Loại cây nổi tiếng nhất miền Tây, làm ra đủ món ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khỏe

H.M - Ngày 03/01/2023 10:32 AM (GMT+7)

Miền Tây được coi là vựa hoa quả lớn nhất nước ta, nổi bật hơn tất cả là một loại cây cực tốt cho sức khỏe.

Thốt nốt là một loại cây nổi tiếng ở miền Tây, đặc biệt ở khu vực Châu Đốc (An Giang) giáp ranh với Campuchia được coi là xứ sở của thốt nốt. Những hàng thốt nốt mọc xen kẽ trên cánh đồng lúa mênh mông và dọc theo các con đường làng quanh co thực sự là một bức tranh thiên nhiên đẹp đến lay động lòng người.

Ở khắp vùng đất An Giang, đi đến đâu du khách cũng có thể bắt gặp những hàng cây thốt nốt vươn lên cao vút. Loại cây này tập trung nhiều ở khu vực đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cây thốt nốt thường có chiều cao khoảng 20m. Nhìn qua thì thấy cây thốt nốt khá giống cây dừa, nhưng thân to và cao hơn, tán lá xòe ra như lá cọ.

Loại cây nổi tiếng nhất miền Tây, làm ra đủ món ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khỏe - 1

Cây thốt nốt cái sau khi trổ bông sẽ kết thành từng chùm khoảng 50 đến 60 quả, nhỏ hơn trái dừa Xiêm và ở bên trong có nước cùng với lớp cơm màu trắng đục. Còn cây thốt nốt đực thì chỉ ra hoa chứ không có quả. 

Cái tên thốt nốt có nguồn gốc xuất xứ từ tiếng Khmer là “th'not”. Với đồng bào Khmer, thốt nốt là một giống cây quý trời ban. Có thể nói rằng, cây thốt nốt gắn bó với cuộc sống người dân Khmer giống như cây dừa của người Kinh ở dưới miền xuôi. Sở dĩ so sánh như vậy bởi thốt nốt cũng là cây trồng vô cùng quan trọng được người Khmer sử dụng vào rất nhiều việc. Thân cây làm cột nhà, dầm cầu, bàn ghế, tủ còn lá thì dùng để lợp mái nhà, làm nón và chế tác nên những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Rễ cây thốt nốt và vòi hoa sau khi phơi khô còn dùng làm thuốc chữa bệnh vàng da, nhuận tràng… Quả thốt nốt vừa là đặc sản nổi tiếng, vừa dùng để làm nhiều món ngon khác. Thêm nữa, phần nước lấy từ hoa thốt nốt vô cùng thơm ngọt cũng có thể làm thành thức uống giải khát hoặc làm thành đường thốt nốt nức tiếng.

Loại cây nổi tiếng nhất miền Tây, làm ra đủ món ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khỏe - 2

Nước và quả thốt nốt được xem là những thức quà gần gũi nhất với người dân địa phương cũng như các tín đồ mê xê dịch vì chúng được bán khá phổ biến ở các hàng quán ven đường hay những khu chợ Châu Đốc.

Trái thốt nốt có vỏ màu nâu tím, to khoảng gấp rưỡi quả cam và khá cứng, tương tự như trái dừa, nên người dân phải dùng dao chặt mới lấy được múi ở bên trong. Việc lấy múi cũng không hề đơn giản, phải tỉ mỉ bóc bỏ từng lớp màng màu vàng bao bọc quanh múi thì mới lộ ra phần cơm ăn được. 

Loại cây nổi tiếng nhất miền Tây, làm ra đủ món ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khỏe - 3

Cơm thốt nốt màu trắng đục, có độ giòn dẻo, dai dai đặc trưng ăn khá vui miệng. Tuy nhiên, lớp cơm này khá nhạt, nếu ăn không thì chẳng cảm thấy vị gì nên thường sẽ được dùng kèm với nước thốt nốt để tăng thêm độ ngọt. Bên cạnh đó cũng có nơi xắt mỏng cơm thốt nốt và ngâm với chút đường cho có vị hơn rồi mới pha thành nước giải khát hoặc trộn cùng sữa để thưởng thức. Thốt nốt ngon nhất là khi uống lạnh và cũng vì để bảo quản nên các hàng quán đều có thùng lạnh riêng để đựng nước thốt nốt cũng như các múi cơm đã qua sơ chế. Một ly nước thốt nốt sẽ gồm phần nước lấy từ hoa và rất nhiều múi thốt nốt, bởi vậy khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào, mát lạnh cùng độ dai giòn sần sật rất thú vị.

Ngoài ra, nhiều đặc sản khác được làm từ thốt nốt như bánh bò thốt nốt, đường thốt nốt,... cũng được nhiều người ưa chuộng và tìm mua.

Ngoài An Giang, thốt nốt còn xuất hiện ở khu vực miền Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ riêng tộc người Khmer tại vùng Thất Sơn - Bảy Núi mới có món đặc sản đường thốt nốt với hương vị đặc trưng rất riêng biệt.

Loại quả rẻ bèo ở đâu cũng có, đem phơi khô lại thành đặc sản Cà Mau
Loại quả này khi đem sấy khô sẽ có hương vị thơm ngon, đặc biệt hơn hẳn.

Đặc sản 4 phương

H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương