Loài cây này thường mọc dại trên các kênh mương, vùng đầm nước mà không cần có ai chăm bẵm.
Từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, người dân miền Tây lại nô nức lội nước, vớt một loài thực vật được xem là “lộc trời” để mang về bán kiếm thêm thu nhập. Chúng là những cây hẹ nước bồng bềnh, xanh mướt. Hẹ nước thường mọc ở đồng ruộng, kênh mương, vùng đầm nước và đất phèn quanh khu vực miền Tây.
Vào mùa nắng, khô hạn kéo dài làm cho ruộng đồng nứt nẻ. Khi mùa mưa tới, đất đai ngập trong nước thì ngay lập tức, hẹ nước sẽ đồng loạt mọc lên ở khắp nơi. Hẹ nước phát triển rất nhanh, chỉ sau vài tuần chúng đã mọc dài khoảng 5 - 6 tấc, mặt lá rộng bằng một ngón tay. Khi này, người dân sẽ bắt đầu thu hoạch hẹ nước.
Hẹ nước sinh trưởng rất mạnh mẽ, chúng không chỉ sống được ở vùng nước ngọt phù sa mà còn mọc trên các kênh mương đầm nước và vùng đất phèn. Cứ vào mùa nước nổi, du khách dễ dàng nhìn thấy hẹ nước dập dềnh, bồng bềnh xanh mướt trên làn nước.
Ai lần đầu nghe tới sẽ bị nhầm hẹ nước với loại rau hẹ mọc trên cạn. Thế nhưng hẹ nước lại mềm, xốp và mọng nước, khi ăn rất giòn và có vị ngọt thanh, rất tươi mới, dễ chịu. Còn hẹ trên cạn thì khô và cứng hơn, khi ăn hơi giống hành lá.
Người dân miền Tây thường coi hẹ nước là lộc trời cho cũng bởi chúng mọc hoàn toàn tự nhiên. Trước đây chỉ người dân nơi đây thu hái về để gia đình thưởng thức, còn giờ đây chúng đã có giá trị kinh tế hơn. Từ đó, người dân cũng có thêm một nguồn thu nhập trong mùa nước nổi. Hẹ nước mang về có thể chế biến thành những món ăn thơm ngon cho bữa cơm hàng ngày.
Muốn hái được hẹ nước, người ta sẽ phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, có khi ướt lên tận cổ. Họ dùng tay để tìm gốc hẹ, lắc lắc vài cái cho đất nhão, rễ rời ra rồi nhổ lên cả bụi. Nơi nào nước càng sâu và chảy mạnh thì hẹ nước sẽ có màu xanh đậm hơn, lá to bản và xốp, giòn, thơm hơn so với hẹ mọc trong các mương nhỏ.
Người dân ở đây chia sẻ kinh nghiệm, hẹ nước có phần thân và gốc màu trắng thì sẽ càng ăn ngon. Những cọng lá hẹ xanh non mơn mởn, sau khi hái xong sẽ được người dân giũ bớt bùn rồi để vào từng thau lớn, đổ nước sạch ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho tan hết bùn lầy bám trên thân, lá. Do mọc trong bùn nên hẹ sẽ có mùi rất đặc trưng. Vì thế, nhiều người còn ngâm hẹ với nước muối để giảm bớt mùi này, khi ăn sẽ ngon hơn. Phần rễ của cây hẹ cũng ăn được nhưng người ta thường cắt đi để trông đĩa rau đẹp mắt.
Mỗi mùa nước nổi về, món rau hẹ luộc ăn cùng mắm sặc gần như có mặt trên tất cả mâm cơm gia đình của người miền Tây. Món này làm rất đơn giản, mang rau hẹ đi luộc hoặc xào sơ qua đều được. Rồi họ làm thêm một chén mắm sặc vừa ăn là đã có thể thưởng thức rồi. Mắm của miền Tây có hương vị riêng, chấm với hẹ nước sẽ càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Món này mà ăn cùng với cơm trắng là ngon hết bài, đúng chất một người miền Tây thực thụ.
Bên cạnh bông súng, bông điên điển, nồi lẩu của người miền Tây cũng không thể thiếu hẹ nước. Rau hẹ nước thanh ngọt, mọng nước khi nhúng vào nước lẩu lại càng trở nên đậm vị hơn. Khi ăn hẹ nước nhúng lẩu, bạn chỉ cần nhúng sao cho vừa chín tới để giữ được độ dai giòn của hẹ nước.
Giờ đây, hẹ nước trở thành món rau đặc sản nhiều người yêu thích. Có những chị em ở thành phố cũng muốn đặt mua bằng được vì tò mò hương vị của nó. Trên các chợ mạng, hẹ nước được bán với giá lên tới 140.000 đồng/kg mà vẫn có rất nhiều người đặt mua.