Bánh cooc mò có hương vị thơm ngon, dẻo của nếp mới cùng vị bùi bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn.
Người Tày có thể làm ra rất nhiều đặc sản thơm ngon và độc đáo, trong đó không thể không kể đến món bánh cooc mò. Loại bánh mang hương vị đậm chất núi rừng vùng bản…
Theo đó, cooc mò là tên một loại bánh truyền thống nổi tiếng của dân tộc Tày. Và trong tiếng Tày, mò có nghĩa là sừng bò, hình dáng bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng bò.
“Theo truyền thống, trong thôi nôi của trẻ em, bất kể mùa nào người Tày cũng làm loại bánh này. Những chiếc bánh nhỏ nhắn được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe và ngoan ngoãn.
Cooc mò là tên một loại bánh truyền thống nổi tiếng của dân tộc Tày.
Ngày nay, bánh được bà con người Tày, Nùng làm quanh năm và bày bán tại các chợ phiên. Ở một số nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại làm bánh để mừng mùa lúa mới, đồng thời làm quà khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan, vâng lời cha mẹ”, anh Mai Ngọc Anh (29 tuổi) – người dân tộc Tày ở Tuyên Quang cho biết.
Cũng theo người đàn ông Tày này, bánh cooc mò được đồng bào dân tộc Tày, Nùng làm ra bằng nguyên liệu chính là gạo nếp và ít lạc, muối. Bà con thường chọn loại gạo nếp ngon nhất là nếp cái hoa vàng hạt tròn đều, trắng, được trồng trên nương để làm bánh, nên hương vị của bánh thơm ngon và dẻo.
Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Sau đó bà con phải tiến hành nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. “Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt, nước phải lấy từ các khe suối trên núi. Sau đó họ tiếp tục ngâm thêm vài giờ cho nếp mềm sau đó đem gạo trộn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn.
Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân.
Công đoạn chẻ lạt và buộc lạt thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Lạt được làm từ cây thân giang hoặc cây mỡ, chẻ làm sao cho lạt nhỏ đều, mềm, dai để khi gói không làm rách lá bánh”, anh Ngọc Anh nói.
Bánh cooc mò có hương vị thơm ngon, dẻo của nếp mới cùng vị bùi bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn. Tuy bánh không có nhân nhưng nhai kỹ thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp
“Bóc bánh ra, bánh có màu xanh và dền như bánh chưng, vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp lại thoảng mùi thanh khiết đồng quê của lá gói. Họ chỉ cần cắn miếng bánh, thực khách cảm nhận được vị thơm, cái dẻo mềm của nếp, càng nhai càng quyện trong chất bùi béo của lạc đỏ”, người đàn ông dân tộc Tày nói.