Có dịp về Nam Định chơi, du khách nhất định đừng bỏ lỡ những đặc sản mua về làm quà cực xuất sắc này.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm Giao Thủy là món ăn tuyệt vời đã vượt ra khỏi lũy tre làng để đi khắp mọi miền đất nước và được cả khách quốc tế tấm tắc khen. Món ăn ngon, bổ dưỡng này được ưa chuộng trong các buổi tiệc đám cưới, liên hoan… Nem nắm được làm từ bì, thịt lợn trộn thính và gia vị, rồi được nắm lại trong lá sung.
Điều đặc biệt nhất làm nên mùi thơm của nem nắm Giao Thủy chính là thính. Thính phải làm từ gạo tám thơm Nam Định. Gạo đem ngâm trong nước qua một đêm, sau đó đem rang lên rồi xay thành bột, có màu vàng ngà ngà, thơm phức, vị ngậy là đạt chuẩn. Thực khách thưởng thức món nem này sẽ cảm thấy vị hơi chua của thịt lên men, vị ngọt của thịt kèm vị thơm của thính rang, nhưng cũng ko hề bị hôi vì có tỏi, lá sung, lá đinh lăng.
Để thưởng thức món nem nắm Giao Thủy, thực khách nhất định phải có thêm bát nước mắm Sa Châu, loại mắm ngon của làng Giao Thủy.
Bánh gai
Bánh gai dẻo thơm là một thức quà đặc trưng mà các tín đồ du lịch Nam Định thường xuyên lựa chọn để mua về làm quà cho gia đình, người thân. Bánh gai Nam Định ấn tượng bởi phần nhân có mùi hương thanh tao nhờ sự kết hợp của đỗ xanh, đậu phộng, hạt sen, dừa và thịt mỡ. Bên ngoài, lớp vỏ bánh dẻo thơm màu đen bao bọc lấy phần nhân tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo.
Để làm được bánh gai thơm ngon chuẩn vị, bạn bắt buộc cần phải chuẩn bị lá gai và gạo nếp để tạo ra được món ngon thú vị này. Bất kể tín đồ du lịch nào khi đến Nam Định đều mong muốn một lần được thưởng thức qua món bánh gai trứ danh của người dân bản địa nơi này.
Bánh xíu páo
Người dân Nam Định có lẽ chẳng còn xa lạ với món bánh này nữa rồi. Món ăn nghe tên có vẻ xa lạ nhưng lại ngon không tưởng đấy. Một thức bánh đáng thưởng thức trong chuyến vi vu Nam Định sắp tới. Bánh xíu páo được làm từ bột mì, tuy rằng bánh được nặn nhiều lớp nhưng khi ăn sẽ không bị quá dày tạo cảm giác dễ ngấy cho người ăn đâu.
Phần nhân bánh là sự kết giữa thịt heo, mỡ heo và mộc nhĩ được nêm nếm vừa vị đem xào lên nên dậy lên một mùi thơm rất đặc biệt. Khi nướng bánh sẽ được quét lên một lớp trứng hoặc dầu để tạo độ bắt mắt cho món ăn. Vì sự nhỏ nhắn dễ thương, hương vị thơm ngon dễ ăn mà bánh xíu páo đã thu hút rất nhiều thực khách thưởng thức và yêu mến lựa chọn để dùng ăn vặt cho những buổi xế chiều.
Bánh nhãn
Bánh nhãn là một món bánh ngon và dung dị của vùng đất nếp cái hoa vàng Hải Hậu. Bánh được làm từ các nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đường kính, vừng trắng, trứng gà và mỡ lợn. Nhờ các bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm ra các mẻ bánh tròn xinh xắn, màu vàng ươm, trông vô cùng hấp dẫn.
Loại bánh này sẽ tuyệt ngon nếu được dùng cùng với trà hoặc bên tách cà phê. Đây là loại đặc sản phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt các em nhỏ sẽ mê mẩn loại bánh này nhờ vị ngọt dịu, thơm bùi của nó.
Kẹo sìu châu
Gần hai thế kỷ nay, thương hiệu sìu châu – đặc sản Nam Định đã trở nên nổi tiếng mọi miền đất nước. Những người xa quê hương, mỗi lần nhớ về Nam Định đều nhớ đến hương vị mộc mạc của thức quà giản đơn này.
Nguyên liệu làm kẹo sìu châu chỉ gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Sau khi ra lò, kẹo có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, thơm bùi vị lạc, ngọt đậm để lại dư vị khó quên. Đặc biệt, kẹo không hề có mùi hôi của dầu lạc, để lâu không ỉu. Mỗi thanh kẹo xù xì được bao trong vỏ bột nếp có tác dụng vừa chống ẩm vừa để ủ cho kẹo lên hương.
Kẹo sìu châu ngon nhất là thưởng thức cùng tách trà mạn nóng. Vị ngọt của kẹo, vị hơi đăng đắng của trà sẽ khiến bạn không còn cảm thấy ngọt sắc ở cuống họng. Ở Nam Định, vào dịp Tết, đặc sản kẹo Nam Định này vẫn thường xuất hiện dùng để tiếp khách. Về Nam Định, ngoài việc tham quan các cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, du khách nhớ đem theo vài gói kẹo sìu châu dân dã về làm quà nhé.
Bánh dày Vị Dương
Ở vùng đất cổ thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP. Nam Định), người ta vẫn truyền nhau cách thức làm bánh dày truyền thống đã làm nên thương hiệu. Bánh dày Vị Dương đã trở thành vật phẩm để thờ cúng trong các lễ hội truyền thống, trong ngày giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và trong việc họ, việc làng.
Thưởng thức bánh dày Vị Dương, thực khách sẽ cảm nhận được độ dẻo dai của phần vỏ bánh được làm từ bột nếp, phần nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường, dừa bào. Nếu thưởng thức bánh dày mặn sẽ cảm nhận được vị bùi của đậu xanh, một ít mỡ phần, tiêu xay. Bánh dày nhân chay chỉ có bột nếp xoa mỡ bên ngoài.
Bánh sẽ có màu trắng tinh, tròn trịa, dẻo dai và mùi thơm ngon đến khó cưỡng, nằm gọn trong những chiếc lá chuối màu xanh đã được cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh.