Những món ăn đơn giản, dân dã nhưng được người Long An chế biến sao cho đậm đà, ngon lành và “hớp hồn” không biết bao nhiêu du khách.
Canh chua cá chốt
Đối với người dân Việt Nam giản dị mộc mạc thì món canh chua đã quá quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, nhưng ở Long An canh chua lại là một món ăn nổi tiếng, là đặc sản của vùng quê này.
Canh chua cá chốt Long An đặc biệt bởi nguyên liệu chính là cá chốt - một loài cá có da trơn, kích thước không lớn, to nhất chỉ ở mức 1kg. Cá chốt sống nhiều ở vùng Tây Nam Bộ, không khó để tìm được chúng ở miền này. Cá chốt được dùng để chế biến nhiều loại món ăn như kho sả ớt, kho tộ, chiên,... nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh chua. Người dân Long An rất biết cách lựa cá để nấu canh, họ chọn những con chất lượng, còn tươi và nhiều trứng. Nguyên liệu chỉ gồm cá chốt, lá me non, đậu bắp, cà chua và rau thơm, nhưng bằng cách chế biến riêng, món canh chua cá chốt đã trở thành đặc sản nơi đây.
Canh chua cá chốt có vị vừa béo vừa bùi của cá chốt, vị me non hơi chua và mùi rau thơm hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn ngon đậm đà.
Mắm còng Cần Giuộc
Đặc sản Long An làm mê đắm lòng người tiếp theo là mắm còng Cần Giuộc – một món ăn độc đáo của người dân Nam Bộ.
Còng ngon nhất là khi thu hoạch vào đúng ngày mùng 5 tháng 5. Thời điểm này còng rất ngon và việc chế biến không phức tạp. Đầu tiên, sau khi rửa sạch còng, đầu bếp sẽ đâm nhuyễn cùng với muối, rồi đem phơi nắng khoảng 3 - 4 ngày. Qua khoảng thời gian này, sẽ tiến hành vắt còng để lấy nước cốt và tiếp tục đem phơi nắng đến khi mắm keo lại và có màu đen như bùn.
Mắm còng thích hợp ăn kèm với thịt ba chỉ, rau sống, bún tươi hay dưa leo. Món ăn này đóng vai trò quan trọng trong các bữa ăn của người Nam Bộ. Khi thưởng thức mắm còng, bạn đừng quên nhâm nhi ly rượu mới có thể ngấm hết vị ngon của món ăn đặc biệt này.
Bún xiêm lo
Bún xiêm lo là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia nhưng lại được lòng rất nhiều du khách Việt Nam bởi nó đã được biến tấu đi một chút để phù hợp với khẩu vị người Việt.
Khác với nhiều loại bún ở Long An, nước dùng của bún xiêm lo thường được nấu từ cá lóc thay cho xương heo. Chính vì vậy, món ăn này luôn có vị ngọt thanh và một mùi thơm đặc trưng khi ăn. Ngoài ra, thưởng thức bún xiêm lo thì cũng không thể thiếu các loại rau ăn kèm như: kèo nèo, tai tượng, rau muống,…
Thịt lợn muối chua
Thịt lợn muối chua là một món ăn bắt nguồn từ phong tục của người Mường thường xuất hiện ở các dịp lễ tết, hội hè hay cưới hỏi. Để làm được món này, đòi hỏi phải biết cách chế biến kỳ công đặc biệt bởi nó được kết hợp từ nhiều loại lá rừng như lá mít, quế, trầu không... bên cạnh thịt lợn.
Thịt lợn dùng để muối chua cần phải được chọn lựa kỹ lưỡng để có thể làm nên chất lượng tốt nhất, ngon nhất. Người ta hay chọn thịt của lợn choai được nuôi theo kiểu thả rông dài ngày để đảm bảo độ chắc thịt. Sau khi cắt thịt lợn thành từng miếng, ướp muối và giềng khô được giã nhỏ, trộn với rượu nếp cái và ủ với lá rừng. Chỉ một đến hai tuần sau đã có thể mở ra và thưởng thức món thịt lợn muối chua đặc biệt này rồi.
Thịt lợn muối chua Long An có mùi vị đặc biệt, vừa bùi vừa ngậy, vừa có vị mặn của muối và vị chua của men rừng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một món đặc sản hấp dẫn. Vì vậy mà không khó để tìm mua món này ở trong các chợ lớn của tỉnh Long An.
Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là một món đặc sản nổi danh của vùng đất Long An. Món ăn này hấp dẫn du khách bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Cá lóc đồng sau khi sơ chế sẽ lấy một thanh tre tươi để xiên vào miệng cá. Tiếp đó, cá sẽ được cắm xuống đất và phủ rơm khô lên trên để đến khi rơm cháy hết là cá cũng vừa chín tới.
Cá lóc sau khi nướng xong sẽ được bóc đi lớp da cháy và rưới lên một chút đậu phộng, mỡ hành. Đây chắc chắn sẽ là món ăn khiến bạn không thể kiềm lòng khi đến với mảnh đất Long An đấy nhé!