Mùa măng le bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10. Đây là giống măng rừng có mùi vị thơm ngon đặc trưng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với nhiều loại rau rừng, quả rừng độc lạ và hương vị ngon khó cưỡng, trong đó phải kể tới măng le rừng.
Theo tìm hiểu, măng le được lấy từ cây le thuộc họ tre nứa không có gai, thân dẻo mọc phổ biến ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Trong số các loại măng ở đây như măng tre, trúc, lồ ô, tầm vông, nứa... thì có lẽ măng le là loại măng ngon nhất bởi chúng đặc ruột, dễ chế biến, vị hơi ngọt bùi, có mùi thơm đặc trưng, không chát, không quá đắng...
Măng le chỉ có một mùa trong năm
Măng le tươi là món ăn khoái khẩu của nhiều người dân vùng cao nguyên nhưng không thể để lâu được. Vì thế người ta thường thái măng thành từng lát và đem phơi khô. Dù măng khô không ngon bằng măng le tươi song vẫn rất đậm đà, vị ngọt và độ giòn không hề mất đi.
So với các loại măng khác, măng le đắt hơn 2-3 lần nhưng vẫn luôn đắt hàng. Cụ thể, trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, giá măng le tươi khoảng 70.000 đồng/kg, còn măng le khô giá khoảng 250.000 – 300.000 đồng/kg. Từ măng me có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn như: gỏi măng trộn đậu phộng, măng le kho mắm ruốc, măng le hầm giò heo, hay măng le xào gan, măng le luộc cuốn bánh tráng chấm mắm ruốc… Dù đây là những món ăn dân dã, dễ dàng nhưng du khách thử đều rất thích.
Măng le khô có giá tới 300.000 đồng/kg
- Măng le tươi nên ăn ngay, không nên để lâu sẽ hỏng. Măng le tươi có thể dùng luộc chấm nước mắm, cũng có thể thêm đậu phộng và gia vị vào xào để ăn cơm.
- Măng tre khô là những miếng măng le tươi được cắt nhỏ và phơi khô. Măng khô tuy không ngon bằng măng tươi nhưng hương vị lại đậm đà, có độ ngọt và giòn nhất định. Măng le khô có thể làm quà biếu tặng vì dễ bảo quản, thành phần dinh dưỡng cao. Đặc biệt có thể sử dụng quanh năm, rất tiện lợi.
"Măng le vào mùa từ tháng 8 đến hết tháng 10. Trước đây chúng có nhiều vô kể, bà con vào rừng hái về để nấu ăn, chúng gắn với những bữa cơm nghèo khó. Còn bây giờ, măng le được biết tới nhiều hơn, thành món đặc sản bao người ưa chuộng. Chúng được ví như "lộc rừng" ban tặng cho người dân nơi đây, giúp họ có thêm thu nhập.
Việc lấy măng le khá cực, không phải lúc nào cũng có. Nhất là khi loại này được ưa chuộng nên nhiều người đi đào khiến số lượng ngày càng hạn chế. Măng le ngon nhất là loại mới chỉ mọc nhú dưới đám lá khô hay trong các hốc đá. Do các bụi le có tán thấp và rậm rạp nên người đào măng phải luồn vào bụi măng le, dùng dao đào lớp đất xung quanh cho đến lúc có thể lấy tay bẻ măng", chị Lài (34 tuổi, Gia Lai) chia sẻ.
Theo chị Lài, măng le được tìm mua quanh năm, nhưng măng tươi chỉ có một mùa và cũng không bảo quản được lâu, nên người dân nơi đây đã phơi khô, bảo quản cẩn thận rồi bán ra thị trường. Khoảng 5kg măng tươi mới làm thành 1kg măng khô.