Loại quả này có ở Phú Thọ, trước đây rụng đầy không ai dòm ngó giờ thành món đặc sản lạ được dân thành phố thích mê.
Cọ là cây đặc trưng ở vùng núi trung du, trong đó được phân bố nhiều nhất ở Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... Cây này mọc hoang trên đồi, trong rừng và còn được trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm hàng rào. Lá cọ được dùng để lợp nhà, hàng quán và các khu chợ.
Quả cọ có màu xanh thẫm, chát xít, trước đây rụng đầy đồi nhưng chẳng ai nhặt, chỉ có người dân địa phương mang về ỏm, làm món ăn dân dã. Những năm gần đây, quả cọ bỗng xuất hiện tại các chợ ở thành phố, trở thành đặc sản có hương vị lạ được nhiều người mua về ăn.
Tùy theo điều kiện thời tiết mà mùa cọ chín có thể kéo dài tới vài tháng. Vì vậy mùa cọ bắt đầu được bán rầm rộ rơi vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch. Giá của quả cọ thường khoảng 60.000 đồng/kg, loại cọ nếp chất lượng hơn thì có giá cao hơn, có khi lên tới 100.000 đồng/kg. Nhiều shop online bán cả cọ tươi và cọ ỏm sẵn. Cọ ỏm sẵn chỉ việc mang về ăn luôn nên được bán với giá cao hơn cọ tươi 5.000 - 10.000 đồng.
Anh Phương (ở Phú Thọ) chia sẻ: "Không phải cây cọ nào cũng cho quả ngon mà phải là cọ nếp. Nhiều khi cả trăm cây cọ ra quả mới có một cây cọ cho quả ngon. Quả cọ ngon thì phần thịt sẽ cho màu vàng óng, thớ quả mịn và ít thô.
Loại quả này chát xít nếu như ăn luôn khi hái trên cây xuống. Vậy nên nhiều người phải mang đi "ỏm" (tức làm chín) để cọ chín mềm. Khi đó, cọ sẽ bớt chát hơn nhiều và mang đến cho người ăn một hương vị khá lạ miệng".
Không chỉ là đặc sản, quả cọ còn là món ăn cung cấp một số dinh dưỡng nhất định với cơ thể, thậm chí hỗ trợ điều trị một số bệnh nếu sử dụng hợp lý. Một số nghiên cứu cho thấy trong quả cọ có hàm lượng chất béo, chất đạm, canxi nhất định.
Những món ngon từ quả cọ:
Cọ ỏm: Những trái cọ được rửa sạch, đem xóc lẫn với những mảnh nứa già cho bong vỏ, sau đó đổ nước sôi lăn tăn khoảng 85-90 độ C vào thùng hoặc chậu cọ, để tầm 15-20 phút là cọ chín mềm. Nếu cho vào nước quá nóng sẽ làm quả cọ teo lại, ăn cứng và chát. Ỏm lâu quá lại làm cọ mềm nhũn, giảm độ ngon, bùi.
Xôi cọ: Xôi cọ cũng làm từ cọ ỏm, nhưng sau khi cọ ỏm chín, dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt vàng óng của cọ. Thịt cọ ấy đem trộn đều với gạo nếp hương, xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun nhỏ lửa, đồ chín. Khi xôi chín, trộn thêm hành mỡ đã phi thơm vào khiến cho món xôi cọ càng hấp dẫn.
Bánh dầy "xứ cọ": Cọ nếp sau khi ỏm sẽ trổ màu vàng đẹp mắt, ăn mềm và dẻo. Ở nhiều vùng, loại cọ nếp này có thể được dùng để làm bánh dầy. Cọ nếp sau khi om vàng được bóc ra, đem giã dập sẽ là nguyên liệu độc đáo cho món bánh dầy của “xứ cọ”.
Dưa cọ: Quả cọ ngoài làm ỏm thì còn có thể làm dưa. Khi đến mùa cọ các bà các chị còn chọn những quả cùi dày, béo rồi mang cạo sạch vỏ đem làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.