Để tránh phải hối hận khi mua sắm vô tội vạ hay bỏ bê tài chính cá nhân của mình, bạn cần biết đâu là thói quen chi tiêu xấu cần cắt giảm.
1. Nghiện ứng dụng
Cùng với sự phát triển của công nghệ thì đây là một trong những thói quen tài chính xấu của nhiều người. Họ thấy rằng việc bỏ ra 1,99 USD để mua một ứng dụng nào đó như chỉnh sửa ảnh, đọc truyện, game giải trí... không đáng là bao. Tuy nhiên khi cộng dồn lại, những khoản này có thể "ngốn" của bạn số tiền không nhỏ.
Hãy cân nhắc tải xuống các ứng dụng miễn phí hoặc tự đặt ra giới hạn cho bản thân bằng ngân sách ứng dụng cho hàng tháng.
2. Dùng bữa tối ngoài hàng cùng rượu
Sử dụng rượu vang khi ăn tối ngoài hàng chính là một lựa chọn đắt tiền. Thông thường, sau khi vào các nhà hàng, giá của rượu vang thường tăng lên gấp đôi, 3 và thậm chí là nhiều lần hơn.
Hãy xem xét đến những nhà hàng cho phép bạn mang đồ uống vào hoặc từ bỏ thói quen uống rượu khi đi ăn hàng.
3. Ăn trưa ngoài hàng
Một cuộc khảo sát của Visa cho thấy, người Mỹ trung bình chi khoảng 20 USD mỗi tuần cho việc ăn trưa ở ngoài. Trong hơn một năm, con số đó lên đến 1.043 USD, điều mà có lẽ nhiều người không ngờ đến.
Thay vào đó, bạn đâu cần lãng phí từng đó tiền cho việc ăn trưa trong khi hoàn toàn có thể chuẩn bị những bữa ăn đơn giản từ nhà và mang chúng đi làm? Không những tiết kiệm được tiền, bạn còn đảm bảo được nguồn năng lượng mình nạp vào cũng như vấn đề vệ sinh thực phẩm.
4. Duy trì thẻ thành viên phòng tập
Nhiều người không một chút do dự mua ngay thẻ thành viên 1 năm, 2 năm và thậm chí là 5 năm ở các phòng tập với lý do giá thành rẻ hơn nhiều so với tập theo tháng hay mua từng buổi. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự sử dụng nó, đó chính là một khoản lãng phí. Thu hút những thành viên không thực sự tập luyện là một động thái chiến lược của nhiều chủ phòng tập.
Ví dụ, hầu hết các phòng tập Planet Fitness có thể phục vụ khoảng 300 người, nhưng trung bình họ có 6.000 thành viên. Lý do mà mô hình kinh doanh này hoạt động tốt là vì chỉ có một phần nhỏ các thành viên sử dụng cơ sở vật chất một cách thường xuyên.
Hãy sống là chính mình. Nếu bạn không tập thể dục, đừng đăng ký vì ham rẻ bởi sự thật là bạn đang lãng phí tiền vào những việc không thực sự giá trị.
5. Không có bảo hiểm y tế
Steven Fox, một nhà hoạch định tài chính có trụ sở tại San Diego cho biết: “Những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới, thường nghĩ rằng họ là "bất khả chiến bại" và bảo hiểm y tế là không cần thiết. Tuy nhiên, những bi kịch bất ngờ mà không ai mong muốn có thể dẫn đến những trở ngại tài chính đáng kể. ”
Dù bạn bao nhiêu tuổi, giới tính là gì, sẽ tốt hơn khi bạn có bảo hiểm y tế.
6. Hút thuốc lá
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, có tới 34,2 triệu người Mỹ hút thuốc lá. Một bao thuốc có giá trung bình từ 5 USD đến 13 USD, tùy thuộc vào nơi bạn sống. Với nửa bao thuốc mỗi ngày, bạn có thể đã "vứt đi" từ 200.000 USD đến 600.000 USD trong suốt 40 năm (giả sử số tiền đó được bạn đầu tư với tỷ suất lợi nhuận 8%).
Từ bỏ thói quen hút thuốc là cách hiệu quả để bạn tiết kiệm tiền và tăng cường sức khỏe.
7. Mua hàng bốc đồng
Thêm một gói kẹo cao su vào giỏ hàng của bạn khi thanh toán ở cửa hàng tạp hóa có vẻ không phải là một vấn đề lớn, nhưng thói quen mua sắm một cách bốc đồng thì có.
Ví dụ: Các nhà bán lẻ trực tuyến thường có nhiều thủ thuật để lôi kéo bạn quay trở lại giỏ hàng trực tuyến của mình bằng cách gửi email cho bạn nhắc nhở và thông báo chương trình khuyến mại. Những khoản chi không có kế hoạch, mua vì cảm xúc có thể dễ dàng phá hỏng ngân sách đã được lên kế hoạch trước đó của bạn.
8. Nợ thẻ tín dụng
Nếu bạn thấy lãi suất thẻ tín dụng hai con số là mức bình thường, bạn đang ngày càng xa rời sự giàu có. Khi bạn liên tục chỉ thực hiện các khoản thanh toán khoản tối thiểu được đề xuất, điều này có nghĩa rằng bạn sẽ phải trả mức lãi suất cao cho khoản tiền còn lại. Hãy trả nợ càng nhanh càng tốt và sau khi kết thúc, hãy chuyển tiền của mình vào các tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư khác và bắt đầu tích lũy tài sản thực sự.
9. Trả cho chính mình cuối cùng
Amanda Abella, huấn luyện viên tài chính cho thế hệ millennials (khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Amazon “Make Money Your Honey” cho biết:
“Tôi đã từng phạm sai lầm này nhiều lần và đó là lý do vì sao tôi thường hay nói về nó. Khi tôi không trả tiền cho mình trước tiên (để tiết kiệm hay đầu tư), tôi nhận thấy mình có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các chi phí khác vì tôi cảm thấy mình có đủ tiền để làm việc đó.”
10. Không có quỹ khẩn cấp
Không có quỹ khẩn cấp chính là một trong những sai lầm mà giới trẻ thường mắc. Thời gian qua, khi nền kinh tế chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19, chúng ta đã có được nhiều bài học và một trong đó chính là luôn luôn cần phải duy trì quỹ khẩn cấp. Tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh, mỗi người sẽ có con số phù hợp khác nhau, song nhìn chung nên ở mức 3 đến 6 tháng.
11. Mua hàng tạp hóa mà không lên danh sách
Những người mua sắm mà không có danh sách có thể dễ dàng rơi vào cảnh bội chi vì suy nghĩ "thêm nốt thứ này" "lấy nốt thứ kia". Việc lên danh sách trước những thứ bạn cần thiết sẽ giúp bạn chi tiêu trong phạm vi và không mất tiền cho những sản phẩm không thực sự cần thiết.
12. Không tự động hóa thanh toán
Một trong những nền tảng giúp bạn quản lý tiền bạc là tiết kiệm và tự động hóa thanh toán. Bạn có thể dễ dàng tự động hóa các hoạt động này ngay trong ứng dụng ngân hàng hoặc tại các quầy tư vấn của ngân hàng. Bạn sẽ không phải mất thời gian suy nghĩ xem mình cần thanh toán khoản nào, hạn cuối là bao giờ.
13. Chi tiêu bắt kịp người khác
Cố gắng bắt kịp vẻ ngoài và xu hướng chi tiêu của những người xung quanh có thể là điều dẫn bạn đến với thảm họa tài chính.
Chad Smith, đối tác tại Financial Symmetry ở Raleigh, North Carolina cho biết: “Mọi người thường nghĩ rằng họ chi tiêu ít hơn thực tế. Việc cố để mua nhà lớn hơn, ô tô và các đồ điện tử khác đời mới hơn có thể "thổi bay" các mục tiêu chi tiêu ban đầu trong kế hoạch tài chính."