Do chỉ có trong tự nhiên, việc đánh bắt phải tùy thời điểm nên loài vật này ngày càng khan hiếm ở miền Tây.
Tuy không nổi tiếng như nhiều đặc sản miền Tây như cá linh bông điên điển, tôm càng xanh,… nhưng những con ốc đắng lại là một món ăn vặt, ăn chơi của nhiều người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đồng thời, nó cũng là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ngon trong bữa cơm thường ngày.
Nhiều người còn cho rằng, đã là người miền Tây thì không ai không biết tới ốc đắng. Cũng bởi nó đã gắn liền với đời sống người dân vùng sông nước từ rất lâu. Thế nhưng, những năm gần đây ốc đắng trở nên khan hiếm, con nhỏ, thịt không còn béo, ngon như lúc trước nữa. Thế nhưng cũng có một thời gian, trên khắp các con kênh lại xuất hiện ốc đắng, giúp người dân có thêm thu nhập.
Tầm tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống dòng sông ngập ngụa phù sa, cũng là lúc ốc đắng sắp vào mùa đẻ trứng. Mùa này, ốc mập ú, thậm chí những trứng non mới tượng hình trong ruột khiến thịt ốc ăn rất ngọt, giòn, bùi. Nhưng đến cuối mùa, ốc ốm, ruột đầy con non, nhai rạo rạo kém ngon...
Ốc đắng có mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ (cũng có khi lớn hơn), màu nâu thẫm, đuôi nhọn, trôn ốc xoắn nhặt (tương tự như ốc gạo). Tuy không to, nhiều thịt như ốc bươu, ốc lác, nhưng khi nhắc đến ẩm thực miệt đồng quê thì người ta lại nghĩ ngay về loài ốc đắng.
Ốc đắng thường trú ở những bụi rậm nằm ven các con kênh. Vì vậy, khi con nước vừa xuống, người dân miền Tây thường bơi xuồng dọc theo các con kênh, dỡ từng bụi cây. Ốc đắng bám dày đặc các bụi cây, người ta chỉ cần giũ mạnh cho ốc rơi xuống xuồng rồi đi tiếp đến những bụi cây khác. Bắt ốc theo cách này nhanh, đơn giản mà vẫn có thể bắt được nhiều ốc.
Để bắt ốc nhanh và tiện hơn, người miền Tây thường dùng bao đựng lúa hay bao thức ăn chăn nuôi, tàu lá chuối, tàu dừa đặt xuống các mé kênh, sau đó dùng sợi dây buộc vào gốc cây để cố định vị trí. Qua một đêm, ốc sẽ bám vào đó, người dân chỉ cần dỡ lên bắt thôi.
Ốc đắng khi bắt lên được ngâm trong nước lạnh cùng vài trái ớt sừng đập giập cho ốc nhả hết bùn, chất bẩn ra nhanh. Ngoài món ốc đắng luộc với sả hoặc lá ổi, lá chanh dùng với nước mắm chanh sả ớt (hay cơm mẻ sả ớt), thịt ốc đắng có thể chế biến ra nhiều món ngon khác như gỏi ốc đắng trộn bắp chuối, chả ốc đắng, ốc đắng chiên trứng, ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa.
Thưởng thức ốc đắng khá đơn giản. Cách làm thường thấy và giữ nguyên được vị ốc nhất chính là luộc lên chấm với một đĩa nước mắm sả ớt hoặc nước mắm cơm mẻ. Thịt ốc đắng có mùi vị ngọt lành. Ăn ốc đắng mà bỏ phần cuối thì mất ngon, không còn gọi là ốc đắng nữa, bởi sau vị đắng là vị béo, bùi, dẻo như bột. Nhể một con ốc đắng mập, chấm vào chén cơm mẻ rồi đưa lên miệng nhai và cảm nhận... Ốc đắng giòn sần sật ở phần đầu, béo ở phần đuôi, quyện cùng vị chua của cơm mẻ, cộng thêm vị the the của gai lể ốc, cay nồng của rau răm, làm món ăn ngon khó tả.
Bên cạnh đó, trong quá trình luộc, người miền Tây thường sử dụng nước ốc đắng để nấu canh rau tập tàng cải thiện những bữa cơm nghèo khó.
Đối với các bà nội trợ Miền Tây, có lẽ món ngon nhất từ con ốc đắng là gỏi cuốn ốc đắng lá cách. Món này cần đến nhiều sự khéo tay và phải kỳ công trong khâu chế biến. Đầu tiên là phải luộc rồi nhể thịt ốc ra, sau đó trộn với cơm dừa khô xắt nhuyễn, dùng lá cách gói hỗn hợp ấy rồi chấm với nước mắm sả để ăn. Khi kết hợp các nguyên liệu lại, món gỏi cuốn bằng lá cách này có mùi vị khác hẳn đi, thơm ngon đến lạ.
Ốc đắng có giá dao động từ 50.000 đồng – 130.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Vì ốc được đánh bắt tự nhiên nên không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội nếm thử món ăn này.