Sự tiện lợi, thời gian phản hồi nhanh và tính chất phổ biến của việc nhắn tin đã khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều người để liên lạc. Những quy tắc dưới đây sẽ giúp bạn trở thành người khéo léo và chuyên nghiệp, lịch thiệp hơn trong cách cư xử.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
1. Nên trả lời ngay
Khi bạn nhận được tin nhắn, hãy cố gắng trả lời nhanh chóng. Hãy đặt mình vào địa vị của người nhắn tin để thu xếp trả lời càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên trả lời tin nhắn luôn và ngay trong mọi hoàn cảnh. Nếu đó không phải là thời điểm thích hợp để trả lời, hãy đợi và làm điều đó sau.
2. Đừng nhắn tin khi không thích hợp
Có lẽ tất cả chúng ta đều từng chứng kiến những hành vi không mấy dễ chịu như ai đó liên tục dùng điện thoại nhắn tin trong rạp chiếu phim, khi xem kịch, trong đám tang hay các sự kiện tôn giáo. Đơn giản như những bữa cơm hàng ngày, thật khó để cảm thấy thoải mái khi ai đó ngồi cạnh bạn nhưng tay luôn cầm điện thoại và tập trung nhắn tin.
Sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải là không nghĩ đến việc mình nên nhắn tin ở đâu và khi nào. Trong một số tình huống, việc bạn cầm điện thoại lên và liên tục nhắn tin sẽ bị coi là thiếu tế nhị. Nếu bạn không thể để tin nhắn đó lại và trả lời sau, hãy xin phép rời khỏi nơi đó và nhắn tin ở bên ngoài, nơi bạn sẽ không làm phiền người khác.
3. Nên nhắn ngắn gọn
Tin nhắn nên được thể hiện ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Khi tin nhắn quá dài, đó sẽ là gánh nặng cho người nhận. Nếu bạn có nhiều điều muốn nói, hãy chia nhỏ nội dung thành nhiều văn bản khác nhau. Điều này sẽ giúp người nhận dễ đọc hơn.
4. Đừng nhắn những tin nhạy cảm
Năm 2011, chồng lúc bấy giờ của nữ ca sĩ Katy Perry là Russell Brand đã chọn cách nhắn tin để thông báo chấm dứt cuộc hôn nhân của mình. Đây là điều mà không ai muốn phải nhận qua tin nhắn. Trong những tình huống tương tự khác như cho ai đó nghỉ việc, thông báo về sự ra đi của người thân... bạn cũng không nên dùng cách nhắn tin.
Lúc này, một cuộc gọi hoặc gặp mặt trực tiếp sẽ giúp bạn truyền tải thông tin tốt hơn. Đối phương có thể nhận được nhiều thông tin hơn từ giọng điệu, sự biến đổi giọng nói của bạn, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể thay vì chỉ là những con chữ trên màn hình. Cách này sẽ giúp thông điệp của bạn ít có khả năng bị hiểu sai hoặc gây tổn thương hơn.
5. Nên đọc lại tin nhắn trước khi gửi
Đôi khi chúng ta vội vàng khi nhắn tin và để xảy ra những lỗi sai không đáng có trong quá trình gõ phím hoặc lỗi sửa tự động. Chúng có thể khiến chúng ta phải bật cười khi đọc lại nhưng không phải trường hợp nào cũng thú vị như vậy. Sẽ tốt hơn khi bạn dành thời gian để đọc lại tin nhắn trước khi bấm nút "Gửi". Chỉ một vài giây thôi có thể cứu bạn khỏi sự bối rối cũng như thể hiện sự quan tâm đối với người mà bạn đang giao tiếp.
6. Đừng gửi quá nhiều tệp đính kèm
Bạn có thể gửi một bức ảnh hoặc liên kết nào đó quan trọng nhưng đừng thêm quá nhiều, đặc biệt khi nội dung đó nhàm chán hoặc tệ hơn là phản cảm. Không ai muốn bị choáng ngợp bởi những thứ mình không hứng thú, gây sốc hoặc xúc phạm.
7. Nên kiểm tra kỹ người nhận
Hết sức cẩn thận với chức năng tự động điền trong trường "Đến" của phần nhắn tin. Việc nhập các chữ cái đầu tiên của tên ai đó và nhanh chóng tích vào cái tên hiện lên đầu tiên có thể dẫn bạn đến tình huống khó xử khi gửi tin nhắn cho sai đối tượng.
8. Đừng nhắn tin quá sớm hoặc quá muộn
Một số người có thói quen sử dụng điện thoại di động của họ làm đồng hồ báo thức, trong khi những người khác sử dụng âm báo mỗi khi nhận được tin nhắn. Để tránh đánh thức ai đó, đừng nhắn tin quá sớm hoặc quá muộn. Theo quy tắc chung, bạn chỉ nên nhắn tin cho người khác tỏng khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối hoặc ngoại lệ với những người mà bạn biết rất rõ.
9. Nên đúng ngữ pháp
Bạn bè, người thân trong gia đình hay đồng nghiệp của bạn có thể không biết về các từ viết tắt mới nhất trong tin nhắn. Vì vậy hãy thận trọng và nhắn tin đúng chính tả cũng như các dấu chấm câu. Bạn cần chắc chắn rằng người nhận tin nhắn hiểu đúng thông điệp mình muốn truyền tải. Bạn có thể thêm biểu tượng cảm xúc để truyền đạt cảm xúc của mình, chỉ cần nhớ đừng lạm dụng. Quá nhiều biểu tượng cảm xúc có thể biến tin nhắn của bạn từ đáng yêu thành khó chịu.9.
10. Đừng nhắn tin khi đang lái xe
Nhắn tin khi lái xe có thể khiến bạn phân tâm và gây ra tai nạn đáng tiếc. Nếu bạn có nhu cầu nhắn tin khẩn cấp, hãy tấp vào lề, tìm một chỗ nghỉ và gửi tin nhắn.