Đến tuổi 30, bạn cần biết rõ nguồn thu và nguồn chi của mình. Ngoài việc đảm bảo rằng bạn đang kiếm được nhiều hơn số tiền mình chi tiêu, bạn cần biết liệu mình có đang đi đúng hướng với mục tiêu tiết kiệm và nghỉ hưu của mình hay không.
Xây dựng quỹ khẩn cấp
Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ và chúng ta không thể biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình trong ngày mai. Đó là lý do tại sao xây dựng một quỹ khẩn cấp lại quan trọng đến vậy.
Số tiền bạn cần tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp này còn tùy thuộc vào mức độ ổn định công việc của bạn, tình trạng sức khỏe hay nơi bạn sống... Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung là quỹ khẩn cấp nên ở mức từ 3 đến 9 tháng sinh hoạt phí. Tất nhiên, bạn có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào tình trạng của bạn. Khi ở tuổi 30, sẽ tốt hơn khi bạn đã có quỹ khẩn cấp hoặc đang trên đường đạt tới mốc 3-9 tháng đó.
Thương lượng mức lương của mình
Bạn không thể ngồi một chỗ và mong đợi cấp trên chủ động đưa ra một khoản tăng lương hay tiền thưởng. Ngay cả khi sếp của bạn nhận thấy sự chăm chỉ và hiệu quả của bạn, họ không nhất thiết phải trả cho bạn nhiều hơn những gì hiện có. Hãy yêu cầu những gì bạn muốn.
Chuyên gia tài chính cá nhân Farnoosh Torabi, người đã tăng gấp đôi mức lương của mình ở tuổi 26, từng chia sẻ: "Bạn không nhận được những gì bạn xứng đáng. Bạn nhận được những gì bạn thương lượng."
Hãy đọc về những điều nên hay không nên trước khi tiến hành một buổi đàm phán lương. Bạn cần biết giá trị của mình là gì, bản thân sở hữu thế mạnh vượt trội nào và hiện vị trí tương đương trong ngành đang được trả mức lương là bao nhiêu.
Đóng góp ít nhất 10% thu nhập vào tài khoản hưu trí
Cần nhớ rằng, chuẩn bị cho những ngày tháng nghỉ hưu không bao giờ là quá sớm. Càng bắt đầu sớm, bạn sẽ càng nhanh chóng đạt được mục tiêu và có nhiều lợi thế.
Nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên dành ít nhất 10% thu nhập của mình cho quỹ hưu trí. Điều này có thể khó khả thi khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp của mình ở những năm 20 tuổi nhưng đó là một mục tiêu tốt để đạt được khi bạn 30.
Nếu bạn chưa bắt đầu, hãy tạo thói quen trích một phần thu nhập và tăng dần tỷ lệ đến mức 10% hoặc hơn khi bạn đã thấy thích nghi.
Thiết lập mục tiêu tiết kiệm và bắt đầu dành tiền cho những khoản mua sắm lớn
Chắc chắn sẽ có những khoản chi tiêu lớn mà bạn cần trong tương lai như nhà, xe hơi, chăm sóc và nuôi dạy con cái... Những điều này đòi hỏi bạn cần tiết kiệm một cách siêng năng.
Cách tốt nhất để chuẩn bị cho những khoản chi này là lập mục tiêu tiết kiệm, sau đó dành tiền càng sớm càng tốt. Bạn có thể iều chỉnh ngân sách của mình tùy thuộc vào mục tiêu và khả năng. Hãy coi khoản tiền gửi tiết kiệm hàng tháng như một khoản chi phí cố định, nghĩa là bạn phải dành nó sang một bên giống như bạn phải làm với tiền thuê nhà, tiền đóng học cho con vậy.
Mẹo chuyên nghiệp: Thiết lập chuyển khoản tự động từ tài khoản séc sang tài khoản tiết kiệm của bạn để bạn thậm chí không bao giờ nhìn thấy số tiền này và học cách sống thiếu nó.
Thiết lập mục tiêu giàu có
Ngoài mục tiêu tiết kiệm, bạn sẽ muốn thiết lập mục tiêu về thu nhập hàng năm và giá trị ròng của mình. Nhớ rằng, tiền không tự nhiên xuất hiện, bạn phải làm việc để tạo ra nó. Nếu bạn muốn xây dựng sự giàu có, bạn phải có một mục tiêu rõ ràng và cụ thể trước khi hình thành một kế hoạch tài chính để đạt được những gì mình muốn.
Hãy thực tế khi đặt ra khung thời gian để đạt được những mục tiêu giàu có hơn. Một mục tiêu không khả thi dễ khiến bạn từ bỏ ngay khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà bạn luôn sống trong vòng an toàn, không dám thử thách bản thân. Một đặc điểm nổi bật của những người giàu có là họ cam kết đặt ra những kỳ vọng cao.
Mua bảo hiểm phù hợp
Nhiều người không muốn tìm hiểu về bảo hiểm bởi nhiều lý do, có thể nó phức tạp và khó hiểu song khi ở tuổi 30, bạn cần có bảo hiểm phù hợp với mình. Đó có thể là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm ung thư hay bất kỳ loại nào phù hợp với tình trạng của bạn.
Bạn cũng cần tạo thói quen đánh giá lại các kế hoạch bảo hiểm của bạn mỗi năm để đảm bảo rằng bảo hiểm của bạn vẫn hoạt động, phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn.
Thiết lập một phương pháp để theo dõi chi phí
Đến tuổi 30, bạn cần biết rõ nguồn thu và nguồn chi của mình.
Ngoài việc đảm bảo rằng bạn đang kiếm được nhiều hơn số tiền mình chi tiêu, bạn cần biết liệu mình có đang đi đúng hướng với mục tiêu tiết kiệm và nghỉ hưu của mình hay không. Bằng việc theo dõi chi tiêu, bạn sẽ biết được đâu là khoản mình có thể cắt giảm, đâu là khoản nên đẩy mạnh đầu tư.
Đó có thể là ghi chép lại trong một cuốn sổ hoặc bằng ứng dụng điện tử.... Quan trọng là bạn biết được đồng tiền của mình "đi" đâu và dành thời gian định kỳ xem xét lại các khoản thu chi.
Trải nghiệm cuộc sống hối hả
Bạn đang tập trung vào việc cắt giảm chi phí, đó là điều tốt song đừng vì vậy mà quên rằng những người giàu nhất, thành công nhất hành tinh đều biết cách phát triển nhiều nguồn thu nhập .
Đừng nghĩ rằng điều này ngoài khả năng của bạn vì bạn có con nhỏ, đã có công việc toàn thời gian... Có rất nhiều cách giúp bạn có thêm nguồn thu nhập, chẳng hạn như viết sách, dịch bài, bán hàng online... Thử nghiệm một cuộc sống hối hả sẽ đem lại cho bạn những trái nghiệm và bài học sống thú vị.
Thực hiện thanh toán tự động
Trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không bỏ lỡ một khoản thanh toán nào. Hầu hết các hóa đơn bạn đều có thể thanh toán trực tuyến và thiết lập thanh toán tự động hàng tháng cho các khoản chi phí cố định như: tiền thuê nhà, internet, truyền hình cáp... Một thao tác đơn giản này sẽ giúp bạn không cần phải tốn thời gian nghĩ về chúng hàng tháng và không bao giờ bỏ lỡ một hóa đơn nào.
Bạn có thể làm điều tương tự đối với các chi phí khác không phải chi phí cố định. Tuy nhiên với những khoản này, hãy đảm bảo là bạn có kiểm tra tài khoản thường xuyên để biết rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ và không có bất kỳ dấu hiệu gian lận nào. Đối với các khoản thanh toán không thể thực hiện trực tuyến, hãy thiết lập lịch nhắc nhở và tập thói quen thanh toán chúng vào cùng một thời điểm mỗi tháng.
Đầu tư vào bản thân
Những người giàu có nhất, thành công nhất thường xuyên luyện tập trí não của họ và không ngừng học hỏi dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Họ không dừng học khi chương trình giáo dục chính thức kết thúc.
Đó có thể là đăng ký một khóa học, tham dự một hội nghị có liên quan đến công việc của bạn hoặc dành thời gian cho những cuốn sách.
Và dù trong hoàn cảnh nào, cũng đừng bao giờ quên đầu tư vào sức khỏe. Không nhất thiết phải đến các phòng tập đắt tiền, bạn có thể tập tại nhà theo các bài tập trên mạng hoặc đi dạo, chạy bộ trong công viên...
Như Daniel Ally, người đã trở thành triệu phú năm 24 tuổi, từng nhấn mạnh: "Bạn nhất định phải học nếu muốn giàu có. Hãy đầu tư vào bản thân".