Biết được những sự thật này sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về tiền bạc, giúp ích trên con đường xây dựng sự giàu có của bản thân.
Sự thật về tiền số 1: Bạn phải luôn trả tiền cho mình trước
Đối với những người trẻ, việc tiết kiệm khó khăn, cuối mỗi tháng nhìn vào số dư ngân hàng lại thất vọng tràn trề có lẽ rất phổ biến. Bạn thấy những gì mình có hầu như chẳng tăng lên là bao, thậm chí có tháng còn ít hơn trước. Sai lầm mà họ mắc phải chính là không trả tiền cho bản thân trước. Sau khi nhận được tiền lương, họ trả tiền thuê nhà, trả các chi phí khác và chi tiêu cho đến hết tháng rồi tiết kiệm vài đồng còn sót lại.
Tôi cũng từng trải qua quãng thời gian như vậy, cho đến khi tôi đọc được cuốn sách “Người giàu nhất ở Babylon”, trong đó nhấn mạnh rằng trả tiền cho bản thân trước tiên là một trong những chìa khóa để trở nên giàu có. Cuốn sách khuyên chúng ta nên trả cho mình 10% thu nhập mỗi tháng, đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của bản thân sẽ tăng lên theo thời gian.
Một cách giúp bạn đảm bảo được việc tiết kiệm 10% mỗi tháng là thiết lập các khoản khấu trừ tự động từ lương của mình. Bạn có thể dễ dàng cài đặt ngay trên ứng dụng ngân hàng của mình hoặc nhận sự tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Sự thay đổi đơn giản này thực sự hữu ích bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, nó cho phép tôi tránh phải suy nghĩ về việc tiết kiệm tiền, điều này đồng nghĩa với việc tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để dành cho các công việc quan trọng với mình. Thứ hai, cách làm này khiến tôi ít có khả năng chi tiêu hơn do một phần thu nhập đã được gửi ngay sang tài khoản tiết kiệm trước khi tôi nhìn thấy.
Sau một thời gian, tôi thấy rằng mình thậm chí hoàn toàn có thể sống tốt với khoản tiền còn lại sau khi đã trả cho mình trước. Đó là lý do vì sao tôi đã quyết định tăng tỷ lệ tiết kiệm lên và giờ đây tôi phân bổ 30% thu nhập của mình vào tài khoản tiết kiệm thông qua khoản khấu trừ tự động.
Sự thật về tiền số 2: Ngân sách là bạn đồng hành của bạn
Lập ngân sách có thể là công việc khiến nhiều người thấy tẻ nhạt nhưng nó thực sự cần thiết bạn muốn đạt được thành công về tài chính. Khi tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn sau khi ra trường, tôi nhận ra rằng số tiền tiết kiệm của mình thậm chí đang giảm đi mỗi tháng. Đó là bởi tôi hoàn toàn không lập kế hoạch chi tiêu, khiến chi phí tăng lên còn cao hơn mức tăng thu nhập.
Không thể tiếp tục tình hình đó, tôi bắt đầu nghiên cứu các kỹ thuật lập ngân sách khác nhau và phương pháp đầu tiên tôi thử là phương pháp phong bì tiền mặt. Phương pháp có thể hiểu đơn giản là bạn tạo ra các danh mục ngân sách và phân bổ số tiền của mình cho các danh mục này bằng tiền mặt trong mỗi phong bì riêng.
Thời gian sau, tôi đã dần chuyển sang sử dụng phương pháp lập ngân sách 20/30/50 khi việc luôn phải rút và mang theo tiền mặt đôi khi bất tiện. Hàng tháng, tôi chia thu nhập của mình theo cách: 50% cho chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, điện nước và hàng tạp hóa; 30% tiếp theo dành cho chi phí giải trí như đi ăn, xem phim; 20% cuối cùng là cho tài khoản tiết kiệm của bạn. Bằng cách sử dụng kỹ thuật này, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về việc tiết kiệm tiền.
Sự thật về tiền số 3: Chỉ làm một công việc giờ hành chính sẽ không giúp bạn giàu có
Khi tôi có công việc đầu tiên, tôi cảm thấy như mình đang bắt đầu hành trình hướng tới thành công và giàu có. Nhưng mọi thứ sau đó khác với những gì tôi tương tượng. Tôi nhận ra rằng một công việc giờ hành chính sẽ không thể khiến mình trở nên giàu có.
Tất nhiên, một công việc chính sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích như bảo hiểm y tế, lương hưu và một khoản tiền lương hàng tháng song bạn sẽ cần thêm các nguồn thu nhập khác nếu muốn trở nên giàu có.
Sự thật về tiền số 4: Bạn phải đặt ra mục tiêu tài chính
Tôi luôn là người định hướng mục tiêu. Khi còn học trung học, mục tiêu của tôi là để kiếm được 80.000 đô la một năm sau 5 năm đi làm. Để làm được điều đó, tôi đã thực hiện các bước sau: Tốt nghiệp với tấm bằng kế toán, có chứng chỉ CPA và nhận được một công việc trị với mức lương 80.000 đô la ở tuổi 27, đạt được mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng chiến lược thiết lập mục tiêu của mình vẫn có thể tốt hơn. Vào thời điểm đó, tôi không biết về sức mạnh của việc viết ra các mục tiêu và hình dung thành quả của chúng. Năm 1979, một nhóm các nhà nghiên cứu quyết định thực hiện một nghiên cứu về thiết lập mục tiêu. Nghiên cứu được thực hiện với các sinh viên Trường Kinh doanh Harvard và kết quả là 3% sinh viên tốt nghiệp với các mục tiêu được viết ra rõ ràng đã kiếm được gấp 10 lần so với 97% những sinh viên còn lại sau 10 năm ra trường.
Một nghiên cứu khác còn phát hiện ra rằng những người đặt ra mục tiêu càng cụ thể, sinh động, họ càng có khả năng thành công cao hơn từ 1,2 đến 1,4 lần so với những người không làm điều đó.
Sự thật về tiền số 5: Không bao giờ là quá sớm để đầu tư cho hưu trí
Thành thật mà nói, khi còn trẻ, tôi không quan tâm đến việc nghỉ hưu. Chuyện bước sang tuổi 65 và cần một số tiền đáng kể để duy trì cuộc sống là điều gì đó quá xa xôi, khiến tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể bắt đầu tiết kiệm "vào một ngày nào đó".
Thật may là tôi đã thay đổi được nhận thức và bắt đầu nghiêm túc với việc tiết kiệm cho hưu trí khi ở khoảng 25. Điều này sẽ đảm bảo cho tôi sự vững chắc về tài chính trong những năm sau này. Bạn có thể nhìn qua ví dụ dưới đây để biết về sự khác biệt giữa bắt đầu sớm và muộn.
Giả sử chúng ta có 2 người là Mike và Steve. Mike bắt đầu đầu tư ở tuổi 19, đầu tư 2.000 đô la mỗi năm với lãi suất 12%/năm. Sau 8 năm, tức là khi anh ở tuổi 26, Mike không bơm thêm tiền vào khoản đầu tư này. Mặt khác, Steve đợi đến khi 27 tuổi mới bắt đầu đầu tư và cũng đầu tư số tiền tương tự 2.000 đô la mỗi năm với tỷ lệ 12%/năm cho đến khi 65 tuổi.
Bạn nghĩ ai sẽ kết thúc với nhiều tiền hơn ở tuổi 65? Nhiều người hẳn sẽ nghĩ đó là Steve bởi anh ấy đã đầu tư trong 39 năm trong khi Mike chỉ là 8 năm của Mike. Song sự thật là ở tuổi 65, những gì Mike có còn cao hơn 700.000 đô la so với Steve nhờ thời điểm bắt đầu đầu tư. Nhớ rằng, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí.