Bạn sẽ là một người tiết kiệm thành công hơn, có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn, sớm rủng rỉnh tiền bạc khi từ bỏ những suy nghĩ sai lầm này.
Dù muốn hoàn thành hầu hết bất kỳ mục tiêu tài chính quan trọng nào thì quá trình đó thường đều bắt đầu bằng việc tiết kiệm tiền. Suy cho cùng thì bạn không thể làm những việc như mua nhà, đầu tư cho hưu trí hay xây dựng quỹ khẩn cấp mà không tiết kiệm tiền.
Vẫn biết vậy nhưng sự thật là nhiều người đang tiết kiệm quá ít. Rất có thể là bởi họ đang có những quan điểm, suy nghĩ không đúng về tiền và tiết kiệm tiền. Để biết liệu có phải những suy nghĩ không đúng về tiền đang cản trở bạn tiết kiệm, hãy tìm 4 dấu hiệu sau đây.
1. Bạn coi tiết kiệm là việc phải làm, không phải việc bạn muốn làm
Tiết kiệm cũng giống như ăn kiêng vậy. Nếu bạn coi nó như một hình thức tước đoạt của bản thân thứ bạn mà bạn muốn, bạn sẽ không bao giờ thành công về lâu về dài.
Nhưng tiết kiệm không nên là điều bạn buộc phải làm bởi suy nghĩ đó sẽ ngăn cản bạn dùng tiền của mình cho những việc vui vẻ. Tiết kiệm tiền nên là điều khiến bạn hào hứng vì nó cho phép bạn đạt được những điều thực sự tuyệt vời.
Dù bạn đang tiết kiệm để nghỉ hưu hay để trả bớt tiền mua nhà hay cho một kỳ nghỉ, hãy hào hứng với việc tiết kiệm tiền và về những điều tuyệt vời mà tiền sẽ đem lại cho bạn. Đó có thể là thoải mái trang trí ngôi nhà theo phong cách của riêng mình, biến phòng mình thành không gian sống mơ ước hoặc tận hưởng cuộc sống mà không phải lo lắng về tiền bạc.
Khi bạn thay đổi tư duy của mình và tiết kiệm trở thành điều khiến bạn hứng thú, bạn sẽ sẵn sàng bám sát vào ngân sách của mình hơn và háo hức hơn để tìm ra những cách mới giúp việc tiết kiệm tiền trở nên hiệu quả hơn nữa, nhanh chóng tiến đến mục tiêu.
2. Bạn không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể và có thể đo lường được
Nghiên cứu cho thấy những người đặt mục tiêu có nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn. Nhưng không phải mục tiêu nào cũng được mà bạn cần đặt ra mục tiêu một cách cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, thực tế và có thời gian hoàn thành. Nói cách khác, bạn không nên mơ hồ về việc đặt mục tiêu tiết kiệm và cần đảm bảo rằng bạn có một mốc thời gian chi tiết để có thể đo lường tiến trình của mình.
"Tiết kiệm để nghỉ hưu" không phải là một mục tiêu tốt vì nó không nói rõ bạn nên tiết kiệm bao nhiêu, thời hạn trong bao lâu hoặc cách để bạn biết liệu mình có đang đi đúng hướng. Thay vào đó, mục tiêu tốt hơn sẽ là: "Tiết kiệm 443 đô la mỗi tháng cho việc nghỉ hưu bắt đầu từ tuổi 25 để có thể kiếm được 1 triệu đô la vào năm 63 tuổi."
Bạn cần đảm bảo rằng mục tiêu bạn đặt ra là thứ bạn thực sự có thể đạt được. Cách đặt ra mục tiêu theo cách thứ 2 sẽ tốt hơn bởi khi đó bạn biết số tiền cụ thể mình cần tiết kiệm và thời gian thực hiện. Điều này sẽ giúp bạn xác định xem mình có đạt được mục tiêu tiết kiệm 443 đô la mỗi tháng hay không.
Khi bạn đặt mục tiêu tiết kiệm cụ thể, bạn có thể tích lũy số tiền cần thiết vào ngân sách của mình. Làm như vậy, bạn có nhiều khả năng thực sự tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với việc bạn chỉ có một kế hoạch mơ hồ để làm.
3. Bạn chỉ gửi tất cả tiền tiết kiệm của mình vào một tài khoản
Nếu tất cả số tiền bạn tiết kiệm được chỉ được chuyển vào một tài khoản tiết kiệm hoặc tệ hơn là để vậy trong tài khoản thông thường của bạn thì bạn đang làm cho việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn.
Đó là bởi bạn sẽ không thể dễ dàng theo dõi các mục tiêu tiết kiệm khác nhau của mình khi bạn không có các tài khoản riêng cho từng mục tiêu. Bên cạnh đó, khi có một tài khoản dành riêng cho một mục đích cụ thể, chẳng hạn như quỹ căn nhà mơ ước, bạn sẽ hạn chế được tâm lý muốn động vào đó để tiêu so với việc để tất cả trong một tài khoản chung.
Các ngân hàng đều cho phép bạn mở nhiều tài khoản tiết kiệm mà bạn có thể liên kết, vì vậy hãy làm điều đó cho từng mục tiêu của bạn. Đặt tên cho chúng bởi chính mục tiêu mà bạn hướng đến, bạn sẽ thấy có động lực hơn trong việc tiết kiệm tiền.
4. Bạn luôn tiết kiệm những đồng tiền còn sót lại
Nếu bạn dự định tiết kiệm những gì còn sót lại sau khi đã chi tiêu xong xuôi trong tháng, rất có thể bạn sẽ không có gì để tiết kiệm.
Thay vì đặt tất cả các nhu cầu và mong muốn khác lên trên mục tiêu tiết kiệm, hãy lập ngân sách ưu tiên tiết kiệm lên trước. Trước tiên, ngân sách của bạn nên tính đến những nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như chi phí nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và bảo hiểm. Điều tiếp theo trong danh sách của bạn (trước khi muốn chi tiêu) phải là tiết kiệm. Tiết kiệm tiền quan trọng hơn bất kỳ khoản mua sắm không cần thiết nào mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ.
Khi bạn đã tích lũy được khoản tiết kiệm vào ngân sách của mình, hãy phân phối phần tiền còn lại của bạn cho các khoản chi tiêu không cần thiết như ăn uống và giải trí. Nếu bạn không có đủ để tiết kiệm và trang trải các chi phí khác, hãy tìm cách cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu nhập.
Sau khi đã thay đổi tư duy về ưu tiên tiết kiệm, hãy thực hiện tự động hóa quy trình, chuyển một tỷ lệ nhất định vào tài khoản tiết kiệm ngay khi có thu nhập phát sinh. Cách làm này chính là để bạn luôn trả tiền cho mình trước. Làm điều này, bạn sẽ bất ngờ bởi số tiền mình tiết kiệm được nhiều hơn so với tiết kiệm những đồng còn lại sau khi đã chi tiêu.
Và giờ thì bạn đã phát hiện ra liệu có điều gì mình cần điều chỉnh trong cách suy nghĩ về tiền bạc. Hãy điều chỉnh những gì cần thiết với ngân sách và tư duy của mình để tiết kiệm trở thành một ưu tiên thực sự. Bạn sẽ là một người tiết kiệm thành công hơn, có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn, sớm rủng rỉnh tiền bạc.