Bạn cảm thấy mệt mỏi dù đã dành thời gian để nghỉ ngơi? Rất có thể là bởi bạn vẫn làm những hành vi này mỗi ngày, khiến bản thân kiệt sức.
Hãy coi năng lượng của bạn giống như nước trong một chiếc cốc có lỗ ở dưới đáy. Có 2 cách để đảm bảo cốc luôn chứa đủ nước là đổ thêm nước vào hoặc làm cho lỗ trở nên nhỏ hơn.
Tyson Lippe, bác sĩ tâm lý tại Heading Health (Austin, Texas, Mỹ) chia sẻ: “Tìm cách tăng cường năng lượng của bạn cũng tương tự như việc làm đầy cốc nước và tập trung để làm các nhiệm vụ ít tiêu hao năng lượng hơn nhằm giúp chiếc lỗ kia nhỏ lại. Cả 2 đều quan trọng như nhau nhưng chúng ta lại thường đánh giá thấp những gì có thể làm tiêu hao sức chịu đựng của mình.
Hãy tiếp tục làm những gì cần thiết để tăng cường năng lượng của bạn (ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục, ngủ đủ giấc) và loại bỏ, hạn chế tối đa những điều rút cạn năng lượng của bạn. Dưới đây là những điều bạn nên từ bỏ:
Xem các chương trình truyền hình khiến mình mệt mỏi
Việc say sưa xem các chương trình truyền hình gây xúc động mạnh có thể khiến bạn kiệt quệ tinh thần khi bạn quá nhập tâm, tưởng tượng bản thân sẽ thế nào khi trải qua những cảm xúc và sự kiện tương tự với một nhân vật cụ thể.
Cách khắc phục: Hãy quan tâm đến những hoạt động giải trí mà bạn vẫn làm, ghi lại cảm xúc của bạn và tác động sau đó. Bạn có thể thấy rằng một số chủ đề mình tốt nhất nên tránh để giảm tải tiêu hao sức lực.
Bạn cũng có thể đặt giới hạn thời gian hàng tuần cho việc xem những thứ có nhiều cảm xúc, chọn các chương trình nhẹ nhàng hơn để tạo sự cân bằng.
Để các bữa ăn cách nhau quá xa
Cơ thể nạp năng lượng từ thực phẩm chúng ta ăn vào. Mỗi chất dinh dưỡng như protein, carbs và chất béo đều cung cấp năng lượng nhưng carbs là nguồn nhiên liệu chính và ưa thích của cơ thể. Một số bộ phận của cơ thể như não, chỉ có thể sử dụng carbs (ở dạng glucose) để làm năng lượng.
Nguồn cung cấp năng lượng dự phòng thường chỉ kéo dài khoảng 3-6 giờ, do đó, nếu các bữa ăn cách nhau quá xa sẽ khiến chúng ta nảy sinh cảm giác thèm ăn tinh bột đã qua chế biến, vốn là những thực phẩm có hàm lượng đường cao. Khi chúng ta ăn nhiều carbs hơn, mức insulin tăng lên và khi mức insulin của đạt đỉnh sau khi ăn, lượng đường trong máu sau đó có thể giảm xuống và dẫn đến cảm giác kiệt quệ về thể chất.
Cách khắc phục: Nhìn chung, khuyến nghị là các bữa ăn không nên cách nhau quá 5 giờ. Một số người có thể cần ăn thường xuyên hơn, cách nhau khoảng 3-4 giờ giữa các bữa. Hãy chuẩn bị những món ăn nhẹ như thanh protein, các loại hạt hỗn hợp để luôn sẵn sàng cho bữa phụ.
Làm việc trên bàn làm việc lộn xộn
Làm việc trong một môi trường lộn xộn có thể khiến bạn dễ mất tập trung, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ, tốn nhiều năng lượng hơn.
Cách khắc phục: Hãy giữ bàn làm việc của bạn sạch sẽ, gọn gàng hơn bởi đó là cách đơn giản để bạn giảm việc tiêu hao năng lượng cho những việc không cần thiết. Chỉ cần 10-15 phút mỗi ngày để thu dọn khu vực làm việc của bạn trong khi nghe nhạc nhẹ, bạn đang xây dựng thói quen tích cực cho mình.
Lập kế hoạch trước quá xa
Lập kế hoạch là việc rất hữu ích. Khi đó, bạn sẽ đảm bảo được việc phân bổ thời gian cho các công việc, tránh việc bị quên hoặc không kiểm soát tốt. Tuy nhiên nếu lên kế hoạch quá xa, bạn có thể hạn chế sự linh hoạt của mình. Khi trong đầu bạn luôn ám ảnh bởi các nhiệm vụ, bạn có thể thường xuyên cảm thấy lo lắng hơn, dự đoán về tương lai, ảnh hưởng xấu đến bộ nhớ và tốc độ xử lý.
Cách khắc phục: Hãy cân nhắc lập kế hoạch cho những việc bắt buộc và dành khoảng thời gian còn lại cho sự linh hoạt. Dành thời gian cho những sở thích, khoảng thời gian thư giãn sẽ mang lại cảm giác tự do và kiểm soát cho bản thân bạn.
Mở quá nhiều tab trên máy tính
Bạn không chỉ làm cạn kiệt pin của máy tính xách tay khi mở hàng chục tab mà bạn còn khiến bộ não của bạn hoạt động quá mức. Việc liên tục chuyển qua các tab khiến bạn có suy nghĩ rằng bạn đang hoàn thành một khối lượng công việc đáng kinh ngạc song thực tế là bạn chưa hoàn thành một việc nào cả.
Cách khắc phục: Hãy thử tự hỏi bản thân: Mình thực sự cần giải quyết việc gì trước? Mục đích của tab này là gì?
Nghe điện thoại ngay lập tức
Các cuộc gọi điện thoại liên tục có thể khiến bạn mệt mỏi. Hệ thống thần kinh của bạn không chỉ phải xử lý một sự thay đổi nhiệm vụ mà còn phải cố gắng xử lý cuộc trò chuyện mà không thấy được những tín hiệu thông qua biểu cảm mặt hay ngôn ngữ cơ thể của đối phương. Điều này thực sự gây tiêu hao năng lượng. Không những thế, sau khi cuộc gọi kết thúc, bạn có thể mất hơn 20 phút để lấy lại hoàn toàn sự tập trung của mình .
Cách khắc phục: Trước khi định nghe điện thoại, hãy dành vài giây để tự hỏi mình xem liệu bạn có cần nghe cuộc gọi đó và nghe ngay lúc này.
Làm việc dở dang
Bạn có thường xuyên gác lại nhiệm vụ đã hoàn thành một nửa để giải quyết một việc khẩn cấp sắp hoặc bạn thấy cần ưu tiên khác? Lúc này, bộ não của bạn đang vừa suy nghĩ về nhiệm vụ bạn đang làm, vừa ngẫm nghĩ về nhiệm vụ trước đó mà bạn phải bỏ dở.
Điều này càng xảy ra thường xuyên, bộ não của bạn càng phải làm việc khó khăn hơn để duy trì sự tập trung, tiêu hao nhiều năng lượng hơn.
Cách khắc phục: Bạn có thể hoàn thành nốt công việc đang làm trước khi chuyển sang việc khác hoặc nếu đó là việc cần ưu tiên hơn, hãy giảm sự chú ý bằng cách viết ra các chi tiết cụ thể về những gì còn lại cần hoàn thành.
Ngồi sai tư thế
Tư thế sai có thể làm cạn kiệt năng lượng của bạn cơ, khớp và dây chằng phải chịu áp lực lớn hơn. Cơ thể bạn phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bù đắp và điều này dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
Cách khắc phục: Hãy tạo cho mình thói quen giữ tư thế đúng khi làm việc hoặc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ để có được tư thế chuẩn hơn, ghi lên giấy nhớ dán ở nơi làm việc.
Hít thở nông
Thở được coi là một hoạt động vô thức nhưng chúng ta có xu hướng thở không đúng cách khi chúng ta bận tâm bởi điều gì đó. Khi thở nông, lượng oxy cơ thể hấp thụ, chúng ta dễ cảm thấy lo lắng và mệt mỏi hơn.
Cách khắc phục: Bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng, hãy tĩnh tâm lại và hít thở sâu hơn. Cố ý hít thở bằng cơ hoành trong các khoảng thời gian nghỉ hoặc đầu và cuối mỗi ngày để kiểm soát tình trạng thở nông tốt hơn.
Để các nhiệm vụ nhỏ dồn lại chồng chất
Bạn phải nhắn tin lại cho ai đó, thay đổi bóng đèn, đặt lịch khám sức khỏe cho thú cưng… Những công việc tuy nhỏ đó khi bị dồn lại sẽ khiến bạn mất tập trung và kiệt quệ về mặt tinh thần.
Cách khắc phục: Tốt nhất là với bất kỳ nhiệm vụ nào mất ít hơn 5 phút để thực hiện, bạn nên làm ngay lập tức. Đó là cách để tiết kiệm năng lượng nhất. Nếu chưa thể làm luôn, hãy ghi ngay vào danh sách việc cần làm. Điều này sẽ mang lại cho bạn cảm giác yên tâm, đảm bảo rằng mọi thứ sẽ được xử lý hết.
Ngủ với đèn bật sáng
Khi bạn ngủ trong không gian sáng, vẫn bật đèn sẽ khiến não bộ nghĩ rằng đó vẫn là ban ngày. Điều này ức chế sự giải phóng melatonin của não, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ. Bạn có thể bị rối loạn chu kỳ ngủ - thức và dẫn đến mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém và mệt mỏi
Cách khắc phục: Hãy tạo thói quen tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ, tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ ngủ - thức.