18 năm, khách nào đến ăn bà Thanh cũng nhớ hết mặt và nhớ hết từng người gọi đồ một. Tuy nhiên nhiều lúc, mọi người vẫn trêu vui bảo bà lẩm cẩm người đến trước không bán lại bán cho người đến sau.
Nem chua rán thơm nức mũi của bà cụ lưng còng
Ở khu vực Thành Công có một hàng nem chua rán lâu đời gắn liền với tuổi thơ của lứa học sinh nơi đây mà nhắc đến ai cũng thấy bồi hồi, đó là nem rán bà cụ lưng còng. Đây cũng là một trong những địa điểm bán đồ ăn vặt được nhiều người biết đến ở Hà Nội.
Nem rán 3 nghìn 18 năm gắn bó bao thế hệ học sinh Thành Công
Nem rán bà cụ lưng còng là cái tên mọi người đặt cho quán nhỏ của bà Thanh suốt 18 năm nay ở cổng trường THCS Thành Công. Gọi là quán cho sang vậy thôi, thực chất quán của bà chả có mái hiên, nó nằm dưới tán cây cổ thụ với đơn giản 2 chiếc bếp than và vài ba cái ghế nhỏ để mọi người ngồi. Tuy vậy, không gian nơi đây cũng vô cùng tràn ngập thiên nhiên, phố xá vừa rộng rãi, thoải mái lại vừa bình dân phù hợp tất cả mọi người.
Không gian quán của bà Thanh vô cùng đơn giản, rộng rãi.
Được biết, bà Thanh bán ở đây được gần 20 năm, là kỷ niệm tuổi thơ của bao thế hệ học sinh Thành Công. Ngày nào bà cùng một người giúp việc nữa chạc gần 50 tuổi ra cổng trường khoảng 2h chiều để chuẩn bị mọi thứ, nhóm lửa, bắc bếp rán phục vụ mọi người đến 7h tối mới về.
Mặc dù bà Thanh nay đã gần 80 tuổi, mái tóc đã điểm bạc hết, da nhăn nheo, dáng người nhỏ bé với chiếc lưng đã còng theo thời gian nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, tháo vát, bán hàng thoăn thoắt. Phải nói, bà nhớ order cực giỏi, nhớ cả thứ tự ai đến trước sau, nhớ từng vị khách, từng đồ họ gọi để giao đúng đủ.
Vì quán chỉ có 2 người làm đồ, phục vụ nên mỗi khi đông khách phải chờ lâu, ai cũng bỏ qua hết vì sự thân thiện, vui vẻ, ấm áp của người bà họ cảm nhận được khi đến mua.
Bà chỉ bán nem chua rán, tôm phomai, tôm, cá viên.
Thực đơn ở đây cũng rất đơn giản giống như quán và con người của bà Thanh, chỉ có nem chua rán, tôm phomai, tôm, cá viên. Trong đó, nem chua rán có 2 loại, một loại bọc vỏ bánh pía rán giòn, thơm, ngậy còn một loại bọc bột tôm thơm nức, mềm dẻo. Bạn chỉ cần cắn qua lớp bột mỏng nóng hổi là tới lớp nem dày và sẽ cảm nhận được vị dẻo, thơm khi thưởng thức. Tuy thịt nem có chút nhạt nhưng lớp bột có vị ngọt nhẹ, kết hợp thêm với tương ớt cay cay, thế là đủ cho một buổi chiều ngon miệng.
Để có thể thưởng thức những món ăn vặt này được ngon nhất, bạn nên chú ý đến nước tương và xin thêm ít đường rồi vắt quất khuấy đều lên chấm. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú và đã miệng. Vị ngòn ngọt, cay cay thấm đẫm vào từng miếng nem, miếng tôm, cá viên chiên khiến món ăn thêm dậy mùi cuốn hút.
Mỗi món đồ của bà chỉ từ 3-5 nghìn phù hợp cho học sinh có thể chống đói trước khi về đến nhà.
Khách đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ vừa thưởng thức vừa ngắm phố.
Viên tôm phomai.
Tôm chiên.
Nem bọc bột tôm và nem bọc vỏ bánh pía.
Ai cũng bảo già lẩm cẩm nhưng 18 năm khách nào cũng nhớ mặt
Vừa ngồi rán nem, bà Thanh vừa cho biết, bà tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh, năm nay 76 tuổi. Bà đã bán món nem chua rán này ở cổng trường Thành Công đến nay được 18 năm.
Ngày nào bà cũng bán trừ những ngày mưa.
Chia sẻ về món ăn này, bà cười cho biết, đó là món của con dâu truyền lại cho bà. Trước đây bà bán xôi chè vất vả cả ngày, con dâu tên là Hạnh bán nem chua rán nổi tiếng ở cổng trường Thăng Long đã bảo bà món quà vặt này bán để đỡ vất vả khi tuổi cao sức yếu. Nghe lời con dâu, hơn nữa trong nhà có người em làm nem chua đảm bảo, uy tín nên bà bán từ những năm 2000 đến giờ.
Trước khi “chốt hạ” bán nem chua rán, bà Thanh cũng đã từng trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh cuộc sống. Bà Thanh nhớ lại, ngày bé bà ở với mẹ không được nhiều bởi 19 tuổi đã đi lấy chồng ở phố Sơn Tây. Từ đó, bà cứ mưu sinh đủ thứ món nghề trên con phố này cũng vất vả, gian nan lắm. Trước đây, bà bán bún ngan măng, thêm cả bún riêu 3 năm trời. Ngày ấy bát bún riêu chỉ có 2 nghìn/bát. Rồi sau đó, bà chuyển sang bán cháo lòng tiết canh, trứng cút lộn rồi đến bán xôi chè.
“Tôi bán xôi chè cứ dậy 3-4h sáng, con dâu thấy mẹ vất vả bảo thôi mẹ bán nem chua rán. Nói chung cuộc đời tôi nhiều nghề lắm mới đến bán hải sản: tôm, cá, bò hiện nay nhưng đến tuổi này tôi chỉ cầm cự thời gian nữa là nghỉ thôi”, bà Thanh chia sẻ.
Bà từng rán nem đến bỏng cả 2 tay.
Thời gian đầu bán, vì chưa có kinh nghiệm nên những miếng nem bà rán cứ bị bám dính vào nhau, chẳng bóc tách được vì có bì. Mấy tháng trời, ngồi cả ngày bà chỉ bán được 50-100 chiếc mà nem thời đó lại rẻ chỉ có 1 nghìn/chiếc, trừ chi phí tất cả cũng chẳng thu về được là bao.
Đó còn chưa kể, bà rán nem bị mỡ bắn bỏng hết 2 cánh tay, cứ thâm đen như nốt ruồi chi chít. Mãi sau này làm quen, bà mới sáng chế thêm những thứ cho vào nem để không bị bắn vào người và tồn tại được đến bây giờ.
“Nem có bì nên bắn lắm, rán cứ bị bắn hết 2 bàn tay như nốt ruồi. Tôi bảo thế này không được rồi nghĩ ra mua bột tôm cho vào nem đỡ bắn, khách ăn cũng sướng hơn vì nó giòn ngọt vẫn đảm bảo được độ dẻo của nem. Thêm nữa, tôi lấy vỏ bánh pía gói với nem rán ăn giòn ngon hẳn”, bà Thanh cho hay.
Mỗi ngày trong 3 tiếng bà bán được khoảng 350 chiếc.
Bà Thanh cho biết, vì nem của người em làm được, chỉ mất chi phí dầu rán, đường, ớt, tương ớt làm nước chấm nên đến bây giờ bà vẫn bán 3 nghìn đồng/chiếc. Trước đây, bà bán 1 nghìn/chiếc, sau tăng lên 2,5 nghìn/2 chiếc và đến giờ chỉ tăng hơn chút. Hiện nay, mỗi ngày bà bán được khoảng 350 chiếc 3-4 tiếng buổi chiều. Nhiều hôm đến 6h tối bà đã hết sạch hàng phục vụ.
Tuy nhiên, dù khách đông hơn bà cũng chỉ bán thế bởi món ăn này tốn dầu, hơn nữa bà còng, già yếu rồi không có nhiều sức khỏe để cố nữa.
Đến bây giờ niềm hạnh phúc nhất của bà là nhiều lớp học sinh xưa vẫn yêu quý và nhớ về. Nhiều học sinh từ thời bà vẫn còn bán 1 nghìn/chiếc nem bây giờ vẫn quay trở lại thưởng thức, ôn kỷ niệm với bà hay những người nay đã thành đạt trở thành công an, luật sư, bộ đội vẫn đến đây, cho con cái đến ăn.
Dù đã U80 nhưng bà vẫn nhớ mặt khách đến ăn suốt 18 năm.
Bà Thanh tâm sự, dẫu tuổi có già nhưng bà vẫn vô cùng minh mẫn, nhớ từng gương mặt học sinh đến quán. Có người lâu lắm mới quay lại ăn cũng bất ngờ vì bà vẫn nhớ mình và người bạn đi cùng. Thế nhưng, nhiều khách vẫn bảo bà lẩm cẩm vì người đến trước không bán lại bán cho người đến sau trước. Nào có ai biết mục đích chính của bà đó là bán cho những người đi xe máy đến sau để giải phóng vỉa hè, đường xá xong rồi mới phục vụ những người ngồi ăn tại đây cho thoải mái, thuận tiện.
Hiện nay, bà Thanh chỉ bán những ngày nắng còn ngày mưa bà nghỉ hàng. Đối với bà, mang đến cho mọi người món ăn ngon, được mọi người nhớ về là niềm vui nhất ở tuổi già của mình.