Từ cá leo, người dân miền Tây sẽ chế biến chúng thành những món ăn ngon như om chuối đậu, om dưa cải, chả cả, nướng mọi hoặc nấu lẩu chua.
Cá leo là một trong những loài cá nước ngọt quý ở lưu vực sông Mê Kong, được xếp vào đặc sản kỳ lạ của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là Đồng Tháp. Chúng có đặc điểm: là giống cá da trơn, thuộc họ cá nheo, thường sinh sống ở tầng đáy sông, hồ nước ngọt hoặc nước lợ, kênh, rạch; có kích thước vô cùng lớn lên đến 2.4m, di chuyển chậm chạp nên rất khó đánh bắt.
Chị Chu Dung (35 tuổi, Đồng Tháp) cho biết: “Cá leo thường có ở vùng biên giới giữa Việt Nam – Campuchia, sau đó chúng xuôi theo con nước về quê mình hoặc các tỉnh miền Tây. Thậm chí chúng còn di cư vào các sông suối nhỏ những mùa nước nổi.
Cá leo thường có ở vùng biên giới giữa Việt Nam – Campuchia, sau đó chúng xuôi theo con nước về Đồng Tháp hoặc các tỉnh miền Tây.
Ở Đồng Tháp, cá leo xuất hiện vào mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Song thợ đánh bắt phải tỉ mỉ, cẩn thận lắm mới “bẫy” được một con vì nó khó đánh bắt. Do đó giá thành của chúng cao hơn các loại cá khác rất nhiều. Hiện một số nơi có nuôi cá leo để kinh doanh song chất lượng thịt thua xa cá leo tự nhiên”.
Không chỉ to lớn, cá leo còn có chất lượng thịt hảo hạng như săn chắc, ngon thơm, ngọt béo... Đặc biệt chúng không có xương dăm nên tỷ lệ thịt lớn, rất được ưa chuộng. “Xưa giờ các loài cá thường có nhiều xương dăm nên nhiều người không thích thú ăn cá là mấy và mình cũng vậy. Nhưng với cá leo lại khác, chúng to và không có xương, mình có thể thỏa thích thưởng thức mà không sợ xương mắc vô họng. Thậm chí mình cũng an tâm hơn khi cho lũ trẻ trong nhà ăn các món từ cá leo”, chị Chu Dung nói.
Từ cá leo, người dân miền Tây sẽ chế biến chúng thành những món ăn ngon như om chuối đậu, om dưa cải, chả cả, nướng mọi hoặc nấu lẩu chua. Trong đó lẩu cá leo là đặc biệt hơn cả.
“Người miền Tây thường ăn lẩu cá, nhưng mình thấy lẩu cá leo là ngon nhất. Thịt của chúng mềm, thơm, không bị bở nên nhúng vào đợi thịt chín là có thể gắp lên ăn. Ngoài ra, một số người thích ăn cuốn có thể cuốn miếng cá leo với chuối chát, dứa, lá giang... rồi chấm với nước mắm ớt. Tất cả tạo nên hương vị chua chua ngọt ngọt, thơm thơm”, chị Chu Dung cho hay.
Cá leo nướng muối ớt.
Hiện cá leo được rao bán ở chợ hay siêu thị ở miền Tây. Hoặc nếu ai muốn ăn có thể đến các nhà hàng chuyên hải sản hoặc cá để thưởng thức. “Thi thoảng mấy nhà trong xóm mình lại rủ nhau mua cá leo rồi chế biến thành các món như lẩu, chiên, om... Sau đó cả xóm quây quần bên nhau thưởng thức. Còn gia đình nào muốn đổi bữa nhưng không phải tự chế biến thì có thể đến một số nhà hàng chuyên lẩu cá leo. Ở thành phố, mình thấy người giàu muốn ăn phải xếp hàng chờ đợi mới có”, người phụ nữ miền Tây chia sẻ.
Không chỉ là đặc sản vùng sông Mê Kong, cá leo còn tốt cho sức khỏe con người. Chúng giàu vitamin nhóm B và khi luộc hay nấu canh, vitamin B sẽ tan trong nước. Ngoài ra, thịt cá giàu vitamin tan trong dầu như vitamin A,D,E. Do đó ăn cá rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai....
Cá cũng nghèo mô liên kết, cho nên không tồn tại lâu trong dạ dày. Vì vậy, khi ăn cá, cảm thấy “nhẹ bụng”.