5 điều cần tránh để bữa cơm gia đình không trở thành cuộc chiến

Ngày 16/06/2017 00:02 AM (GMT+7)

Bữa cơm gia đình là thời khắc cả nhà được quây quần bên nhau sau một ngày làm việc và học tập trở về. Đó là thời khắc mỗi thành viên trong gia đình được nếm trải niềm hạnh phúc gia đình rõ ràng nhất.

Tuy nhiên không phải gia đình nào, không phải bữa cơm nào cũng diễn ra một cách vui vẻ hòa bình. Không ít gia đình do những bất hòa trong quan điểm sống, bữa cơm lại trở thành “trận địa” để vợ chồng, cha mẹ con cái “đấu khẩu” nhau, thậm chí trở thành cuộc hỗn chiến đẫm nước mắt...

5 điều cần tránh để bữa cơm gia đình không trở thành cuộc chiến - 1

Ảnh minh họa

Khi bữa cơm gia đình trở thành cuộc chiến

Ngày nay, nhịp sống hiện đại dường như đã kéo hầu hết các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà. Mỗi sáng mai thức dậy, trừ người già, còn lại tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tất bật rời mái ấm của mình. Bố mẹ đi làm, con cái đến trường học đến chiều tối mới trở về. Bởi chính nhịp sống đó nên bữa cơm tối là thời khắc duy nhất trong ngày để các thành viên trong gia đình được nhìn thấy mặt nhau, quan tâm hỏi han, chăm sóc cho nhau. Nhưng đó chỉ là “mặt phải” lấp lánh của chiếc huy chương, là khi mà tình yêu thương chồng vợ tràn ngập trong mỗi góc nhà.

Thực tế thì không phải cặp vợ chồng nào lúc nào cũng yêu thương nhau tràn đầy như vậy. Có những người vợ, bữa ăn là dịp để hỏi tiền lương của chồng, để trách móc than vãn, để so đo “chồng người ta thế này thế kia”, để kể tội con cái, để trút nỗi lo âu giá cả tăng… Có những người chồng, bữa cơm là lúc để thể hiện uy quyền qua việc quát tháo vợ con, là dịp để họ thể hiện sự ích kỷ khi bày tỏ thái độ bực bội rồi chê bai vợ vì món ăn không vừa ý… Chồng chê một câu, vợ vặc lại ba câu. Thế rồi người thì bỏ đi, người ở lại cố nuốt hết bát cơm khi cục tức nghẹn ứ nơi cổ. Có người không nén được cơn giận, chân tay hoạt động mất kiểm soát biến bất cứ thứ gì vớ được đều trở thành đĩa bay. Đã không ít vụ bạo lực gia đình đã diễn ra ngay tại bữa cơm gia đình như thế. Có người chồng còn bê cả nồi cơm điện lên đánh vợ… Những bữa cơm gia đình vì thế trở thành những cuộc hỗn chiến giữa hai vợ chồng khiến cho những đứa con hoang mang đến tột độ. Bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng và thê thảm hơn bao giờ hết.

5 điều cần tránh

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, vợ chồng yêu thương nhau là cả một câu chuyện dài, để làm được điều đó họ cũng cần phải học những bài học về việc sống chung. Bữa cơm gia đình cũng là một trong những bài học về nghệ thuật sống chung mà vợ chồng cần phải lưu tâm để ý. Để bữa cơm gia đình không trở thành những cuộc hỗn chiến gây tổn thương đến vợ chồng, không trở thành nỗi ám ảnh khổ đau trong tâm hồn những đứa trẻ, các cặp vợ chồng cần phải tuân thủ các nguyên tắc ứng xử sau:

1. Chồng không nên chê cơm vợ nấu hoặc ngược lại: Đây là điều cấm kỵ trong ứng xử vợ chồng. Bởi khi chê vợ nấu dở, hoặc tỏ thái độ bực bội vì vợ nấu dở là người chồng đang thể hiện cho người vợ thấy rằng: “Nhiệm vụ của cô là phải làm cho tôi hài lòng”. Cách nghĩ đó là lối nghĩ của “chồng chúa vợ tôi”, phụ nữ hiện đại thường rất khó chấp nhận được điều này. Việc chồng chê bai món ăn vợ nấu vì thế sẽ rất dễ khiến cho người vợ phẫn nộ, dù họ không thể hiện ra bên ngoài thì trong lòng cũng dậy sóng, lâu dần họ sẽ chán nản, sẽ mất hứng thú vào bếp. Tương tự, nếu người chồng nấu cơm cho cả nhà ăn cũng vậy, những thành viên khác hoặc người vợ cũng không nên chê bai những món ăn chồng nấu.

2. Vợ chồng không nên cãi nhau trong lúc ăn uống: Đây được xem là nguyên tắc bất di bất dịch cần phải tuân thủ. Khi có những điều hệ trọng mà vợ hay chồng cần bày tỏ, tốt nhất là chờ sau bữa cơm. Nếu một người nhỡ nói ra điều không vừa ý thì người kia không nên vì thế mà bốp chát trả miếng lại. Cũng giống như chuyện của con trẻ, chuyện vợ chồng cãi nhau trong bữa ăn là điều cấm kỵ. Nó không những làm cho không khí của bữa ăn thêm nặng nề mà còn gây căng thẳng. Nếu trong suốt bữa cơm vợ chồng cứ cãi cọ nhau mà không chịu bớt lời thì nhiều khi hậu quả sẽ là cả mâm cơm sẽ bị những ông chồng nóng nảy hất ra nền nhà hay ra ngoài sân. Cơm không được ăn mà còn làm mất đi sự hoà thuận vợ chồng, con cái cảm thấy buồn chán không ăn được.

3. Không nên la mắng, nhắc nhở những khuyết điểm của con trong lúc ăn: Giáo dục con cái là một việc làm cần thiết nhưng giáo dục cũng đòi hỏi phải đúng chỗ đúng thời điểm, không nên trong bữa ăn. “Trời đánh tránh miếng ăn” vì đó mà đừng làm tội con trẻ trong bữa ăn gia đình. Làm như vậy, không những không hiệu quả mà còn làm cho con cái nghĩ cha mẹ quá tàn nhẫn. Điều này làm cho trẻ chán nản mỗi khi ăn cơm và có ăn thì cũng mau chóng đứng dậy. Như vậy, bữa cơm gia đình trở nên lạnh nhạt, bức bối, không khí căng thẳng.

4. Không nên nói những chuyện gây sốc: Mọi người đang hào hứng cho bữa cơm và cảm thấy rất ngon miệng bỗng dưng bạn lại kể ra chuyện bạo lực, tai nạn, ốm đau, người chết... điều đó sẽ tác động rất nhiều đến tâm lý mọi người và cho dù có ăn tiếp nó cũng làm giảm mất cái ngon trong từng món ăn. Thay vì đó, bạn nên nói những chuyện vui hài, những niềm vui mà bạn đã trải qua hay là khen con cái vì những điều con đã làm được cho dù rất nhỏ nó sẽ là nguồn động viên giúp trẻ cố gắng.

5. Ăn chậm: Ông cha ta có câu “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng việc ăn uống chậm rãi không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà giúp con người có được phong thái trang nghiêm đáng kính trọng. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen ăn rất nhanh, ăn vội vã, ăn mà như không muốn ăn. Giáo lý nhà Phật cho rằng, đó là cách ăn gây hại cho cơ thể, gây hại cả thân và tâm con người.

Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình