Hãy xem cách thiết lập bản thân để đạt được thành công về tài chính từ những phụ nữ đã từng ở đó, đã làm được điều đó và có một số chia sẻ khôn ngoan.
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng hoàn toàn có thể định hình tương lai của chính mình. Một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là học hỏi từ những người đi trước. Họ là những người có nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm sống từ những điều đã trải qua. Dưới đây là những gì nhiều phụ nữ ở tuổi 50 ước biết sớm hơn về tài chính của họ khi họ lần đầu tiên mở danh mục đầu tư của mình.
“Hãy ưu tiên giáo dục về tài chính, tạo thói quen tốt”
Các nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn so với nam giới. Sẽ thật tuyệt nếu bạn dành một phần thời gian đó để đọc về các xu hướng và hành vi tài chính.
“Thế hệ trẻ có thể tận dụng Tik Tok và Reddit để được tư vấn tài chính hay theo dõi những người có ảnh hưởng để hiểu hơn về cách quản lý tiền bạc. Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào các công ty mà tôi yêu thích các sản phẩm của họ. Khi bạn còn trẻ và đam mê sản phẩm của một nhãn hàng nào đó, bạn có thể chấp nhận rủi ro hơn và đầu tư vào niềm tin của mình.
Bạn cần biết rằng tiết kiệm có vai trò rất quan trọng. Nhiều phụ nữ trẻ đang đánh giá thấp việc tiết kiệm cho những năm tháng nghỉ hưu sau này. Nhớ rằng chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng tăng, chi phí sinh hoạt cũng vậy. Tiết kiệm tiền khi bạn còn trẻ chính là cách giúp bạn loại bỏ một cách đáng kể những căng thẳng sau này. Đừng chần chừ, đẩy quyết định này vào “một ngày nào đó” mà hãy tiết kiệm ngay từ hôm nay”, kiểm toán viên Melisse Burstein, một đối tác tại Gerson Preston chia sẻ.
“Tập trung vào sự đa dạng”
“Ở độ tuổi 20, tôi đã làm khá tốt trong việc đầu tư tiền vào cổ phiếu song đó hoàn toàn là dựa vào trực giác, chọn những công ty mà tôi tin tưởng. Tôi coi đó là một khoản đầu tư dài hạn và tôi đã được đền đáp xứng đáng.
Bạn có thể tham gia vào thị trường chứng khoán hay tiền điện tử một cách dễ dàng. Hãy nhớ luôn có một danh mục đầu tư đa dạng để tiền của bạn không bị tàn phá khi một lĩnh vực nào đó của thị trường đi xuống và có số tiền nhất định trong tài khoản để có tiền đầu tư ngay khi có cơ hội. Cuối cùng, đừng đặt tất cả tiền của bạn vào những con đường có rủi ro cao. Hãy thiết lập một tài khoản ngân hàng tự động chuyển một tỷ lệ nhất định vào tài khoản tiết kiệm khi có thu nhập phát sinh”, Laura Eisman, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Her Highness chia sẻ.
"Hãy kiểm soát tình hình tài chính của chính bạn”
Đừng bao giờ rơi vào những cái bẫy như “phụ nữ đâu hiểu gì về tài chính” hay “phụ nữ là rất hay tiêu xài linh tinh”… Để hiểu biết sâu về ngành tài chính là một câu chuyện nhưng bạn có rất nhiều công cụ và nguồn lực hỗ trợ để có được những kiến thức cơ bản một cách dễ dàng hơn.
Tiền là quyền lực và tiền là tự do, đừng nghĩ về nó như một chủ đề khô khan hoặc phức tạp, quá sức. Hãy coi nó như một cứu cánh, cho bạn nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.
“Tôi thích khái niệm không coi công việc của mình là nguồn thu nhập duy nhất. Hãy năng động lên và bạn sẽ có những khoản đầu tư, những công việc tay trái khác thậm chí có thể mang lại nguồn thu nhập lớn hơn công việc chính cho bạn. Việc thay đổi tư duy để nghĩ về cách đa dạng hoá nguồn thu nhập sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính sớm hơn”, Bethanie Baynes, Giám đốc Đối tác Toàn cầu tại Google nói.
“Luôn nhớ tạo quỹ khẩn cấp”
Tiết kiệm trong những năm tháng tuổi trẻ, khi bạn dễ bị sa vào những cám dỗ chi tiêu là điều không dễ dàng nhưng đó thực sự là một thói quen tốt và cần thiết. Đại dịch COVID-19 có lẽ là một sự kiện giúp nhiều người nhận ra tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp khi gặp phải biến cố.
Dù bạn là ai, làm công việc gì, hãy luôn có quỹ khẩn cấp cho mình. Tối thiểu hãy xây dựng quỹ đó có giá trị tương đương 2-3 tháng sinh hoạt phí. Giá trị của quỹ này còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn, mức độ ổn định trong công việc, số người phụ thuộc, tình trạng sức khoẻ… “Luôn luôn phải nhớ tiết kiệm một phần nào đó trong số những gì bạn phải chi tiêu”, Allison Krongard, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Her Highness chia sẻ.
“Đừng chỉ tiết kiệm, hãy đầu tư”
Nỗi sợ rủi ro khiến rất nhiều người bỏ qua con đường làm giàu số 1 chính là đầu tư. Có lẽ chúng ta đều được nghe về tầm quan trọng của tiết kiệm từ khi còn nhỏ nhưng chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ.
Hãy đặt ra cho mình một con số tiết kiệm cụ thể hàng tháng, chẳng hạn như 10%-30% số tiền bạn kiếm được. Sau khi đã tiết kiệm được khoảng 6 tháng chi tiêu, hãy chia đôi số tiền đó và bắt đầu đầu tư.
Đừng mang suy nghĩ sai lầm rằng bạn phải có rất nhiều tiền mới có thể đầu tư. Những thay đổi ngay cả nhỏ nhất theo thời gian cũng sẽ mang đến cho bạn sự tích cực lớn trong tương lai.
Hãy đầu tư vào những thứ bạn biết hoặc thích tìm hiểu. Không phải ai cũng quan tâm đến cổ phiếu, một số người bị mê hoặc bởi bất động sản, những ngôi nhà và khái niệm sở hữu tài sản. Bạn vẫn có thể đi chơi, du lịch, tận hưởng cuộc sống, chỉ là bạn cần biết chi tiêu sao cho hợp lý và sống dưới khả năng của mình. Càng đầu tư sớm, bạn sẽ càng nhanh đạt được mục tiêu tài chính.
“Hãy lập kế hoạch cho hưu trí và lập ngân sách là việc cần làm ngay bây giờ"
"Nếu tôi bắt đầu lập quỹ hưu trí ở độ tuổi 20, tôi sẽ không phải tích cực đóng góp vào quỹ hưu trí như bây giờ. Tôi sẽ không phải thấy áp lực hơn khi khoản đóng góp hưu trí ngày một tăng. Bạn sẽ thấy lo lắng hơn khi nhận ra hưu trí đang đến gần mà bạn chưa có kế hoạch nghỉ hưu đầy đủ. Việc lập kế hoạch muộn đòi hỏi bạn phải đóng góp nhiều hơn để có thể bắt kịp.
Tôi ước ai đó đã ngồi xuống với tôi và hướng dẫn tôi theo dõi chi tiêu, tạo lập thói quen tiết kiệm mỗi khi nhận lương và biết được tầm quan trọng của việc lập, tuân thủ ngân sách từ khi còn trẻ. Hãy lập ngay ngân sách cho mình từ hôm nay để kiểm soát tài chính tốt hơn, góp phần xây dựng sự giàu có trong tương lai", Sharon Smith-Akinsanya", Giám đốc điều hành của Tập đoàn Rae Mackenzie cho biết.
"Tìm kiếm người cố vấn"
"Tôi ước mình các quyết định tài chính của mình từ khi còn trẻ có sự đồng hành của cha mẹ. Tôi đã không làm như vậy, khi nhỏ thì cha mẹ quyết định thay và sau đó lớn hơn là tự mình làm theo suy nghĩ.
Giờ đây nhìn lại những gì đã trải qua, tôi ước mình được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm hoặc được những người đi trước có nhiều kinh nghiệm tư vấn. Sẽ thật tuyệt khi bạn tìm được những người dẫn đường, giúp bạn đi đúng hướng từ khi còn trẻ", Tiến sĩ Ibilola Amao, cố vấn chính tại Lonadek Global Services chia sẻ.