Không ai nghĩ loại hoa vốn được dùng để thắp hương lại có thể dùng để chế biến thành những món ăn vô cùng lạ miệng.
Đối với các chị em nội trợ, hoa huệ thường được lựa chọn để cắm trên bàn thờ vào những ngày rằm, mùng 1 hay giỗ tết. Hoa huệ là loài hoa có hình dáng giống cây tỏi với 2 loại là huệ đơn và huệ kép. Huệ đơn cây thấp hoa ngắn và thưa trong khi huệ kép cây cao, hoa dày và bông dài hơn. Hoa huệ có màu trắng, bao hoa hình phễu, hương thơm ngào ngạt, chủ yếu nở vào mùa hè. Mùa đông huệ cho ít hoa, bông cũng nhỏ và ngắn hơn.
Ở nước ta, hoa huệ thường được dùng trong các việc cúng, lễ chứ ít khi dùng để tặng nhau. Đặc biệt, hoa huệ có thể ăn được. Đây là nguyên liệu để chế biến một số món ăn như hoa huệ xào thịt bò, gỏi hoa huệ... Ẩm thực truyền thống Trung Hoa xem củ huệ là thức ăn, cũng giống như họ hàng của chúng là hành và tỏi. Nó giòn, có vị ngọt, và rất tuyệt khi kết hợp trong những món xào.
Hương thơm tinh khiết của hoa huệ giúp món ăn không chỉ độc đáo mà còn kết hợp với vị ngọt của thịt, tôm rất phù hợp. Tôm bóc vỏ, ướp gia vị. Bắt chảo lên bếp, phi hành rồi cho tôm vào xào chín, sau đó cho bông huệ đã rửa sạch vào, xào trên lửa lớn cho chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Tôm giòn, chín tới, ngọt quyện với mùi thơm của bơ tỏi tạo nên một món ăn hấp dẫn. Đây cũng là đặc sản của vùng Lai Vung (Đồng Tháp).
Hoa huệ cũng có thể chế biến thành món gỏi chua ngọt rất bắt mắt. Hoa làm gỏi phải tách bỏ cuống, chần qua nước sôi rồi vớt bỏ vào nước đá để hoa vẫn giữ được màu xanh bắt mắt. Người ta băm mấy tép tỏi, thêm vài quả ớt, nêm chút tiêu, rồi cho vào chén nước mắm có pha chút nước ấm cho bớt mặn, vắt vào một quả chanh, cho thêm mấy muỗng đường là thành hỗn hợp nước trộn gỏi. Hoa huệ xếp lên đĩa, rải lên trên nhúm rau húng, rau thơm cắt nhỏ, sau đó chan nước gỏi vào trộn đều là dùng được. Bạn cũng có thể thêm vào món gỏi chút thịt ba chỉ heo hoặc vài con tôm luộc.
Đơn giản hơn nữa, bạn chỉ cần chần qua hoa huệ rồi chấm với kho quẹt cũng thành một món ngon vô cùng đưa cơm. Vị hoa huệ giòn, ngọt, thơm mát cực kỳ kích thích vị giác. Không chỉ hoa huệ, phần củ của cây cũng có thể thái lát đem xào với thịt bò, măng tây ăn vừa ngọt vừa giòn.
Lịch sử lâu đời Trung Hoa đã cho thấy rằng cây huệ đủ an toàn để dùng với liều lượng thức ăn, nhưng vẫn có những trường hợp chống chỉ định. Ví dụ, củ cây huệ không được khuyến cáo dùng cho những bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, nó có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn.