Vũng Tàu, Sài Gòn chúng có giá cao hơn: 250.000 – 270.000 đồng/kg. “Đắt đỏ là vậy song người sành ăn vẫn chấp nhận mua. Họ bảo muốn thưởng thức sản vật độc lạ thì phải chịu chơi”, anh Hùng Ca cho hay.