Lời nói không chỉ đơn thuần là một thứ vô hình, dùng để giao tiếp, để ta kể những câu chuyện của mình. Những gì ta nhìn thấy bên trong quả táo phải nhận những lời chê bai ác ý kia chính là những vết thâm tím, dập nát, tổn thương mà một người phải chịu sự ngược đãi bằng lời nói hay hành động tồi tệ.
Sức mạnh của lời nói
Đó là câu chuyện sâu sắc cô giáo nọ đã dành cho các học trò của mình thông qua 2 quả táo. Trước khi vào lớp, cô giáp nọ đã cố tình nhiều lần làm rơi một quả táo xuống đất mà không để học trò của mình biết. Cô bước vào lớp với 2 quả táo có vẻ bề ngoài rất giống nhau.
Đầu tiên, cô giáo cầm một quả táo lên tay và nói với lũ trẻ rằng cô ấy không hề thích nó một chút nào. Cô không thích màu sắc của nó, trông chúng thật tệ rồi cuống thì quá ngắn quá. Lũ trẻ cảm thấy rất bất ngờ và khó hiểu khi nghe cô nói hãy cùng chê bai quả táo đó.
Nhưng cuối cùng quả táo vẫn được lũ trẻ chuyền tay nhau và nhận những lời chê bai: “Bạn là một quả táo xấu xí”, “Tôi thậm chí không biết lý do tại sao lại có quả táo như bạn”, “Chắc hẳn bên trong bạn có sâu”,...
Sau đó, cô giáo lấy quả táo còn lại và đưa lũ trẻ chuyền tay nhau để nói những lời tốt đẹp với nó: “Bạn là một quả táo đáng yêu”, “Trông bạn thật căng bóng và tươi giòn”, “Bạn có màu sắc rất đẹp”,...
2 quả táo trở về tay cô giáo nọ. Cô cầm 2 quả táo lên tay, một lần nữa cho lũ trẻ nhìn ngắm thật kỹ vẻ bề ngoài của chúng. Thế rồi, cô bắt đầu cắt những quả táo.
Lũ trẻ đã rất ngạc nhiên khi thấy quả táo được nghe những lời tử tế thì bên trong màu sắc rất sáng, tươi và ngon ngọt. Còn quả táo phải nghe những lời chê bai, không tốt thì bị thâm và dập nát bên trong.
Cô giáo nọ đã gửi đến những học trò của mình những thông điệp vô cùng sâu sắc. Lời nói không chỉ đơn thuần là một thứ vô hình, dùng để giao tiếp, để ta kể những câu chuyện của mình. Những gì ta nhìn thấy bên trong quả táo phải nhận những lời chê bai ác ý kia chính là những vết thâm tím, dập nát, tổn thương mà một người phải chịu sự ngược đãi bằng lời nói hay hành động tồi tệ.
“Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói, mà mắt lại cay cay”.
Một lời nói đúng đắn có thể xua đi căng thẳng, hàn gắn những vết thương lòng. Nó có thể là một liều thuốc tinh thần, một viên kẹo ngọt dịu dàng cho những người đang cần sự giúp đỡ của ta và cũng có thể là nhát dao khiến người khác tổn thương sâu sắc. Có thể với bản thân chúng ta, những lời nói ấy chẳng có nghĩa lý gì nhưng với người trực tiếp phải nhận nó, hoàn toàn có thể gây ra vết thương lớn mà ta chẳng thể nào ngờ đến.
Hãy dạy trẻ biết khiêm tốn
Tại một buổi lễ tốt nghiệp ở trường cấp hai nọ, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống thì nhìn thấy cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới:
– Em không nghe thầy gọi tên à?
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép đáp lại:
– Dạ, thưa thầy em đã nghe thấy ạ. Em sợ các bạn chưa nghe thấy!
Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng đôi khi lại quên dạy các con đức tính khiêm tốn.
Khiêm tốn sẽ giúp trẻ nhận ra được khả năng của chính bản thân mình, điều gì là tốt, điều gì chưa tốt, biết để hoàn thiện bản thân chứ không phải để phô diễn. Khiêm tốn giúp trẻ biết tôn trọng mọi người, biết đánh giá con người một cách tổng thể chứ không chỉ chăm chú nhìn vào điểm yếu của người khác.
Người kiêu căng, tự phụ sẽ chẳng thể nhận ra khuyết điểm của mình, thừa nhận sai sót một cách thẳng thắn. Dạy trẻ biết khiêm tốn chính là ta giúp trẻ dám nhìn nhận mình, sửa chữa những khuyết điểm để ngày càng trở nên hoàn thiện.
Và hãy nhớ rằng, khi dạy con thì chính chúng ta phải là tấm gương cho trẻ, đừng dùng quyền làm cha, làm mẹ để ra lệnh bắt con phải phục tùng trong khi chính bản thân lại không làm như vậy.
Nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”.
Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.
Bí quyết để cuộc sống tốt đẹp hơn chính là chúng ta hãy đặt mình vào vị trí người khác để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, để thấu hiểu và cảm thông với họ.
Nhiều chuyện xảy ra xung quanh khiến ta có thể nhanh chóng đưa ra những lời phán xét, bàn tán rồi chê bai. Hãy nhớ rằng, luôn có nguyên do khiến người ta hành động và suy nghĩ như cách mà họ đang sống. Đừng vội buông những lời cay nghiệt, thậm chí xúc phạm họ mà chưa tìm hiểu họ, thử đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ xem cảm giác của họ thế nào.
Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Cảm thông cho nhau, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật an yên và nhẹ nhàng biết mấy.
''Mức độ lớn khôn và trưởng thành thực sự trong cuộc đời của mỗi con người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của họ đối với người khác: dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ cho người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh. Bởi lẽ, đến một lúc nào đó trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta cũng sẽ lâm vào những cảnh ngộ tương tự'', George Washington Carver.